Chương trình Kỷ niệm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam của thế hệ trẻ ngành Công Thương nhằm khơi dậy lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, hiểu biết về lịch sử đấu tranh gian khổ và hào hùng của dân tộc Việt Nam,đồng thời tri ân các thế hệ cha anh, từ đó nâng cao ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi người trẻ đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Phó Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Bộ Công Thương Phạm Khắc Huy dâng hương tại Đài tưởng niệm |
Đoàn viên Bộ Công Thương thành kính tưởng nhớ các chiến sĩ yêu nước cách mạng hy sinh tại Nhà tù Hỏa Lò |
Tại Khu di tích Hỏa Lò (Hà Nội), các đoàn viên đại diện cho tuổi trẻ ngành Công Thương đã thành kính dâng hương tại Đài tưởng niệm các chiến sĩ yêu nước, cách mạng hy sinh tại đây, tham quan các gian trưng bày cố định và trưng bày “Thắp lửa niềm tin”.
Các đoàn viên trong đoàn nghe giới thiệu về Khu di tích lịch sử Hỏa Lò |
Các đoàn viên thanh niên của đoàn Bộ Công Thương khi được tận mắt chứng kiến nơi giam cầm các chiến sĩ cách mạng tại Khu di tích Hỏa Lò đã bày tỏ sự xúc động, lòng biết ơn đối với các chiến sỹ yêu nước, cách mạng đã từng bị bắt giam tại Nhà tù Hỏa Lò, như được tiếp lửa để có thêm niềm tin vào cuộc sống và mong muốn được cống hiến xứng đáng với sự hy sinh của cha anh đi trước.
Mỗi hình ảnh, câu chuyện là một khoảng thời gian lắng đọng |
Nhà tù Hỏa Lò một thời là trường học lớn trui rèn lòng yêu nước, chí khí chiến đấu |
Cũng trong Chương trình kỷ niệm 95 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam, đoàn viên thanh niên Bộ Công Thương tham dự chương trình tọa đàm kỷ niệm với chủ đề “Dấu ấn lịch sử”, xem và tìm hiểu về bộ phim “Trường học sau song sắt” kể lại các hình thức xuất bản báo chí của tù nhân Nhà tù Hỏa Lò. Đặc biệt, các đoàn viên thanh niên vinh dự được giao lưu với nhân chứng lịch sử là ông Dương Tự Minh- cựu tù chính trị Hỏa Lò.
Chương trình tọa đàm giao lưu được tổ chức ngay tại Khu di tích Hỏa Lò |
Ông Dương Tự Minh năm nay 85 tuổi, là con trai của cố Nhà giáo Dương Quảng Hàm. Trong câu chuyện tại buổi giao lưu, những hồi ức vê một thời hoạt động sôi nổi, giàu lòng yêu nước, căm thù thực dân của học sinh, sinh viên Hà Nội trước và sau năm 1954 đã được thuật lại bằng những câu chuyện hấp dẫn mà ông Dương Tự Minh là người trong cuộc.
Tháng 12/1952, khi mới 17 tuổi, ông bị thực dân Pháp bắt vì tham gia hoạt động của Đoàn học sinh kháng chiến Hà Nội. Sau hai tháng bị giam cầm, tra tấn tại Sở Mật thám Hà Nội, ông bị chuyển sang giam tại Nhà tù Hỏa Lò. Tháng 10/1953, ông được thực dân Pháp cho tại ngoại hầu cứu. Sau khi ra vùng tự do, tham dự chỉnh huấn tại căn cứ của Thành đoàn ở Xích Thổ, Ninh Bình, ông được bố trí trở lại hoạt động tại nội thành Hà Nội.
Các đoàn viên được giao lưu với nhân chứng lịch sử-ông Dương Tự Minh, cựu tù chính trị Hỏa Lò |
“Lòng yêu nước cứ đến với chúng tôi khi ấy một cách hoàn toàn tự nhiên, không nề hà, ngại gian khổ, hiểm nguy khi dấn thân vào các hoạt động yêu nước dù chỉ trong vai trò học sinh, sinh viên. Với chúng tôi, lúc đó kháng chiến là điều vô cùng cao cả, chúng tôi coi cuộc sống trong vùng địch tạm chiếm chỉ là “sống tạm”, để khi trưởng thành, sẽ sát cánh cùng các anh, chị trong gia đình tham gia kháng chiến”- ông Dương Tự Minh nhớ lại.
Đoàn ghi hình lưu niệm với nhân chứng lịch sử và đại diện Ban quản lý Khu di tích lịch sử Hỏa Lò |
Nhiều câu chuyện lý thú về tờ báo “Nhựa sống” của Đoàn học sinh kháng chiến Hà Nội cũng đã được ông Dương Tự Minh chia sẻ với các bạn trẻ tại buổi giao lưu, làm giàu thêm những hiểu biết của tuổi trẻ về một thời đã xa nhưng vẫn nguyên vẹn sức sống, về vai trò của báo chí cách mạng trong việc động viên quần chúng đi theo Đảng.
Chương trình Kỷ niệm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Bộ Công Thương thực sự là đợt sinh hoạt chính trị bổ ích, tiếp thêm hiểu biết, sức mạnh cùng những tình cảm tri ân với những thế hệ tiền bối của đất nước, từ đó thêm động lực phấn đấu để hoàn thành nhiệm vụ chính trị và chuyên môn.