Đồng Nai: Hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến
Đồng Nai sẽ tiếp tục hỗ trợ cơ sở ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất công nghiệp |
Thực tế, không chỉ năm 2022, việc hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp luôn là hoạt động được trung tâm tập trung triển khai trong nhiều năm qua. Kinh phí thực hiện nội dung này luôn chiếm khoảng 30% tổng kinh phí khuyến công địa phương hàng năm, bình quân 6-7 cơ sở được hỗ trợ mỗi năm.
Đảm bảo hiệu quả của nguồn kinh phí hỗ trợ, các đề án ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất luôn được trung tâm đánh giá sát sao về tính khả thi, tác động về cả lợi ích của doanh nghiệp và xã hội trên khía cạnh tạo việc làm, thu nhập và an toàn cho người lao động, yếu tố môi trường. Theo đó, máy móc, thiết bị hỗ trợ đều được đầu tư mới 100% giúp cơ sở sản xuất CNNT giải quyết khó khăn về công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Năm 2021, làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư đã tác động tiêu cực đến các ngành sản xuất công nghiệp, CNNT cũng không ngoại lệ. Không hiếm cơ sở phải thu hẹp quy mô sản xuất, tiêu thụ sản phẩm khó khăn cũng khiến hoạt động đầu tư của các cơ sở bị ảnh hưởng. Trong số 5 cơ sở đủ điều kiện hưởng hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến từ kinh phí khuyến công, chỉ duy nhất hộ kinh doanh Toàn Dương (huyện Thống Nhất) được phê duyệt đề án và triển khai thực hiện. Các đề án còn lại phải chuyển sang năm 2022.
Để các đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến trong năm 2022 được thuận lợi thực hiện, đảm bảo hiệu quả cao, khuyến công Đồng Nai cũng xây dựng những giải pháp cụ thể. Trong đó, trung tâm tiến hành rà soát, đánh giá việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về khuyến công liên quan đến hoạt động hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến để tham mưu sửa đổi, bổ sung cho phù hợp nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho cơ sở CNNT tiếp cận, thụ hưởng chính sách khuyến công.
Phối hợp xây dựng cơ sở dữ liệu về máy móc, thiết bị công nghệ tiên tiến; khuyến khích đổi mới, ứng dụng trong từng giai đoạn để cơ sở CNNT xem xét, lựa chọn nhằm tránh rủi ro, tụt hậu quá xa so với mặt bằng công nghệ trên địa bàn; phát triển CNNT một cách bền vững, thân thiện với môi trường. Tăng cường tư vấn, hướng dẫn, trợ giúp doanh nghiệp chuyển đổi từ hộ kinh doanh tiếp cận chính sách hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến trong sản xuất, kinh doanh.
Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả tối đa cơ sở CNNT cần chuẩn bị tốt về yếu tố nhân lực để có thể tiếp thu kiến thức và kinh nghiệm. Quan trọng hơn chính là sự chủ động và tích cực tham gia của các cơ sở CNNT với chương trình khuyến công.
Với gần 10.000 cơ sở sản xuất, CNNT đã và đang góp sức cùng ngành Công Thương Đồng Nai hồi phục sau đại dịch, lấy lại tăng trưởng. |