Kể từ khi Quốc hội “bấm nút” thông qua EVFTA tới nay, nhiều DN dệt may rất phấn khởi và chia sẻ đã lên kế hoạch tiếp cận thị trường tiềm năng với 500 triệu dân này. Ông Phạm Xuân Hồng - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Thêu đan TP. Hồ Chí Minh - đánh giá, năm nay đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng rất nhiều đến tình hình xuất khẩu dệt may nhưng thời gian tới khi dịch được kiểm soát và với những lợi thế từ EVFTA xuất khẩu của ngành nhiều khả năng sẽ tăng mạnh - thay vì chỉ khoảng trên dưới 8 tỷ USD như hiện nay.
Trên thực tế, rất nhiều DN dệt may đã thành công khi xuất khẩu vào EU nhờ có sự đầu tư bài bản từ nhà xưởng, máy móc công nghệ cho tới việc đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật của các nhà nhập khẩu. Tuy nhiên vì rào cản thuế quan nên việc gia tăng xuất khẩu còn hạn chế.
EVFTA được đánh giá là cú huých cho dệt may sau dịch |
Kinh nghiệm nhiều năm xuất khẩu đi EU, ông Phạm Văn Việt - Chủ tịch HĐQT Việt Thắng Jean - chia sẻ, hiện mặt hàng Jean của Việt Thắng xuất khẩu vào EU đang phải chịu thuế suất đến 16%. Do đó, khi thuế suất giảm về 0 sẽ mang lại những lợi thế lớn giúp DN hạ được giá thành sản phẩm và có thể dễ dàng cạnh tranh hơn. Theo ông Việt, mỗi năm Việt Thắng Jean xuất khẩu sang EU khoảng 10 triệu sản phẩm, giá trị đạt 7 - 8 triệu USD. Khi EVFTA có hiệu lực, công ty kỳ vọng giá trị xuất khẩu sẽ tăng lên khoảng 20% trong năm tới.
Cũng như Việt Thắng Jean, Công ty CP Dệt may - đầu tư - thương mại Thành Công đang xuất khẩu qua EU nhưng số lượng chưa thực sự nhiều. Ông Trần Như Tùng - Phó Chủ tịch HĐQT Thành Công - chia sẻ, với những gì mà EVFTA mang lại cũng như tiềm lực mà Thành Công hiện có, công ty đặt mục tiêu xuất khẩu vào EU sẽ tăng từ 30-50% trong vài năm tới.
Để hiện thực hóa cơ hội mà EVFTA mang lại, ông Tùng cho biết, Thành Công đã xây dựng một nhà máy nhuộm vải ở Khu công nghiệp Hòa Phú, tỉnh Vĩnh Long với hơn 1.500 lao động. Ước tính mỗi năm nhà máy này làm ra số lượng vải đủ cho nhu cầu sản xuất của Thành Công. Do chiến lược sắp tới của công ty là mở rộng hơn nữa tại thị trường EU nên Thành Công dự kiến sẽ xúc tiến mở thêm một nhà máy nữa tại miền Tây để có thể tự chủ nguyên liệu trong sản xuất.
Với nhiều DN dệt may khác tại TP. Hồ Chí Minh, để nắm bắt cơ hội này, họ đã ký kết thu mua nguyên phụ liệu từ các đối tác tại Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ trong dài hạn (để thay thế nguyên liệu từ Trung Quốc) nhằm đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ theo cam kết của EVFTA.
Cùng sự chủ động của DN, mấy năm gần đây Chính phủ đã quan tâm hơn đến vấn đề phát triển bền vững ngành dệt may và khuyến khích các DN dệt may xây dựng nhà máy sản xuất vải. Song thực tế ở nhiều địa phương lại không mặn mà vì lo ngại vấn đề ô nhiễm môi trường nên DN khó được chấp nhận chủ trương đầu tư. Theo các DN, Chính phủ và các Bộ ngành, địa phương cần có phương án kịp thời hơn để giúp DN tham gia vào quy trình sản xuất vải ở Việt Nam nhanh hơn. Từ đó ngành dệt may mới tận dụng được các lợi thế mà EVFTA mang lại.
Hiệp định EVFTA sẽ là cú huých quan trọng cho xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU. Bởi lẽ trong lĩnh vực thương mại hàng hóa thuộc khuôn khổ EVFTA, gần như toàn bộ 100% biểu thuế đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau một lộ trình ngắn (tối đa là 7 năm). Trong số các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vào EU, mặt hàng dệt may trong vòng 5 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, EU xóa bỏ thuế quan với 77,3% kim ngạch xuất khẩu, 22,7% kim ngạch còn lại cũng sẽ được EU xóa bỏ thuế quan sau 7 năm. |