Nhiều cách làm hay
Ông Nguyễn Văn Đọc - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh - cho biết, trước đây, cùng với Hải Phòng, Quảng Ninh chính là nơi nhập khẩu hàng điện tử Nhật Bản đầu tiên của cả nước. Thời điểm đó, đây là xu hướng tất yếu vì hàng sản xuất trong nước chưa đáp ứng được yêu cầu; người dân lại sính hàng ngoại do chất lượng tốt, độ bền cao. Tuy nhiên, từ khi CVĐ được triển khai đến nay, tỷ lệ hàng Việt tại các kênh phân phối của tỉnh rất cao.
Miến dong Bình Liêu - sản phẩm tiêu biểu của tỉnh Quảng Ninh |
Cách làm của Quảng Ninh là bên cạnh việc tuyên truyền, tỉnh còn chủ động hỗ trợ doanh nghiệp (DN) như tạo điều kiện về cơ chế, chính sách, kiến thức kỹ thuật, lãi suất vốn vay, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh nhằm thúc đẩy DN, hợp tác xã sản xuất áp dụng khoa học - công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm. Tỉnh cũng thường xuyên tổ chức hội chợ quảng bá, giới thiệu sản phẩm, xây dựng kênh phân phối giữa các vùng, địa phương.
Đặc biệt, Mỗi xã phường một sản phẩm (OCOP) được coi là một trong những chương trình đặc biệt thành công của Quảng Ninh, giúp tạo ra hàng trăm sản phẩm thế mạnh như: Chả mực Hạ Long, rượu mơ Yên Tử, miến dong Bình Liêu, gà Tiên Yên… được người dân và khách du lịch ưa chuộng.
Trong khi đó, TP. Hải Phòng lại đặc biệt quan tâm đến việc mở rộng hệ thống phân phối, quảng bá hàng Việt đến người tiêu dùng. Năm 2017 và 5 tháng đầu năm 2018, Sở Công Thương Hải Phòng đã hướng dẫn, chỉ đạo DN tổ chức 33 hội chợ thương mại, thu hút bình quân 8.500 khách tham quan/hội chợ; doanh thu bán hàng ước đạt 4 tỷ đồng/hội chợ. Đồng thời, vận động Công ty TNHH MTV Coop.mart Hải Phòng, Công ty CP Thương mại Minh Khai, Siêu thị Vincommerce… đưa hàng Việt về huyện Tiên Lãng, Vĩnh Bảo, khu vực ngoại thành. Theo chia sẻ của đại diện siêu thị Vinmart Hải Phòng, siêu thị có 8.000 mã hàng, 80% là hàng Việt Nam.
Chú trọng chất lượng hàng hóa
Đánh giá về hiệu quả CVĐ được triển khai trên địa bàn Hải Phòng và Quảng Ninh, bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) - cho biết, điểm mạnh của CVĐ khi triển khai trên địa bàn là được lãnh đạo quan tâm, chỉ đạo xây dựng chương trình cụ thể từ đầu năm. Nhờ đó, các hoạt động được triển khai đồng bộ, nhận được sự hưởng ứng tích cực. Hoạt động tuyên truyền được thực hiện sâu rộng, mang lại hiệu quả cao. Hải Phòng và Quảng Ninh cũng là những địa phương đi đầu về cải cách hành chính, tạo dựng môi trường kinh doanh thông thoáng, hỗ trợ DN sản xuất sản phẩm chất lượng.
Hoan nghênh những kết quả 2 địa phương đã đạt được nhưng đồng chí Hầu A Lềnh - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Phó trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương CVĐ lưu ý: "Không thể mãi vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam mà phải hướng tới người Việt Nam tự hào dùng hàng Việt Nam. Quảng Ninh và Hải Phòng là địa phương đang phát triển mạnh, thu nhập của người dân ngày càng tăng cao. Để vận động được người dân dùng hàng Việt, giải pháp duy nhất là phải tiếp tục nâng cao và duy trì chất lượng hàng hóa.
Hiện nay, tỷ lệ hàng Việt Nam tại hệ thống phân phối của Quảng Ninh và Hải Phòng đạt trên 80%. |