Lạng Sơn thí điểm phương thức giao nhận hàng hoá xuất khẩu mới Nhanh chóng tạo “luồng xanh” tại khu vực cửa khẩu |
Hiệu suất thông quan vẫn chưa được cải thiện
Theo Sở Công Thương Lạng Sơn, hiện nay, trên địa bàn tỉnh đang duy trì thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu tại 04 cửa khẩu. Với mục tiêu giải quyết tình trạng ùn tắc hàng hóa, tăng hiệu suất thông quan, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu của doanh nghiệp, đồng thời đảm bảo các điều kiện về phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh giữa hai bên, tỉnh Lạng Sơn đã tích cực trao đổi, thống nhất với phía Quảng Tây - Trung Quốc xây dựng và triển khai phương thức giao nhận hàng hóa xuất nhập khẩu mới tại cặp cửa khẩu Tân Thanh - Pò Chài (từ ngày 26/02/2022) và tại cặp cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị - Hữu Nghị Quan (từ ngày 01/3/2022). Tuy nhiên, do thời gian triển khai rất gấp nên còn gặp một số khó khăn, vướng mắc trong việc khai báo, đăng ký phương tiện cũng như một số vấn đề kỹ thuật liên quan khác chưa thống nhất được giữa hai bên phát sinh trong vận hành, đặc biệt tại cửa khẩu Hữu Nghị vì vậy hiệu suất thông quan vẫn chưa được cải thiện.
Xuất nhập khẩu hàng hóa tại khu vực cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) |
Dự báo từ ngày 06/3/2022, sau khi hết thời hạn thông báo tạm dừng tiếp nhận phương tiện chở hoa quả tươi đến cửa khẩu đường bộ của tỉnh Lạng Sơn để xuất khẩu (Công văn số 220/SCT-QLTM ngày 12/02/2022 và Công văn số 268/SCT-QLTM ngày 22/02/2022 của Sở Công Thương Lạng Sơn), lượng trái cây tươi đưa lên cửa khẩu Lạng Sơn chờ xuất khẩu sẽ ngày càng tăng do các tỉnh phía Nam đang vào vụ thu hoạch, nhu cầu của phía Trung Quốc tăng cao, ngoài ra một số cửa khẩu tại các địa phương khác đang tạm dừng hoạt động, gây khó khăn cho công tác kiểm soát dịch bệnh, giữ gìn an ninh trật tự, công tác quản lý, đảm bảo vệ sinh môi trường tại khu vực cửa khẩu trên địa bàn tỉnh; phát sinh tăng chi phí, thiệt hại về kinh tế cho lái xe, doanh nghiệp.
Với năng lực thông quan chưa được cải thiện như hiện nay, để giải quyết hết lượng xe chở hàng hóa đang tồn ở các khu vực bến bãi chờ xuất khẩu trên cần khoảng 15 ngày. Tỉnh Lạng Sơn cho biết, sẽ tạm dừng điều tiết xe chở hàng hóa xuất khẩu vào các khu vực cửa khẩu (Khu Phi thuế quan, Khu trung chuyển hàng hoá, các khu vực chờ xuất khẩu) nhằm đảm bảo thực hiện “vùng đệm”, “vùng xanh” an toàn đối với hàng nông sản xuất khẩu cho đến khi năng lực thông quan được cải thiện.
Do đó, Sở Công Thương Lạng Sơn cũng khuyến cáo đến các doanh nghiệp, ngành hàng sản xuất, vận tải, xuất khẩu hàng hóa cân nhắc, tạm dừng việc đưa hàng hoá hoa quả tươi lên khu vực các cửa khẩu biên giới đường bộ của tỉnh Lạng Sơn để xuất khẩu trong thời điểm hiện nay.
Tăng cường triển khai công tác hỗ trợ kết nối thị trường, đẩy mạnh chế biến, tiêu thụ trong nước, tập trung vào các loại trái cây, nông sản như: thanh long, mít, xoài, dưa hấu,... đồng thời đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu sang các quốc gia khác.
Các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp sản xuất, chế biến, vận tải, xuất khẩu hàng hóa có liên quan chủ động theo dõi, cập nhật thường xuyên về tình hình tại các cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn, năng lực bến bãi, tiến độ thông quan, phương thức giao nhận hàng hóa xuất nhập khẩu và đánh giá khả năng xuất khẩu để điều tiết phương tiện chở hàng và xây dựng phương án sản xuất, xuất khẩu hợp lý....
Dự báo kim ngạch xuất khẩu rau quả tiếp tục giảm
Bà Đoàn Thu Hà - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn- cho biết, với sự tích cực vào cuộc của các cơ quan trung ương, địa phương và sự trao đổi tích cực với phía Trung Quốc, cơ bản hàng hóa nông sản của chúng ta bị ùn ứ tại các cửa khẩu đã được giải quyết trước Tết. Tuy nhiên, sau Tết Nguyên đán, đến nay, việc ùn ứ trở lại, xuất hiện ở các cửa khẩu biên giới phía Bắc.
