Phát biểu tại sự kiện diễn ra mới đây, ông Tống Duy Thái - Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại DATA (DATA Group) - cho biết, các DN Hoa Kỳ đang gặp phải 2 vấn đề lớn khi tìm kiếm nguồn cung ứng linh, phụ kiện tại Việt Nam. Vấn đề đầu tiên là các DN trong nước rất hạn chế về công nghệ, năng lực sản xuất sản phẩm linh, phụ kiện cho các tập đoàn nước ngoài. Do đó, các nhà sản xuất đầu chuỗi chỉ cần thay đổi, bổ sung thêm về yếu tố kỹ thuật so với sản phẩm thông thường thôi, thì đa số các nhà cung ứng trong nước không thể đáp ứng được. Vấn đề thứ 2 là giá thành cước vận tải biển rất cao.
Đại diện Tập đoàn Samsung tìm hiểu nguồn cung ứng linh kiện từ doanh nghiệp trong nước |
Trên thực tế, không chỉ các nhà đầu tư Hoa Kỳ, mà nhiều nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, họ cũng chính là DN sản xuất đầu chuỗi, có nhu cầu tìm kiếm nguồn linh, phụ kiện tại Việt Nam gặp phải khi muốn tăng tỷ lệ nội địa hóa tại Việt Nam. Điển hình như Tập đoàn Canon Việt Nam, tại một hội thảo, lãnh đạo doanh nghiệp này từng cho biết, rất muốn gia tăng tỷ lệ nội địa hóa tại Việt Nam, nhưng họ không thể tìm được nhà cung ứng phù hợp, do năng lực sản xuất của các doanh nghiệp trong nước rất hạn chế. Vì vậy, DN này vẫn phải nhập khẩu linh, phụ kiện từ nước ngoài về Việt Nam để sản xuất, vừa tốn kém thời gian và chi phí, ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của DN.
Nhằm giúp DN CNHT của Việt Nam nâng cao năng lực sản xuất, tiếp cận được nguồn vốn để đầu tư dây chuyền công nghệ, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ. Điển hình như Nghị quyết số 115/NQ-CP về các giải pháp thúc đẩy phát triển CNHT, trong đó, đưa ra những giải pháp về tài chính, tín dụng. Cụ thể là, tiếp tục thực hiện chính sách ưu đãi về lãi suất đối với DN CNHT và công nghiệp chế biến, chế tạo ưu tiên phát triển khi vay vốn ngắn hạn tại các tổ chức tín dụng; nhà nước thực hiện cấp bù chênh lệch lãi suất đối với các khoản vay trung và dài hạn của DN để thực hiện dự án sản xuất thuộc danh mục sản phẩm CNHT ưu tiên phát triển bằng nguồn vốn ngân sách trung ương, ngân sách địa phương và các nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài… Gần đây nhất là Nghị định 57/2021/NĐ-CP bổ sung Nghị định ưu đãi thuế thu nhập DN với dự án sản xuất CNHT.
Tuy nhiên trên thực tế, nhiều DN hoạt động trong lĩnh vực CNHT cho biết, họ không tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi như chính sách đã nêu. Chia sẻ với phóng viên Vuasanca , ông Nguyễn Văn Hởi – đại diện một công ty chuyên sản xuất các sản phẩm CNHT - cho biết, DN chưa tiếp cận được bất cứ một khoản ưu đãi gì để phát triển sản xuất, dù rất muốn. Trước tình hình trên, ông Nguyễn Văn Hởi khuyến nghị, các cơ quan chức năng nên có hướng dẫn cụ thể để DN biết, tránh vì “khát vốn” mà bị lợi dụng. Vì trên thực tế, đã có những đơn vị điện thoại mời vay vốn lãi suất thấp nhưng lại đòi hỏi một khoản phí, khiến DN hoang mang, không dám tiếp cận.
Đa số DN hoạt động trong lĩnh vực CNHT là DN nhỏ và siêu nhỏ, họ khó khăn về vốn, công nghệ, dẫn đến khó khăn về năng lực sản xuất, khó đáp ứng được đòi hỏi của các tập đoàn nước ngoài. |