Thưa ông, sau 1 năm Hiệp định EVFTA đi vào thực thi (1/8/2020), các cơ hội từ hiệp định này đã được doanh nghiệp tận dụng như thế nào?
Thực tế hiệp định đã được triển khai từ rất sớm, trước khi được phê chuẩn. Do đã có những bước chuẩn bị, nên trong quá trình thực hiện hai bên đã tận dụng cơ hội tốt hơn so với các hiệp định khác mà Việt Nam đã ký kết từ trước tới nay. Điều này thể hiện ở kim ngạch xuất khẩu (XK) của Việt Nam sang EU và EU XK sang Việt Nam.
Ông Lương Hoàng Thái – Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) |
Trong bối cảnh tác động của đại dịch, 6 tháng năm 2021, kim ngạch XK của Việt Nam sang EU tăng 18,6% so với giai đoạn cùng kỳ năm ngoái. Việt Nam xuất siêu ở giai đoạn này ở mức trên 11 tỷ USD, mức tương đối khá so với thị trường khác. Đơn cử như thủy sản - ngành có giá trị gia tăng cao giúp Việt Nam chuyển đổi cơ cấu xuất khẩu, ngay 6 tháng của năm đầu tiên thực hiện, khả năng tận dụng cơ hội đạt trên 73% so với tổng kim ngạch XK của Việt Nam sang EU. Hay mặt hàng nông sản khác như gạo, ngoài gia tăng kim ngạch XK, còn giúp tăng giá trị sản phẩm.
Ngoài ra, ngành giày dép cũng tận dụng khá tốt cơ hội từ hiệp định này. Hiện nay, gần như toàn bộ kim ngạch XK giày dép của Việt Nam sang EU đều được hưởng ưu đãi. Thậm chí, đối với dệt may - ngành trước đây được cho là khó khăn trong việc đáp ứng quy định xuất xứ, nhưng bước đầu cũng đã tận dụng được cơ hội từ hiệp định này.
Chiều ngược lại, kim ngạch XK của EU sang Việt Nam cũng tăng ở mức tương ứng. Những mặt hàng chính của EU XK sang Việt Nam trong giai đoạn này tăng 18%. Những mặt hàng này đều có chất lượng tốt, hàm lượng công nghệ cao, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng Việt Nam.
Về cơ bản, theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ Công Thương và Cao ủy thương mại EU, sau 1 năm thực thi, hai bên đã thực hiện tương đối thành công Hiệp định EVFTA .
Vậy, thách thức lớn nhất sau 1 năm thực thi hiệp định này là gì, thưa ông?
EVFTA là 1 trong những hiệp định cao nhất đối với Việt Nam và các nước trong khu vực. Đặc biệt, Việt Nam là 1 nước đang ở trình độ phát triển chưa cao, không có nhiều kinh nghiệm để học hỏi nên quá trình thực hiện hiệp định chắc chắn còn gặp nhiều khó khăn. Chẳng hạn, để thúc đẩy thương mại hàng nông sản giữa hai bên, những giấy tờ chuẩn bị nhằm đáp ứng quy định kiểm định động, thực vật rất khó đáp ứng trong bối cảnh mới này. Đây là vấn đề mà Cao ủy Thương mại EU và Bộ trưởng Bộ Công Thương đã bàn rất kỹ, giao cho nhóm kỹ thuật thảo luận cụ thể. Vì vậy, hai bên đã chấp nhận một số nguyên tắc để tạo thuận lợi trong thời gian tới và xử lý những thách thức trong quá trình thực thi. Ví dụ, thay vì cấp giấy phép về kiểm định chất lượng hàng hóa, đáp ứng quy định động, thực vật, sau đó phải gửi đi, thì hai bên áp dụng cho nhau một số chứng từ, giấy phép dưới hình thức điện tử.
Xuất khẩu trái cây sang EU tăng nhanh sau khi EVFTA có hiệu lực |
Mới đây, tại Kỳ họp lần thứ 1 Ủy ban thương mại Hiệp định EVFTA, Bộ trưởng Bộ Công Thương và Cao ủy Thương mại EU đã thống nhất quy chế làm việc để xử lý và đáp ứng nhanh nhất những vấn đề phát sinh trong quá trình thực thi hiệp định, đặc biệt là vấn đề tạo ra rào cản đối với thương mại, đầu tư của cả 2 bên. Hiện nay, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, làm sao để luồng lưu chuyển hàng hóa giữa 2 bên, đặc biệt liên quan đến xử lý dịch bệnh như vắc-xin, thuốc chữa bệnh, vật phẩm y tế, có thể thông suốt. Phía Việt Nam, trong đó có Bộ Y tế, Bộ Công Thương đã cam kết mạnh để xử lý vấn đề này. Đây cũng là lĩnh vực mà EU đánh giá cao trong việc thực thi hiệp định.
Bộ Công Thương là cơ quan đầu mối tiếp cận thông tin về EVFTA, ông có thể cho biết, một năm qua, các bộ, ngành địa phương đã triển khai và hỗ trợ như thế nào trong việc thực thi hiệp định và Bộ có khuyến nghị cụ thể nào để EVFTA thực thi có hiệu quả trong thời gian tới?
EVFTA là một trong hiệp định đầu tiên có kế hoạch thực hiện mang tính tổng thể, không chỉ ở bộ, ngành mà cả các địa phương. Về cơ bản, các địa phương đã ban hành kế hoạch hành động, gửi về Bộ Công Thương để tập hợp. Bên cạnh đó, các tổ chức có liên quan như hiệp hội ngành hàng, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cũng phối hợp chặt chẽ để thực thi tốt hiệp định này.
Tuy nhiên, mỗi hiệp định thương mại tự do (FTA) đều hướng tới lợi ích lâu dài nên 1 năm đầu tạm gọi là quá trình tập dượt để thực thi hiệp định. Trong 1 năm này, tất cả các địa phương, bộ, ngành đều chưa thể xử lý tất cả các quan ngại, rào cản mà doanh nghiệp gặp phải khi XK sang thị trường EU và ngược lại. Trên các cơ sở thông tin từ các bộ, ngành, địa phương, Bộ Công Thương sẽ trình Thủ tướng Chính phủ tăng cường cải thiện hơn nữa chương trình hành động chung của Chính phủ trong việc thực thi EVFTA.
Trong giai đoạn đầu, chúng ta tập trung ngành đang có lợi thế XK sang EU như thủy sản, da giày, dệt may, một số sản phẩm nông nghiệp… Nhưng về lâu dài, cần tập trung vào các ngành có tiềm năng phát triển trong tương lai như: Năng lượng tái tạo, ôtô sử dụng năng lượng sạch…
Hy vọng thời gian tới, với sự hợp tác của EU, Việt Nam sẽ thực hiện đúng Kế hoạch hành động mà Thủ tướng Chính phủ Việt Nam ban hành, từ đó xử lý tốt những vấn đề phát sinh, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn ra.
Xin cảm ơn ông!