Xuất khẩu giày dép sang EU tăng mạnh nhờ EVFTA Vải thiều Việt hưởng “trái ngọt” từ EVFTA |
Số C/O EUR.1 tăng nhanh chóng
Theo Bộ Công Thương, kể từ khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) có hiệu lực (ngày 1/8/2020) đến ngày 4/6/2021, các cơ quan, tổ chức được uỷ quyển cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá (C/O) mẫu EUR.1 đã cấp 180.551 bộ C/O mẫu EUR.1 với kim ngạch hơn 6,6 tỷ USD đi 27 nước EU.
Ngoài ra, các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa sang EU còn thực hiện tự chứng nhận xuất xứ cho 4.845 lô hàng với trị giá hơn 14,91 triệu USD được hưởng ưu đãi thuế quan theo EVFTA.
Xuất khẩu sang EU tăng mạnh nhờ EVFTA |
Các mặt hàng được cấp C/O mẫu EUR.1 chủ yếu là giày dép, thủy sản, hàng dệt may, nông sản, sản phẩm từ ngũ cốc, hàng điện tử... Ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương cho rằng, những con số tăng trưởng xuất khẩu sang EU là minh chứng cho sự khai thác hiệu quả các thị trường theo EVFTA của các DN. Đây cũng là kết quả đáng ghi nhận của ngành công thương trong việc đẩy mạnh tuyên truyền về EVFTA và hướng dẫn doanh nghiệp (DN) tận dụng ưu đãi qua các kênh: Cổng thông tin điện tử Hiệp định Thương mại tự do (FTA Portal), mạng internet, Facebook...
Bên cạnh đó, hệ thống Thương vụ tại nước ngoài đã nắm bắt thông tin thị trường và các vấn đề phát sinh ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam như sự thay đổi chính sách của nước nhập khẩu, các rào cản kỹ thuật, kịp thời thông tin để các bộ, ngành, hiệp hội và DN có phản ứng kịp thời.
EVFTA tiếp tục được tận dụng hiệu quả khi ngày 7/6 vừa qua, lô vải thiều Thanh Hà, Hải Dương đầu tiên đã được xuất sang Châu Âu theo Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA).
Tiếp theo đó, ngày 12/6/2021, lô hàng đặc sản vải thiều đầu tiên gắn tem truy xuất nguồn gốc itrace247 của Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công Thương đã được nhập khẩu chính ngạch vào Pháp qua đường hàng không. Lô hàng này đã tận dụng được lợi thế về ưu đãi thuế quan từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh Châu Âu (EVFTA).
Ông Vũ Anh Sơn – Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Cộng hòa Pháp cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 kéo dài suốt hơn một năm qua và đang diễn tiến phức tạp tại Việt Nam, đơn hàng vải thiều tới từ một đối tác uy tín tại Pháp đã xóa bỏ những nghi ngờ về năng lực cung cấp của Việt Nam, khẳng định thương hiệu, cũng như chất lượng quả vải Việt Nam nói riêng và hàng Việt Nam nói chung trên thị trường quốc tế.
Với việc EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ tư của nông sản Việt cộng thêm việc miễn giảm thuế nhập khẩu theo EVFTA, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam dường như đang được tiếp sức để tăng khả năng cạnh tranh, khẳng định vị thế của mình trên thương trường quốc tế.
Tạo sức ép thay đổi
Các chuyên gia nhận định, thách thức của EVFTA đã và đang tạo sức ép hợp lý để các DN Việt Nam điều chỉnh, thay đổi phương thức sản xuất và nâng cao năng lực cạnh tranh của mình. Trên thực tế, thời gian qua, nhiều DN đã nỗ lực thay đổi, có sự chuẩn bị sẵn sàng, đầu tư thêm các trang thiết bị mới để chế biến, sản xuất các sản phẩm phù hợp với yêu cầu của thị trường EU.
Đối với hàng nông sản, đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã có 39 bộ chỉ dẫn địa lý được công nhận bảo hộ tại EU mà không phải qua thủ tục đăng ký, mang lại cơ hội lớn cho DN và nông dân Việt Nam. Điều này không chỉ bảo đảm quyền lợi cho nông sản Việt Nam vốn đã có mặt trên thị trường này từ lâu mà còn mở ra cơ hội cho nhiều nông sản mới tiếp cận thị trường.
Bên cạnh đó, nhiều DN Việt Nam đã có năng lực đáp ứng các yêu cầu từ phía những nhà nhập khẩu EU về hàng nông sản, thực phẩm khi có hơn 6.335ha hoa quả áp dụng VietGAP/GlobalGAP và đã được cấp mã số vùng trồng đáp ứng được tiêu chuẩn xuất khẩu; hơn 5.000ha trang trại thủy sản được công nhận áp dụng VietGAP/GlobalGAP; 100% trang trại cá basa xuất khẩu được cấp mã xuất xứ; 100% tàu đánh bắt cá cam kết nói không với đánh bắt cá trái phép...
Đối với ngành dệt may, các DN đã tập trung đầu tư mới cho sản xuất sợi - dệt vải chiếm tỷ lệ nội địa hóa cao. Nhiều vùng sản xuất nguyên liệu đã được mở ra với quy mô lớn vượt trội, trong đó có cả DN trong và ngoài nước như: Sợi Thiên Nam, Sợi - Vải Nam Định, Sợi Phú Bài, Sợi - Dệt 8/3, Sợi Texhong… Bên cạnh đó, các DN cũng dần chuyển hướng nhập khẩu nguyên liệu sang các thị trường có hiệp định thương mại với EU, đáp ứng được yêu cầu quy tắc xuất xứ cộng gộp mà EVFTA đưa ra như Hàn Quốc hay Nhật Bản.
Bên cạnh việc xây dựng các văn bản hướng dẫn thực thi hiệp định, Bộ Công thương cũng đã phối hợp với các hiệp hội ngành hàng như dệt may, da giày xây dựng chiến lược phát triển. Mục tiêu ưu tiên là phát triển nguồn nguyên phụ liệu trong nước, phát triển khâu thiết kế. Tăng cường quản lý Nhà nước về công tác cấp giấy chứng nhận xuất xứ và chống gian lận xuất xứ hàng hóa.
Bộ Công Thương hiện cũng đã có những chỉ đạo sát sao tới các Thương vụ Việt Nam tại khu vực Châu Âu về việc tăng cường các hoạt động hỗ trợ phát triển thị trường cho doanh nghiệp, sẵn sàng đương đầu với những thách thức để tìm hướng đi mới, nâng tầm cho nông sản Việt Nam.
Bộ Công Thương cũng sẽ tăng cường hỗ trợ DN Việt Nam cách xử lý, thực hiện và rà soát về mặt kỹ thuật khi có yêu cầu về kiểm tra, xác minh xuất xứ từ phía EU. Thành lập các đoàn trực tiếp kiểm tra, xác minh xuất xứ tại cơ sở sản xuất của DN để đảm bảo việc thực hiện quy tắc xuất xứ, đồng thời ngăn chặn các hành vi gian lận xuất xứ.
EVFTA được nhận định là cánh cửa đưa hàng hóa Việt Nam tiến sâu hơn nữa vào thị trường khối EU tiềm năng với khoảng 500 triệu dân, mức thu nhập bình quân đầu người trên 32.000 USD/năm. EVFTA dự kiến giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với không có Hiệp định.