CôngThương - Điển hình như làng cổ Đường Lâm (Hà Nội), hàng năm thu hút một lượng lớn du khách, nhưng sản phẩm du lịch bán cho du khách vẫn dừng lại ở mũ, nón lá đơn điệu, hay đồ gốm sứ từ địa phương khác. Trong khi đó, vào mùa thu hoạch, Đường Lâm thu hút rất đông du khách, bởi vẻ đẹp của mùa lúa, nhưng du khách cũng chỉ đến để ngắm cảnh, chụp ảnh, chứ không mua được món đồ nào liên quan đến rơm làm kỷ niệm.
Chị Thu Hạnh, Chủ tịch CLB Du lịch Xanh (Liên hiệp Khoa học phát triển du lịch bền vững) - một người rất tâm huyết và có nhiều ý tưởng độc đáo về sản phẩm du lịch, cho biết: Rơm nếu được quan tâm sẽ được biến thành những món đồ, những công trình có thể kinh doanh và mang lại giá trị kinh tế cho bà con nông dân, như: làm mô hình trưng bày phục vụ khách du lịch khi về thăm quan làng quê, làm các tác phẩm nghệ thuật tranh ảnh. Rơm còn là chất liệu để đun nấu, sử dụng vào nghệ thuật ẩm thực như dùng rơm để buộc nem, giữ ấm cho nhiều món ăn; thiết kế thành các vật trang trí, sản phẩm lưu niệm bán cho khách du lịch (thiệp, móc khóa…).
Một số bà con ở Đường Lâm khi được giới thiệu về ý tưởng biến rơm thành sản phẩm, rất bỡ ngỡ và hết sức thú vị vì cọng rơm đơn sơ lại có thể làm ra được nhiều loại sản phẩm độc đáo như thế. Tuy nhiên, bà Hằng - nông dân làng Mông Phụ - cho biết, hiện rơm đưa về nhà không nhiều, sau một đợt gặt chỉ để lại một bó, do dùng máy tuốt chứ không tuốt bằng tay như ngày xưa. Vì vậy cần có giải pháp tuốt lúa khác giữ rơm sau thu hoạch.
Theo anh Nguyễn Trọng An, Phó trưởng Ban quản lý Di tích làng cổ Đường Lâm: Sau khi được CLB Du lịch Xanh giới thiệu ý tưởng biến rơm thành sản phẩm du lịch, Ban quản lý Đường Lâm rất vui mừng và ủng hộ. Nếu ý tưởng sản phẩm du lịch từ rơm được thực hiện, Ban quản lý sẽ khuyến khích, tuyên tuyền cho bà con làm sản phẩm từ rơm bán cho du khách.
Hiện, ý tưởng đang tìm tài trợ từ các tổ chức quốc tế để mở lớp đào tạo kỹ năng, tìm ra được công nghệ, kỹ thuật xử lý bằng hóa chất để thiết kế sản phẩm phù hợp.