Thêm 4 nền tảng số quốc gia phục vụ chuyển đổi số Việt Nam Xu hướng đáng chú ý về công nghệ thông tin doanh nghiệp năm 2024 |
Doanh thu tăng trưởng mạnh trên các nền tảng số
Là người thường xuyên có thói quen mua sách trên Shopee, chị Nguyễn Thị Hương (30 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội) cảm thấy phương thức này vô cùng tiện lợi, dễ dàng.
“Cứ lên mạng là có tất. Có những cuốn sách, tôi tìm khắp các cửa hàng sách ở gần nhà không có nhưng lên mạng tìm thì lại có ngay. Hơn nữa, việc ra cửa hàng rất mất công đi lại, tìm kiếm, trong khi thời gian đó tôi có thể làm được nhiều việc” - chị Hương chia sẻ:
Là người có nhiều năm nghiên cứu trong lĩnh vực thương mại điện tử, ông Trần Đình Hoằng, đại diện Công ty sách Đại học dạy nghề (Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam) khẳng định, thị trường sách trên môi trường thương mại điện tử đang hết sức sôi động. Không chỉ có sách giấy mà sách điện tử cũng đang được các đơn vị phát triển kinh doanh trên môi trường này.
Việc mua sách trên các sàn thương mại điện tử đang trở nên dễ dàng, thuận lợi. |
Hiện nay có nhiều phương thức mua sách trên môi trường thương mại điện tử, một là thông qua website, Facebook, TikTok… của nhà xuất bản, hai là trên các sàn thương mại điện tử, trong đó có sàn thương mại điện tử Book365.vn của Bộ Thông tin và Truyền thông do Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông trực tiếp quản lý được đánh giá là hiệu quả và với chi phí rất hấp dẫn.
Hiện nay, ngoài 4 “đại gia” cung cấp sàn thương mại điện tử lớn nhất Việt Nam là Shopee, Lazada, Tiki và Sendo thì còn rất nhiều các sàn chuyên về sách. Là nhà cung cấp sách trên môi trường thương mại điện tử hoạt động nhiều năm nay, bà Đỗ Thảo Ly, Giám đốc điều hành Skybooks Việt Nam cho biết, thương mại điện tử là “sân chơi” tuyệt vời cho những đơn vị chưa có điều kiện mở những cửa hàng offline, góp phần mở rộng thêm thị trường người đọc sách, người bán sách và ngành sách nói chung.
Báo cáo tổng quan ngành hàng sách trên TikTok Shop cho thấy, doanh thu năm 2023 với mặt hàng sách vượt mốc 500 tỷ đồng, tăng trưởng hàng quý ổn định ở mức 15%. Doanh thu của nhà xuất bản chiếm 65%, doanh thu ngành hàng và tăng trưởng hằng quý đạt 14%.
Theo thống kê, có 48 nhà xuất bản, phát hành tham gia vào nền tảng TikTok Shop, trong đó có 3 nhà xuất bản và 45 nhà phát hành.
Thông tin từ TikTok Shop cho thấy, đầu sách chiếm doanh thu tốt nhất trên sàn phải kể đến sách giáo dục chiếm đến 35%. Đứng sau sách giáo dục, số lượng sách chiếm tỷ lệ doanh thu cao có thể kể đến như sách xã hội và nhân chủng học (28%), sách văn học (10%) và sách thiếu nhi (9%).
Hoạt động livestream bán sách cũng diễn ra sôi nổi khi phiên livestream trên TikTok có doanh thu cao nhất năm 2023 đạt gần 300 triệu đồng và đã bán ra hơn 2.000 cuốn sách chỉ trong vòng 3 giờ. Trong khi đó, thông tin từ Tiki cũng cho thấy, hiện nay có hàng trăm đơn vị kinh doanh phát hành xuất bản phẩm trên sàn thương mại Tiki.
Năm 2023, Tiki đã bán trên 1,9 triệu xuất bản phẩm, tuy nhiên, số lượng này chỉ bằng khoảng một nửa so với năm 2022 (3,7 triệu cuốn). Số lượng sách nhập vào năm 2023 là 1,5 triệu cuốn, trong khi đó năm 2022 lên đến 3,5 triệu cuốn.
Ngăn chặn sách lậu, giả tràn lan trên sàn thương mại điện tử
Theo các chuyên gia, bên cạnh nhiều cơ hội phát triển mạnh mẽ, trước làn sóng chuyển đổi số, việc mua bán sách trực tuyến, vấn đề bản quyền, sách giả, nhái còn là thách thức của ngành xuất bản, khi các vấn nạn này ngày càng diễn ra tinh vi và phổ biến trên các nền tảng mạng xã hội.
Hiện nay, số lượng sách giả, sách lậu phát hiện được chỉ chiếm 0,4 - 0,5% tổng số lượng sách được in. Trong khi con số thực tế cao hơn rất nhiều. Nhiều giải pháp đã được triển khai để xử lý sách lậu, đặc biệt trên các nền tảng thương mại điện tử.
Theo đó, các chuyên gia đề xuất, có hai giải pháp chính nhằm ngăn chặn sách điện tử lậu, giả, gồm: Bảo vệ bằng kỹ thuật và bảo vệ bằng pháp luật. Về kỹ thuật, các đơn vị xuất bản cần lựa chọn nhà phân phối có hạ tầng công nghệ tiên tiến, đặc biệt là đầu tư cho khâu mã hóa (sử dụng tem thông minh, làm bìa ép kim, làm hiệu ứng, tạo mã QR, tem chống giả…).
Về pháp luật, các đơn vị và đối tác phân phối sách điện tử hợp pháp đều có quy trình xử lý vi phạm, từ cảnh cáo yêu cầu gỡ bỏ tới phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý. Tuy nhiên, thực tế, những nỗ lực này nhiều khi như “muối bỏ bể” bởi không ít trang mạng vi phạm nay gỡ xuống, mai thấy yên ắng lại đăng lên.
So với sách in, sách điện tử đang đối diện nguy cơ làm lậu, giả diễn ra với tốc độ… điện tử. Nhiều đơn vị phản ánh, sáng vừa phát hành sách thật, chiều phiên bản sách giả đã được sao chụp tràn lan trên không gian mạng.
Trong lĩnh vực xuất bản, pháp luật hiện nay quy định khá chi tiết các hành vi xâm phạm và cũng có chế tài xử lý. Tuy nhiên, vẫn thiếu những biện pháp thực thi và phối hợp cụ thể, quyết liệt của các cơ quan hữu quan.
Cụ thể, việc xử lý tình trạng sách lậu, giả trên nền tảng số hiện còn manh mún, nhỏ lẻ, chủ yếu dựa trên cơ sở ý thức bảo vệ tác quyền của từng cá nhân, tổ chức có liên quan; chưa có cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị hữu quan, các nhà chức trách và cá nhân bị xâm phạm quyền phối hợp giải quyết vấn đề nhanh chóng và có hiệu quả, nhất là trong thời kỳ của sự phát triển khoa học - kỹ thuật - công nghệ.
Nguy cơ mới và đáng báo động về sách điện tử lậu, giả đặt ra những vấn đề cấp thiết, đòi hỏi các cơ quan chức năng cần có những động thái cụ thể, hữu hiệu hơn và đặc biệt là sự đổi mới để bắt kịp những chuyển biến mạnh mẽ kéo theo nguy cơ của sách điện tử lậu, giả trên không gian mạng và điều chỉnh chế tài xử phạt để tăng sức răn đe.