Theo bà Hà, với lượng nông sản đang vào chính vụ như vậy mà tiêu thụ nội địa chưa được nhiều, cơ bản vẫn chuyển lên cửa khẩu, cho nên hiện tượng ùn ứ hàng hóa tại cửa khẩu vẫn tiếp diễn. Về việc thiết lập "vùng xanh" để đảm bảo an toàn phòng chống dịch, tỉnh Lạng Sơn cũng đã thiết lập và triển khai ở khu biên giới. Tuy nhiên, tiêu chí, điều kiện về y tế với người cũng như phương tiện hàng hóa của chúng ta và phía bạn còn quy định khác nhau, chưa thống nhất, gây khó khăn, ảnh hưởng đến hiệu suất thông quan. “Chúng tôi đã thực hiện phương thức hạn chế tiếp xúc, tuy nhiên năng lực thông quan chưa được cải thiện trong khi hàng hóa vẫn tiếp tục lên cửa khẩu, tình trạng ùn tắc tôi nghĩ sẽ tiếp diễn trong thời gian tới”, bà Hà chia sẻ.
Theo số liệu của Hiệp hội Rau quả Việt Nam, tháng 2/2022, xuất khẩu rau quả của Việt Nam chỉ đạt 153 triệu USD, giảm 47,7% so với tháng 1/2022 và gần 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Luỹ kế 2 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu rau quả Việt Nam đi các thị trường chỉ đạt 445 triệu USD giảm 21,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện, các mặt hàng có tỷ trọng giảm mạnh nhất là thanh long, mít và dưa hấu.... Hầu hết đều giảm ở mức 2 con số.
Xuất khẩu rau quả giảm mạnh những tháng đầu năm nguyên nhân một phần do xuất khẩu sang Trung Quốc đang chậm lại và có xu hướng đảo chiều. Nếu các năm trước, rau quả sang quốc gia này luôn tăng ở mức 2 con số, năm nay giảm mạnh do tắc nghẽn cửa khẩu và siết chặt các quy định về phòng chống Covid-19.
Theo ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, Trung Quốc chiếm 55% thị phần xuất khẩu rau quả của Việt Nam, đợt ùn ứ xe nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc kéo dài suốt từ cuối năm 2021 đến nay khiến thị phần xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang nước này giảm mạnh. Tính riêng tháng 1/2022, xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc đạt gần 150 triệu USD, giảm 19% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái và tiếp tục giảm mạnh trong tháng 2/2022 với con số xuất khẩu chỉ đạt khoảng gần 100 triệu USD.
Hiệp hội Rau quả Việt Nam cũng dự báo xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc trong những tháng tiếp theo sẽ vẫn gặp khó khăn nếu như chính sách siết chặt, kiểm soát Covid-19 không thay đổi. Do đó, bên cạnh việc khuyến cáo các doanh nghiệp cần theo dõi sát tình hình thông quan tại cửa khẩu, cảng biển để điều tiết hàng hóa xuất khẩu, Hiệp hội cho rằng, đối với sản xuất thì phải giảm diện tích trồng, tránh dư thừa dẫn tới mất giá.
Việc kiểm tra chặt chẽ dịch bệnh theo chính sách "Zero Covid” khiến thông quan bị hạn chế rất nhiều. Từ khi xảy ra vấn đề này, liên bộ ngành đã đưa ra nhiều giải pháp để tháo gỡ, những giải pháp này đều xuất phát từ thực tiễn. Có thể thấy việc thông quan chưa triệt để nhưng những nỗ lực này cũng đã có hiệu quả, cụ thể, từ ngày 25/1 đến nay, với những nỗ lực ngoại giao và việc điều tiết trong nước đã có 15 nghìn xe thông quan. Trước đây chỉ 7/13 cửa khẩu mở và thông quan hạn chế nhưng đến nay đã mở 13/13 cửa khẩu. Ông Phan Văn Chinh- Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương)- với cách làm như hiện nay đưa hàng hóa sang tuyển chọn phân loại, hàng hóa tốt sẽ lấy, không đạt sẽ trả về gây tốn kém,… do đó, việc lập các khu trung chuyển nông sản đa năng cho khách hàng Trung Quốc xem hàng (nếu cần) sẽ là giải pháp hỗ trợ xử lý được tồn tại hiện nay. Các điểm trung chuyển không chỉ làm thủ tục hải quan, mà có thể tập trung cả tuyển chọn phân loại đóng gói theo tiêu chuẩn của bạn… |