Rộng mở cơ hội
Với 16 hiệp định FTA đang thực thi và đàm phán, Việt Nam trở thành tâm điểm của mạng lưới khu vực thương mại tự do rộng lớn, chiếm 59% dân số thế giới và 68% thương mại toàn cầu, góp phần gia tăng đan xen lợi ích của nước ta với hầu hết các đối tác hàng đầu khu vực và thế giới. Mục tiêu cao nhất là tự do hóa thương mại, cắt giảm thuế quan các FTA thế hệ mới, đem lại các cơ hội tăng trưởng xuất khẩu của DN Việt Nam.
Các cam kết bao phủ của FTA thế hệ mới sẽ tạo điều kiện và động lực để thay đổi, cải thiện chính sách, pháp luật theo hướng minh bạch, thuận lợi và phù hợp hơn với thông lệ quốc tế; tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, thúc đẩy sản xuất, cạnh tranh cho DN trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, tạo điều kiện thuận lợi kích thích thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Các FTA thế hệ mới cũng có những quy định về phát triển bền vững, giúp hạn chế công nghệ lạc hậu và thúc đẩy phát triển công nghệ sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, thân thiện với môi trường, phát triển bền vững...
Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP. Hồ Chí Minh, thành viên Tổ Nghiên cứu của Thủ tướng - đánh giá, các FTA mang lại cơ hội, giúp DN hồi phục sau tác động của dịch Covid-19. Đồng thời, cũng là thách thức lớn buộc DN nội cơ cấu lại chuỗi sản xuất, hàng hóa để tăng sức cạnh tranh của sản phẩm ngay tại thị trường nội địa, đáp ứng tiêu chuẩn hàng hóa xuất khẩu.
FTA mang lại nhiều cơ hội cho doanh nghiệp xuất khẩu |
Nâng tầm doanh nghiệp
Do tính chất phức tạp và sâu rộng của các cam kết sẽ khiến DN Việt gặp khó khăn trong việc tiếp cận, tận dụng triệt để cơ hội FTA mang lại. Nhiều DN, nhất là DN nhỏ và vừa, còn yếu và thiếu thông tin hàng rào kỹ thuật đối với các FTA. Do đó, nâng cao hiểu biết, kiến thức pháp lý, xuất xứ hàng hóa đối với DN là điều kiện quan trọng để hội nhập, thực thi các cam kết.
Theo ông Phạm Bình An - Giám đốc Trung tâm Hội nhập quốc tế TP. Hồ Chí Minh, DN cần lưu ý các tiêu chí xuất xứ thuần túy, cơ chế chứng nhận xuất xứ, công đoạn gia công, các điều khoản về vận tải…, tránh trường hợp bị mượn mác “Made in Vietnam” để hưởng ưu đãi thuế khi xuất sang các nước có FTA với Việt Nam. Khi hàng rào thuế quan được gỡ bỏ, thị trường nhập khẩu cũng sẽ áp dụng các biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp hay tự vệ thương mại để bảo vệ sản xuất nội địa. Đây là thách thức lớn đối với DN trong nước, nhất là các DN nhỏ và vừa.
Ông Phạm Ngọc Hưng - Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TP. Hồ Chí Minh - cho rằng, các hiệp hội DN, ngành hàng sẽ chủ động, tạo cầu nối với DN; hỗ trợ DN vừa và nhỏ có cơ hội để tiếp cận và thực thi các FTA hiệu quả. Chủ động nắm bắt thông tin từ các đối tác, bạn hàng để thêm cơ hội xuất khẩu, cạnh tranh tốt hơn với hàng nhập khẩu. TP. Hồ Chí Minh kỳ vọng, với những đòi hỏi cao như thị trường EU, các DN của thành phố không chỉ dừng ở việc kinh doanh sản phẩm mang tính thô sơ, mà phải chú trọng khâu chế biến, nguồn gốc nguyên liệu, nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm xuất khẩu để tận dụng tốt nhất các ưu đãi thuế...
Để hỗ trợ DN, Bộ Công Thương đã xây dựng Kế hoạch hành động phục vụ thực thi các cam kết FTA. Trong đó, tập trung công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin; xây dựng pháp luật, thể chế; nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển nguồn nhân lực; chính sách an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững... |