Doanh nghiệp lo lắng Gỡ vướng cho tăng tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp thủy sản, lúa gạo vùng đồng bằng sông Cửu Long Cần có cơ chế giám sát để ngăn chặn doanh nghiệp nợ, trốn đóng bảo hiểm xã hội |
Công ty Thủy sản Lenger Việt Nam có được thuận lợi khi tỉ giá tăng, nhưng đồng thời công ty cũng phải chi trả nhiều hơn cho việc nhập khẩu các nguyên, vật liệu. Ảnh: Thanh Vân |
Không chỉ doanh nghiệp (DN) nhập khẩu, DN xuất khẩu cũng lo
Từ đầu năm đến nay, một đơn vị kinh doanh hoa quả nhập khẩu lớn (DN xin giấu tên) trên địa bàn Hà Nội đã "thấm" những thay đổi trong chi phí đầu vào khi nhập khẩu hoa quả.
Trao đổi với Lao Động, đại diện đơn vị này chia sẻ, dưới áp lực tỉ giá USD/VND tăng, công ty phải đứng giữa hai gọng kìm: "Trong bối cảnh kinh tế thế giới nói chung gặp khó khăn, thêm vào việc FED liên tục tăng lãi suất dẫn đến lạm phát ở một số nền kinh tế, làm cho chi phí đầu vào của các đối tác nước ngoài cũng tăng theo, nên giá thành sản phẩm cũng tăng".
Điều đáng nói, đại diện đơn vị cho rằng, sự thay đổi tỉ giá USD liên tục lập đỉnh khiến doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nhập khẩu nói chung rơi vào cảnh loay hoay, khó đoán định được tình hình kinh doanh trong thời gian tới.
"Ngân hàng Nhà nước đã rất nỗ lực giữ ổn định tỉ giá, nền kinh tế Việt Nam cũng đang có dấu hiệu phục hồi, song tình hình kinh doanh của chúng tôi vẫn ít nhiều bị ảnh hưởng" - đại diện đơn vị này chia sẻ.
Những tưởng câu chuyện "tỉ giá lập đỉnh" sẽ chỉ ảnh hưởng đến doanh nghiệp nhập khẩu, thế nhưng chính doanh nghiệp xuất khẩu cũng đang đánh giá "thực tế không đơn giản như lý thuyết".
Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Hồ Nguyên - Tổng Giám đốc Công ty Thuỷ sản Lenger Việt Nam - nói: "Tỉ giá tăng, nhà xuất khẩu có lợi thu về nhiều tiền nội tệ hơn, nhưng chúng tôi phải chi trả nhiều hơn cho các vật liệu phụ nhập khẩu... Chúng tôi mong Nhà nước cần có điều tiết sao cho tỉ giá không biến đổi nhiều, tốt nhất nên ổn định tỉ giá trong một thời gian đủ dài".
Tin tưởng vào công tác điều hành của Ngân hàng Nhà nước
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Giảng viên Học viện Tài chính) cho rằng, tỉ giá lên xuống là do nhu cầu của thị trường. Phải biết rằng, Ngân hàng Nhà nước sẽ can thiệp ngay để giữ ổn định tỉ giá hối đoái, trên cơ sở đó ổn định cân đối vĩ mô và đảm bảo hoạt động xuất, nhập khẩu ổn định. Chính vì vậy, khi tỉ giá USD/VND có biến động trong thời gian gần đây là điều không quá lo ngại.
Theo ông Thịnh, Ngân hàng Nhà nước đang điều hành tỉ giá hối đoái một cách độc lập theo sự biến động của nền kinh tế trong nước cũng như theo các chỉ số của nền kinh tế Việt Nam.
Ngân hàng Nhà nước cho biết, từ đầu năm 2023 đến nay, tỉ giá diễn biến linh hoạt theo cả 2 chiều, phù hợp với điều kiện thị trường và nền tảng kinh tế vĩ mô... Ngân hàng Nhà nước khẳng định, cung cầu ngoại tệ thuận lợi, dòng vốn tiếp tục chảy vào nền kinh tế cũng như các biện pháp điều hành chính sách tiền tệ, tỉ giá linh hoạt của cơ quan này là những yếu tố hỗ trợ sự ổn định của thị trường ngoại tệ. |