Đây là đánh giá của các chuyên gia và doanh nghiệp thủy sản tại lễ tổng kết Dự án SUPA do Trung tâm sản xuất sạch hơn Việt Nam; Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cùng WWF tổ chức ngày 29/3.
Dự án SUPA được Liên minh châu Âu (EU) hỗ trợ thông qua chương trình EU SWITCH-Asia từ tháng 4/2013-3/2017 với mục tiêu nâng cao tính cạnh tranh của ngành cá tra Việt Nam trên thị trường thế giới, giảm thiểu các tác động tiêu cực đến môi trường và thúc đẩy sản xuất có trách nhiệm cá tra tại Việt Nam.
Theo ông Trần Văn Tớp - Trưởng ban chỉ đạo dự án, 4 năm qua, dự án đã hỗ trợ cho hơn 50 doanh nghiệp, 120 vùng nuôi, 130 hộ gia đình, 12 hợp tác xã và thu hút gần 3.000 lượt người tham dự các chương trình đào tạo/hội thảo kỹ thuật.
Dự án đã nghiên cứu tư vấn, tập huấn nhằm nâng cao tỷ lệ sống, giảm chi phí sản xuất trong khâu ương nuôi; hỗ trợ kỹ thuật cho 33 vùng nuôi và hợp tác xã đạt các chứng nhận thủy sản bền vững quốc tế. Đối với các doanh nghiệp chế biến, dự án cũng đã hỗ trợ nâng cao năng lực và tư vấn về sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn (RE-CP) cho hơn 70 nhà máy giúp cắt giảm trung bình 18-20% điện năng, 26-30% nước. Qua đó cắt giảm 2-5 tỷ đồng chi phí sản xuất cho mỗi nhà máy và cắt bỏ hơn 21.000 tấn CO2 phát thải hàng năm cho 54 nhà máy chế biến cá tra.
Theo đánh giá của VASEP, một trong những yếu tố thiếu bền vững của chuỗi cung ứng cá tra là sản phẩm làm ra chủ yếu là cá fillet có mẫu mã đơn điệu và giá trị gia tăng không cao. Bởi vậy, dự án đã kết hợp với các chuyên gia tổ chức các phiên “Đồng sáng tạo” cùng với người tiêu dùng ở châu Âu và Việt Nam qua đó giúp các doanh nghiệp tạo ra được 20 sản phẩm mới chủ yếu từ các phụ phẩm cá tra giúp “đẩy” các doanh nghiệp cá tra nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Đối với việc phát triển thị trường, dự án đã tổ chức nhiều buổi đối thoại, giới thiệu, quảng bá sản phẩm ở trong nước cũng như EU. Cụ thể, dự án đã hỗ trợ 12 doanh nghiệp đi tiếp thị tại hội chợ châu Âu và tổ chức cho các nhà nhập khẩu, bán lẻ ở châu Âu sang Việt Nam tham quan thực tế, tiếp xúc với doanh nghiệp.
Dự án cũng đã giúp rà soát lại các chính sách của ngành so với các nước khác qua đó phân tích và đưa ra những khuyến nghị giúp các cơ quan quản lý nhà nước có những chính sách phù hợp cho định hướng phát triển ngành cá tra bền vững tại Việt Nam.
Qua cách tiếp cận theo chuỗi cung ứng, dự án đã góp phần thúc đẩy phát triển bền vững cá tra nói riêng, thủy sản nói chung và cũng là mô hình tốt có thể nhân rộng ra các chuỗi ngành tương tự ở Việt Nam.
Ông Lê Xuân Thịnh - Điều phối viên Dự án SUPA - khẳng định, dự án đã góp phần xây dựng thương hiệu quốc gia gắn liền với chất lượng môi trường, giúp doanh nghiệp và người nuôi giảm chi phí, tăng tính cạnh tranh thông qua tối ưu hóa quá trình sản xuất, áp dụng công nghệ mới nhằm sản xuất sạch hơn.
Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả đã đạt được, ông Thịnh kiến nghị các nhà tài trợ nên tiếp tục hỗ trợ ngành cá tra trong các khía cạnh kỹ thuật, tiêu chuẩn… Chính phủ, các Bộ ngành có các chính sách phù hợp để hỗ trợ tối đa.
Liên quan đến vấn đề sản xuất cá tra bền vững, ông Trần Đình Luân - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) - cho biết, thời gian qua, ngành nông nghiệp đã rất nỗ lực trong việc tạo chuyển biến trong chuỗi sản xuất cá tra. “Vừa qua chúng tôi đã tạo ra những mô hình liên kết như giữa các nhà nghiên cứu, Tổng cục Thủy sản với Công ty Hùng Vương và Sở NN&PTNT An Giang. Đây là mô hình liên kết chuỗi nhằm tạo đầu vào cho nhà máy chế biến” - ông Luân chia sẻ.
“Trong thời gian tới chúng tôi sẽ thực hiện tái cơ cấu ngành cá tra, trong đó tập trung vào 2 vấn đề: Tạo vùng sản xuất giống chất lượng cao và chế biến tạo sản phẩm có giá trị gia tăng. Cụ thể sẽ kêu gọi doanh nghiệp tham gia dự án sản xuất sản phẩm giá trị gia tăng, có sự hỗ trợ xúc tiến thương mại cho DN…” - đại diện Tổng cục Thủy sản khẳng định.