Công nghiệp hỗ trợ dần lấy lại nhịp tăng trưởng
TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương và Long An là trung tâm công nghiệp, chế biến, chế tạo lớn nhất cả nước, tập trung nhiều doanh nghiệp hoạt động công nghiệp hỗ trợ nhất. Tuy vậy đây cũng là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đợt bùng phát dịch lần thứ 4 vừa qua.
Nhiều doanh nghiệp đang phục hồi trở lại |
Theo doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, sau các đợt dịch trước họ vốn đã bị ảnh hưởng bởi chuỗi cung đứt gãy thì gần đây khi làn sóng dịch thứ 4 bùng phát mức ảnh hưởng càng nặng nề hơn. Cụ thể, mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp gần như phải tạm ngưng trong giai đoạn cao điểm dịch bùng phát, dẫn tới đơn hàng không thể thực hiện, thậm chí dù tạm ngưng nhưng doanh nghiệp vẫn phải gồng mình để chi trả thêm nhiều chi phí phát sinh, khiến doanh nghiệp khó chồng khó. “Trong những ngày áp dụng Chỉ thị 16, Chỉ thị 16+, chúng tôi dù có hợp đồng nhưng khâu sản xuất, khâu vận chuyển lại không thực hiện được. Vào thời điểm đó, năng lực sản xuất của chúng tôi dư thừa vì có những lúc công suất chỉ đạt 20-30% so với bình thường”- ông Trần Thọ Huy - Tổng giám đốc Công ty CP Thang máy Thiên Nam kể lại.
Dù vậy, theo ông Trần Thọ Huy, từ đầu tháng 10/2021 tới nay tất cả các hoạt động sản xuất, kinh doanh của Thiên Nam đang phục hồi khá tích cực khi những đơn hàng cũ đã sản xuất gần hết và đơn hàng mới cũng đang được công ty gấp rút thực hiện theo yêu cầu của khách hàng.
Với Công ty TNHH Cơ khí Việt Sơn, do bị trễ tiến độ 2 tháng nên doanh nghiệp này đang nỗ lực hoàn thành các đơn hàng đã ký. Ngoài ra công ty cũng tăng tốc đẩy nhanh ký thêm các hợp đồng mới, phát triển thêm hệ thống lắp đặt tự động cho các chuồng trại chăn nuôi mới theo nhu cầu của thị trường. “Chúng tôi đang tăng hết công suất trở lại với hi vọng sẽ đạt mục tiêu doanh thu đề ra cho năm nay là 150 tỷ đồng. Do đó, chúng tôi đang quay lại làm 3 tại chỗ và chia thành 3 ca hoạt động liên tục để chấm dứt tình trạng công nhân bị covid phải nghỉ việc”- bà Bùi Tuyết Mai - Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Cơ khí Việt Sơn chia sẻ.
Tương tự, Công ty CP Thương Mại Cơ Khí Tân Thanh ghi nhận đơn hàng tăng 100% so với thời điểm giãn cách xã hội. Bà Kiều Ngọc Phương- Phó Tổng giám đốc Cơ Khí Tân Thanh cho biết, do thời điểm hiện tại toàn thế giới “khủng hoảng” thiếu container nên nhu cầu về container kho, container lạnh rất lớn. Ngoài ra, đối với container văn phòng, nếu trước dịch chủ yếu khách hàng thuê sử dụng trong các công trình thì nay lại có nhu cầu mua dùng làm phòng khám, phòng cách ly, nơi ở tạm… để chống dịch. Vì thế Tân Thanh đang phải tuyển thêm công nhân để đáp ứng các đơn hàng tăng đột biến này.
Tháo nút thắt nội địa hóa và quản trị doanh nghiệp
Ở thời điểm hiện tại, theo đánh giá của Liên minh hỗ trợ Công nghiệp Việt Nam, mọi hoạt động của các doanh nghiệp đang dần lấy lại nhịp tăng trưởng song vẫn chưa thể quay về mức như thời điểm trước dịch. Bởi lẽ đợt dịch Covid-19 vừa qua làm đứt gãy nghiêm trọng chuỗi cung ứng toàn cầu, ảnh hưởng lớn đến sản xuất của các doanh nghiệp Việt, vốn phụ thuộc đến 80% vào nguyên liệu nhập khẩu. Do đó, ông Nguyễn Duy Minh - Chủ tịch danh dự Liên minh hỗ trợ Công nghiệp Việt Nam - cho rằng, việc tăng tỷ lệ nội địa hóa là một trong những mục tiêu cấp thiết lúc này để giúp ngành công nghiệp hỗ trợ phục hồi.
Trước tình hình đó, mới đây Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức hội nghị tìm kiếm nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ năm 2021 cho các doanh nghiệp Thành phố với các tỉnh lân cận. Theo đó, có khoảng 22 doanh nghiệp là nhà đầu tư FDI và 100 doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trong nước, với hơn 400 chi tiết linh kiện, đã tham gia vào sự kiện, nhằm kết nối cung cầu, kết nối thị trường nội địa.
Nói về chương trình này, bà Nguyễn Thị Kim Ngọc - Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh - cho biết: Đại dịch ảnh hưởng lớn đến chuỗi cung ứng nên chúng tôi đã triển khai các chương trình hỗ trợ như kết nối doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ với doanh nghiệp sản xuất FDI đầu cuối. Trong giai đoạn sắp tới chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp để mạnh dạn đầu tư đổi mới trang thiết bị máy móc, tăng năng lực cạnh tranh và có thể tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Trên phương diện vĩ mô, Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cũng đang thực hiện nhiều hoạt động kết nối - hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao quản trị, trình độ quản lý, bán hàng và nâng chất cho các sản phẩm được đồng nhất nhằm đảm bảo chữ tín cho doanh nghiệp Việt trước đối tác. Thời gian tới, Cục Công nghiệp sẽ đề xuất chính sách ràng buộc và khuyến khích các địa phương trong bố trí ngân sách phát triển nghiệp hỗ trợ; thúc đẩy phát triển thị trường cho các ngành hạ nguồn, chú trọng ngành ôtô, điện tử, dệt may, da giày, ngành công nghiệp vật liệu, thu hút đầu tư.
Thông qua các hoạt động này, các Bộ, ngành, địa phương hi vọng sẽ phần nào giải bài toán khó khăn cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, giúp họ tiến tới ổn định và phục hồi trở lại sau dịch.