Phóng viên Vuasanca đã có cuộc trao đổi với TS. Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam (Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam) - về vấn đề này.
Hiện nay, doanh nghiệp tham gia chuyển đổi xanh ở Việt Nam đang gặp những khó khăn, thách thức như thế nào và giải pháp là gì, thưa ông?
TS Hoàng Dương Tùng |
Chính phủ rất quyết tâm chuyển đổi xanh trong tất cả các lĩnh vực, đây là những bước đi cần thiết, đúng đắn. Đồng thời, rất nhiều doanh nghiệp (DN) tham gia chuyển đổi xanh, tuy nhiên, còn rất nhiều khó khăn.
Trước hết, DN cần những chính sách rất cụ thể, có thể là được vay vốn, cơ chế khuyến khích trong lĩnh vực tài chính... - những "sân chơi" công bằng đẳng cấp quốc gia. Chúng ta cần phải có những thông tư quy định rất cụ thể để các doanh nghiệp cùng tham gia.
Về cơ chế, chính sách, trong luật có rất nhiều quy định khuyến khích như trong thị trường carbon, nhưng khi doanh nghiệp được sự đồng hành của Chính phủ, sẽ yên tâm đầu tư hơn.
Vấn đề ô nhiễm không khí đang đặt ra thách thức không nhỏ tại các đô thị lớn, nguyên nhân được cho là do phương tiện giao thông. Ông nhìn nhận thế nào về vấn đề này?
Rất nhiều thành phố của Việt Nam đang ô nhiễm trầm trọng. Một trong những nguyên nhân gây ra ô nhiễm không khí chính là từ phương tiện giao thông cá nhân. Chúng ta có rất nhiều xe máy, ô tô chạy nhiên liệu hóa thạch. Xe máy chưa có quy định kiểm soát khí thải, xả khói đen bao nhiêu cũng được, đó là những nguồn ô nhiễm không khí rất đáng kể đối với thành phố.
Việt Nam cũng đã có những doanh nghiệp tiên phong trong sản xuất xe điện, chẳng hạn như VinFast và người dân cũng ngày càng lựa chọn xe điện là phương tiện giao thông nhiều hơn, đó là những nỗ lực rất lớn nhằm giảm thiểu ô nhiễm. Tôi đánh giá cao trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp như VinFast, doanh nghiệp đã phát triển phương tiện công cộng thông qua việc đưa xe bus điện, taxi điện tại các đô thị lớn, điều này sẽ góp phần dần thay đổi nhận thức của người dân
Song song với đó, chính quyền các địa phương cũng cần mở rộng hệ thống giao thông công cộng, trồng cây xanh, các tuyến đường sắt trên cao... Việc chuyển sang các phương tiện chạy điện, không dùng những nhiên liệu hóa thạch nữa là một hướng đi rất đúng đắn, phải đi chứ không còn cách nào khác, nếu không, ô nhiễm sẽ lại tiếp tục.
VinFast vừa công bố mạnh mẽ chính sách hỗ trợ người dùng chuyển sang phương tiện giao thông xanh. Theo ông, điều này có ý nghĩa như thế nào trong việc thúc đẩy sản xuất xanh và quá trình giảm phát thải ở Việt Nam?
Những nỗ lực của VinFast rất đáng trân trọng, không chỉ trong việc đưa ra sản phẩm xanh, mà còn tạo điều kiện để sản phẩm được sử dụng rộng rãi. Sản xuất xe điện đã khó, nhưng làm thế nào để phát triển thị trường, người dùng sử dụng mới là điều quan trọng.
Để giảm thiểu những phương tiện nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm, việc xây dựng hạ tầng rất quan trọng. VinFast đã rất cố gắng xây dựng các trạm sạc, có những chính sách miễn phí sạc, gửi xe trong một số năm... để động viên, khuyến khích cho người dùng nhiều hơn. Bên cạnh đó là những cam kết mạnh mẽ trong chính sách bảo hành, bảo dưỡng. Đây thực sự là những nỗ lực vượt bậc của VinFast.
Muốn đi xa, phải đi cùng nhau, không thể đi riêng lẻ được. Công cuộc bảo vệ môi trường không phải của riêng ai, không chỉ riêng VinGroup, VinFast, hay riêng doanh nghiệp, Chính phủ, mà của cộng đồng người dân. Đây là một thông điệp rất mạnh mẽ: Sự chung tay của tất cả mọi người mới dẫn đến thành công.
Ông đánh giá như thế nào về việc chuyển đổi năng lượng xanh cho phương tiện giao thông ở Hà Nội?
Vừa qua, Hà Nội đã trình 3 phương án chuyển đổi xanh trong giao thông, đây là bước tiến đột phá mạnh mẽ để dần dần loại bỏ những phương tiện giao thông sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Thực hiện phương án nào cũng có điểm mạnh và điểm yếu, nhưng tôi cho rằng, nếu Hà Nội quyết tâm chuyển đổi sang 100% xe bus điện vào năm 2030, sẽ sớm mang lại những dịch vụ công cộng xanh, sạch, bảo vệ môi trường cho người dân.
Nhà máy sản xuất xe điện của Selex tại Việt Nam đã được tham gia dự án Tiêu chuẩn vàng nhằm giảm phát thải carbon |
Chuyển sang nhiên liệu CNG cũng có chi phí không hề rẻ. Vì vậy, trên con đường tiến tới năng lượng sạch hơn, là những cố gắng nhất định của các hãng nhưng hiện nay vẫn có những nguồn năng lượng sạch hơn, ví dụ như điện. Đấy là xu thế của tất cả các nước trên thế giới. Hiện một số quốc gia đã cấm hẳn các phương tiện chạy nhiên liệu hóa thạch, các nơi khác cũng bắt đầu phổ cập xe điện. Với trình độ phát triển công nghệ, pin hiện nay rồi hạ tầng, đây là một xu hướng tất yếu.
Theo ông, Hà Nội nên có chính sách gì để thực hiện chuyển đổi sang taxi điện?
Không chỉ taxi điện, tôi nghĩ rằng, tất cả các phương tiện công cộng đều nên chuyển sang điện. Để làm được điều này, vai trò của chính quyền rất quan trọng, phải khuyến khích bằng những cơ chế. Ví dụ, trong phân loại rác, quy định những đơn vị thu gom rác phải có điều kiện, trang thiết bị kỹ thuật. Nếu chúng ta quyết tâm đưa thêm điều kiện doanh nghiệp phải sử dụng những phương tiện thân thiện với môi trường, sẽ thể hiện ý định chuyển đổi xanh của Hà Nội không chỉ trong phân loại rác, mà cả trong phương tiện giao thông, giảm thiểu ô nhiễm. Trên thế giới, ở một số nước trên thế giới, ví dụ như Hà Lan, taxi điện không phải xếp hàng mà được tự động vào lấy khách. Đây là những cơ chế có thể tăng sự tham gia của nhiều người, mang lại sự phát triển bền vững.
Xin cảm ơn ông!