CôngThương - 6 tháng đầu năm 2011, lượng khách quốc tế đến Hà Nội tăng 23%; mạng lưới hoạt động của các DN lữ hành mở rộng; có 420 DN lữ hành quốc tế tổ chức đưa đón khách đến 160 quốc gia, 229 khách sạn xếp hạng từ 1-5 sao, có điều kiện tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo; Hà Nội luôn lọt vào danh sách điểm đến hấp dẫn nhất châu Á do các tạp chí du lịch uy tín trên thế giới bầu chọn… nhưng ông Mai Tiến Dũng vẫn không mấy lạc quan. Bởi theo ông, các sản phẩm du lịch của Hà Nội chưa được đầu tư đúng mức, chủ yếu dựa vào khai thác những gì có sẵn, chưa khai thác được tiềm năng, thế mạnh, đặc biệt là du lịch văn hóa, làng nghề; quy mô các DN du lịch đa số còn nhỏ, sức cạnh tranh chưa cao; thiếu các khu du lịch vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng cuối tuần quy mô lớn, đủ sức hấp dẫn để kéo dài thời gian lưu trú và tăng mức chi tiêu của khách du lịch; chất lượng dịch vụ cũng như hướng dẫn du lịch, hoạt động xúc tiến, quảng bá chưa đáp ứng yêu cầu. Ông Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, cản trở lớn nhất cho việc phát triển du lịch Hà Nội hiện nay là chưa có được quy hoạch tổng thể; cơ chế khuyến khích đầu tư du lịch không rõ ràng, khiến nhà đầu tư lúng túng trong việc triển khai các dự án du lịch. Việc Hà Nội chưa có được quy hoạch tổng thể đã gây nhiều khó khăn trong công tác chỉ đạo, xúc tiến thu hút đầu tư. Vì vậy, mục tiêu năm 2011, ngành du lịch Hà Nội phấn đấu đón 1,75 triệu lượt khách quốc tế, 11,5 triệu lượt khách nội địa, doanh thu từ du lịch đạt 30.000 tỷ đồng; dự kiến đến năm 2015, đón 2 triệu lượt khách quốc tế, 14 triệu lượt khách nội địa, doanh thu 45.000 tỷ đồng, đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của Thủ đô…, là mục tiêu không dễ.
Nhằm khắc phục những điểm yếu, tạo sức hấp dẫn mới để du lịch có sự đột phá, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch kiến nghị UBND thành phố cho phép ngành du lịch Hà Nội tiếp tục xây dựng chương trình hành động quốc gia và xúc tiến du lịch giai đoạn 2011 - 2015; tổ chức định kỳ 2 sự kiện: Hội chợ Du lịch quốc tế Hà Nội và Liên hoan Ẩm thực Hà thành; xem xét việc triển khai xúc tiến du lịch văn hóa tại các thị trường lớn và thị trường tiềm năng trên thế giới. UBND thành phố sớm phê duyệt một số đề án xây dựng sản phẩm du lịch cộng đồng, văn hóa, làng nghề, làng cổ; chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi ép giá, đeo bám khách, taxi dù tại sân bay Nội Bài và các điểm tham quan du lịch. Cụ thể, nhằm khảo sát xây dựng sản phẩm du lịch “Bốn quốc gia một điểm đến: Việt Nam - Lào - Campuchia - Mianma”, Hà Nội dự kiến liên kết lập tour qua các thành phố Hà Nội - Luôngphabăng (Lào) - Xiêm Riệp (Campuchia) - Bangăng (Mianma) để cùng xúc tiến du lịch trong tháng 11 tới. Bên cạnh đó, đẩy mạnh xúc tiến vào các thị trường tiềm năng Đông Âu, Bắc Âu, Hàn Quốc và những thị trường có mức chi trả cao, lượng khách có chiều hướng tăng.