Đầu tư vào Việt Nam: Tín hiệu tích cực từ cuối quý II/2023 Xuất nhập khẩu của doanh nghiệp FDI đạt 125,56 tỷ USD, giảm 14,2% Phát triển công nghiệp hỗ trợ Đà Nẵng vẫn “dậm chân tại chỗ”, vì sao? |
5 tháng năm 2023, thành phố Đà Nẵng thu hút được 55 dự án FDI với tổng vốn đăng ký hơn 8,7 triệu USD. Số lượng dự án tăng mạnh so với cùng kỳ (tăng 44 dự án, tương đương gấp 5 lần so với cùng kỳ năm 2022), nhưng số vốn đăng ký chỉ tăng 44,2%. Điều này cho thấy chất lượng các dự án FDI vào thành phố không cao.
Trong bối cảnh quỹ đất cho đầu tư tại khá hạn chế, thành phố Đà Nẵng đang đẩy mạnh thu hút đầu tư các dự án vào khu công nghệ cao để tăng hàm lượng giá trị gia tăng cho sản xuất cũng như tăng hiệu quả sử dụng đất.
Dù đã thu hút được 29 dự án nhưng thực tế tỷ lệ lấp đầy tại khu công nghệ cao Đà Nẵng còn rất thấp |
Theo Ban Quản lý Khu Công nghệ cao và các Khu Công nghiệp Đà Nẵng, đến hết quý I/2023, khu công nghệ cao thành phố đã thu hút được 29 dự án với tổng vốn đầu tư 905 triệu USD. Hiện mới chỉ có 8/29 dự án đã triển khai đi vào hoạt động. Dự kiến đến cuối năm 2023 sẽ có thêm 3 – 4 dự án triển khai xây dựng.
Việc thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao rất được thành phố Đà Nẵng chú trọng trong thời gian qua, thể hiện rõ nét qua nhiều hội nghị, hội thảo, tọa đàm xúc tiến đầu tư trong nước và quốc tế. Dù vậy, không thể không nhìn nhận kết quả thu hút đầu tư chưa thực sự tương xứng.
Một trong những lý do được nhiều nhà đầu tư đề cập đến khi xem xét đầu tư vào Đà Nẵng đó là khó khăn về logistics.
Ông Buerstedde Peter, Giám đốc tổ chức Thương mại và Đầu tư của Đức tại Việt Nam đánh giá cao việc Đà Nẵng dành một khu đất riêng cho phát triển công nghệ cao; và cho biết khi đi khảo sát khu công nghệ cao Đà Nẵng đã thấy thành phố dành quỹ đất cho phân khu logistics, vận tải, hậu cần. Tuy nhiên, thành phố hiện có rất ít line tàu (công ty tàu biển chuyên tuyến) đi quốc tế, ví dụ như chưa tìm thấy line tàu đi Mỹ.
Theo ông Buerstedde Peter, một số nhà đầu tư quan tâm đến đầu tư Đà Nẵng cho biết họ gặp khó trong vận chuyển khi muốn xuất hàng đi Mỹ thì phải đi từ Đà Nẵng – TP. Hồ Chí Minh mới đến cảng để xuất hàng đi Mỹ. “Thành phố nên tăng cường khả năng vận chuyển, kết nối hàng hóa. Làm gì để có nhiều line tàu hơn, nhất là hiện tại khi có lợi thế xây dựng cảng Liên Chiểu, có như vậy thì mới phát triển dịch vụ logistics”, ông Buerstedde Peter nói.
Dịch vụ logistics chưa phát triển, nhất là thiếu các line hàng đi quốc tế là một bất lợi khi thu hút đầu tư FDI vào Đà Nẵng |
Là một đơn vị đầu tư đa quốc gia, ông Takamoto Abe - đại diện IDG Capital cho biết, hiện Công ty của ông đang nghiên cứu đầu tư vào Việt Nam trong lĩnh vực Công nghiệp và Du lịch. Theo ông Takamoto Abe, Đà Nẵng là địa phương rất có lợi thế ở Việt Nam khi ở trung tâm cả nước, các kết nối giao thông đồng bộ, thuận lợi. Khó khăn tại thành phố đó là cảng biển chưa phát triển, việc vận chuyển hàng hóa xuất khẩu sẽ là một bất lợi. “Nếu Đà Nẵng quan tâm và phát triển cảng biển (siêu cảng) thì doanh nghiệp sẽ sẵn sàng thảo luận sâu hơn việc đầu tư vào thành phố”, ông Takamoto Abe nói. Ngoài ra, đại diện IDG Capital cũng khuyến nghị Đà Nẵng cần tập trung hơn cho việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là kỹ sư và nhân lực ngành logistics.
Ông Vũ Quang Hùng – Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp và khu công nghệ cao Đà Nẵng cũng cho hay, hiện thành phố đã có cảng Tiên Sa, có nhiều đầu mối xuất khẩu hàng đi quốc tế nhưng lượng hàng chưa nhiều. Nếu doanh nghiệp có nhu cầu xuất hàng đi quốc tế vẫn đáp ứng được. Bên cạnh đó, thành phố không có lợi thế thành phố vệ tinh. Đặc điểm các tỉnh miền Trung đó là nối liền, trải dài. Đây là một điểm kém lợi thế so với TP. Hà Nội hay TP. Hồ Chí Minh.
Trong tương lai, thành phố Đà Nẵng hoàn toàn có thể đáp ứng các yêu cầu về logistics theo nhu cầu của nhà đầu tư khi cảng Liên Chiểu được xây dựng và đưa vào hoạt động.
Ông Takamoto Abe - đại diện IDG Capital cho biết nếu Đà Nẵng hình thành cảng lớn (siêu cảng) doanh nghiệp sẵn sàng thảo luận sâu hơn việc đầu tư vào thành phố |
Theo điều chỉnh quy hoạch chung TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, phân khu cảng Liên Chiểu có diện tích hơn 1.293 ha. Trong đó, tổng diện tích khu cảng Liên Chiểu là 450 ha, được quy hoạch gồm các khu chức năng như khu bến container có khả năng tiếp nhận tàu đến 18.000 TEU (tương đương 200.000 DWT); xây dựng 8 bến container với tổng chiều dài 2.750m.
Hồi cuối tháng 12/2022, dự án cảng Liên Chiểu – Phần cơ sở hạ tầng dùng chung đã được khởi công. Ở giai đoạn đầu sẽ xây dựng 2 bên container, có khả năng tiếp nhận tàu lên đến 100.000 tấn. Sắp tới, sẽ thực hiện đấu thầu và tìm kiếm các nhà đầu tư đủ năng lượng để đưa được các chân hàng lớn về cảng Liên Chiểu.
Đại diện Ban quản lý các khu công nghiệp và khu công nghệ cao Đà Nẵng kỳ vọng với việc xây dựng cảng Liên Chiểu thành phố sẽ kết nối được với nhiều hãng tàu vận tải quốc tế, từ đó phát triển logistics đường biển, tạo thành điểm lợi thế để thu hút đầu tư vào thành phố.