Hà Nội: Bắt tay đưa doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ vào chuỗi cung ứng toàn cầu Sắp diễn ra sự kiện kết nối kinh doanh B2B ngành sản xuất, chế tạo |
Sản phẩm mới hút khách hàng
Cùng với các dòng sản phẩm truyền thống như con lăn, băng tải, gia công cơ khí chính xác, gia công kim loại tấm,… tham gia Hội chợ Công nghiệp hỗ trợ Hà Nội năm 2023 diễn ra từ ngày 23 – 25/8/2023, Công ty CP Tập đoàn kỹ thuật và công nghiệp Việt Nam (Intech Group) mang đến các sản phẩm mới vừa được các kỹ sư của doanh nghiệp này nghiên cứu và phát triển. Đó là hệ thống robot tự hành AGV và hệ thống kho Shuttle.
Sản phẩm mới được Intech Group giới thiệu đến khách hàng trong và ngoài nước |
Trao đổi với phóng viên Vuasanca , ông Hoàng Hữu Yên - Phó Tổng giám đốc Intech Group - cho hay, hệ thống robot tự hành AGV có thể vận chuyển hàng hóa từ điểm A sang điểm B, việc vận chuyển được thực hiện chu trình liên tục sẽ giúp tăng năng suất cũng như đảm bảo an toàn trong khâu vận chuyển hàng hóa trong nhà máy. Còn hệ thống kho Shuttle giúp tối ưu hóa không gian lưu trữ cho nhà máy, có thể tăng sức chứa lên gấp đôi so với phương pháp thông thường.
“Với xu hướng công nghiệp hóa, việc đầu tư công nghệ cho sản xuất đang được áp dụng rất nhiều, Intech Group phát triển dòng sản phẩm này để đón đầu xu hướng thị trường, 2 dòng sản phẩm mới này, đối tượng khách hàng mà doanh nghiệp hướng tới đó là các doanh nghiệp FDI. Riêng với hệ thống kho Shuttle, chúng tôi hướng đến các doanh nghiệp trong ngành đồ uống, thực phẩm, vì các đối tượng khách hàng này có nhu cầu sử dụng không gian lưu trữ rất lớn”, ông Hoàng Hữu Yên chia sẻ.
Tương tự, mang đến dòng sản phẩm ZG - Scan, một trong những công nghệ mới nhất của Hexagon đến giới thiệu với các đối tác, khách hàng, ông Nguyễn Văn Thắng – kỹ sư ứng dụng Công ty Hexagon - chia sẻ, đây là máy scan 3D quét bằng công nghệ laser 26 đường, với tốc độ 2,4 triệu điểm trên giây, kết nối 5G tốc độ cao và di chuyển linh hoạt không cần dây kết nối với máy tính ở khoảng cách khá xa. Sản phẩm có thể di chuyển linh hoạt quanh sản phẩm để scan sản phẩm, từ đó có thể update trực tiếp lên hệ thống máy tính để kiểm tra sản phẩm cũng như thiết kế sản phẩm mới.
Đối tượng khách hàng mà doanh nghiệp hướng đến là các doanh nghiệp , doanh nghiệp ngành hàng không vũ trụ, doanh nghiệp sản xuất cơ khí chính xác và linh kiện điện tử.
Theo ông Nguyễn Văn Thắng, yếu tố để sản phẩm có thể chinh phục các khách hàng cực kỳ khó tính đó là sản phẩm đáp ứng được các yêu cầu về độ chính xác, kỹ thuật cao, từ đó giúp các doanh nghiệp này có thể giải quyết bài toán của họ về yêu cầu tiến độ sản xuất, độ chính xác cũng như dễ sử dụng.
Dòng sản phẩm ZG - Scan, một trong những công nghệ mới nhất của Hexagon đến giới thiệu với các đối tác, khách hàng tại Hội chợ công nghiệp hỗ trợ Hà Nội năm 2023 |
Có thể nói mạnh dạn “đổi mới” là hai chữ được phần lớn các doanh nghiệp tham gia Hội chợ công nghiệp hỗ trợ Hà Nội năm 2023 nhắc đến. Bởi theo họ, chính việc tự đổi mới mình, đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển sản phẩm mới đáp ứng các tiêu chuẩn, tiêu chí về sản xuất công nghệ cao, công nghệ xanh là yếu tố giúp đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp trong chuỗi toàn cầu.
“Tình hình chung của thị trường vẫn đang rất khó khăn, nhưng với một số doanh nghiệp thì đây là cơ hội, trong 2 năm vừa qua, mỗi năm chúng tôi phát triển tăng doanh thu hơn 100%. Việc đón đầu xu hướng và đưa ra các công nghệ mới, từ đó giúp các đối tác khách hàng tối ưu nguồn lực, đẩy nhanh quá trình sản xuất, tiết kiệm cũng như giảm thiểu được chi phí. Đây cũng là yếu tố giúp chính doanh nghiệp chúng tôi gia tăng doanh số”, ông Nguyễn Văn Thắng chia sẻ.
Cùng với việc nắm bắt nhu cầu thị trường, để đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe cũng như ngày càng cao của khách hàng, đồng thời, để hội nhập với xu thế công nghiệp hóa, các doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Hà Nội còn tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đồng thời chú trọng đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại hơn.
“Bên cạnh việc đầu tư rất nhiều trang thiết bị máy móc, thiết bị, chúng tôi cũng đã cử các kỹ sư đi thực tế tại các nhà máy ở nước ngoài – nơi có nền công nghiệp phát triển hơn như của Nhật Bản, Singapore hay Đức. Chúng tôi tập trung xây dựng sức mạnh nội lực, chủ động đón đầu khi thị trường khôi phục, đây chính là những mũi nhọn để Intech Group bứt phá, khẳng định vị thế thương hiệu Việt”, ông Hoàng Hữu Yên chia sẻ.
Đồng hành cùng doanh nghiệp
Có thể thấy, bước sang năm 2023, các doanh nghiệp của Hà Nội và cả nước tiếp tục đối diện với nhiều khó khăn, thách thức cả về nguồn cung, cầu, thiếu hụt lao động; xung đột quân sự Nga - Ukraine tiếp tục làm gián đoạn, hạn chế hơn nguồn, chuỗi cung ứng hàng hóa; giá xăng dầu, nhiên, nguyên vật liệu tăng cao…
Tuy nhiên, không vì khó khăn như vậy mà các doanh nghiệp co cụm lại. Họ vẫn đang kiên trì, nỗ lực phát triển theo định hướng đã đề ra. Bởi theo các doanh nghiệp, đây là bước chuẩn bị tốt nhất nhằm tạo bước đà tăng tốc, bứt phá trong tương lai, để đón đầu cơ hội thị trường khi kinh tế sôi động trở lại.
Các đại biểu tham quan gian hàng tại hội chợ |
Thời gian qua, sự hỗ trợ của các Bộ, ngành, TP. Hà Nội dành cho các doanh nghiệp được đánh giá cao khi đã tạo ra cơ chế chính sách trong việc thu hút nguồn vốn, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Bên cạnh đó, đã tạo ra các “sân chơi”, các sự kiện hội chợ, hội thảo, triển lãm để kết nối doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp nước ngoài.
Tuy nhiên, để ngành công nghiệp hỗ trợ của Hà Nội phát triển, các doanh nghiệp cũng kiến nghị các Bộ, ngành, địa phương có các chính sách hỗ trợ như giảm thiểu chi phí về thuế quan, thủ tục hành chính, chi phí thuê đất để doanh nghiệp có thể đưa sản phẩm đến khách hàng được nhanh hơn cũng như yên tâm về công tác phát triển chuyên môn. Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động kết nối để từ đó quảng bá các sản phẩm cũng như năng lực của các doanh nghiệp trong nước tới bạn bè quốc tế.
Các hoạt động liên quan đến đầu tư và đặt hàng ở nước ngoài vốn đã được nhiều doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm kể từ trước khi dịch bệnh bùng phát. ASEAN, trong đó đặc biệt Việt Nam, là thị trường được nhiều doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm đầu tư.
Theo ông Otsuka Tetsuhisa - Giám đốc Công ty Cổ phần NC Network Việt Nam, các doanh nghiệp Nhật Bản khi lần đầu tiên đầu tư sang Việt Nam sẽ mong muốn tìm kiếm thông tin của nhà cung cấp như là doanh nghiệp đó có những thiết bị gì, thực hiện loại gia công nào, độ chính xác là bao nhiêu, có thể gia công những nguyên vật liệu gì...
Do đó, để đáp ứng lại với các doanh nghiệp Nhật Bản đang thực hiện điều tra, các doanh nghiệp Việt Nam cần lan tỏa thông tin của công ty mình một cách rộng rãi, để thông tin đó đến được với các doanh nghiệp Nhật Bản.
“Doanh nghiệp Việt Nam có thể thực hiện công việc này thông qua website của công ty, trên các mạng xã hội như Facebook, Zalo, hoặc sử dụng cổng thông tin của NC Network”, ông Otsuka Tetsuhisa khuyến nghị và cho hay, cổng thông tin của NC Network Việt Nam là website dành cho các doanh nghiệp ngành chế tạo đang tìm kiếm đơn hàng mới. Các doanh nghiệp này có thể đăng ký thông tin trên website và dùng chúng để giới thiệu tới các đối tác.
Tính đến nay, trên địa bàn TP. Hà Nội có khoảng 960 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, với trên 320 doanh nghiệp có hệ thống sản xuất và sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, đủ năng lực cung ứng vào mạng lưới sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam, trong khu vực và trên thế giới.
Công nghiệp hỗ trợ phát triển sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng các chỉ số phát triển công nghiệp trên địa bàn thành phố, đặc biệt là công nghiệp chế biến, chế tạo, và tăng trưởng GRDP đạt mục tiêu đặt ra của năm 2023.
Bà Trần Thị Phương Lan – quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho hay, TP. Hà Nội đã, đang và sẽ tiếp tục đồng hành và hỗ trợ tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ để doanh nghiệp có thể tiếp cận được nguồn vốn, công nghệ cũng như kết nối trực tiếp và trực tuyến với đối tác, khách hàng trong và ngoài nước.