EVNNPT tập trung nguồn lực cao nhất cho Dự án đường dây 500kV mạch 3 EVNNPT làm việc với Thái Bình về đường dây 500kV mạch 3 |
Nhằm làm rõ hơn nội dung này, phóng viên Vuasanca đã có cuộc trao đổi với ông Lưu Việt Tiến – Phó Tổng giám đốc EVNNPT.
Xin ông cho biết trong những năm qua, EVNNPT đã ứng dụng công nghệ nào trong công tác quản lý vận hành cũng như đầu tư xây dựng?
Ông Lưu Việt Tiến - Phó Tổng giám đốc EVNNPT |
Để kịp thời phát hiện các bất thường, khiếm khuyết, các điểm phát nhiệt, các chuỗi cách điện bị bẩn do bụi từ các nhà máy, công trường, EVNNPT đã ứng dụng thiết bị bay UAV mang theo camera độ phân giải cao để chụp ảnh, phân tích, xác định các điểm có nguy cơ sự cố và xử lý sớm. Việc ứng dụng UAV giúp tăng năng suất lao động, giảm thiểu rủi ro mất an toàn cho người lao động khi trèo cao, nhất là vào thời điểm nắng nóng.
Bụi bẩn tích tụ trên bề mặt cách điện tăng gây ra tổn hao điện, nếu xuất hiện độ ẩm cao hoặc sương mù, sương muối có thể làm phóng điện dọc theo bề mặt của chuỗi cách điện gây ra sự cố làm gián đoạn khả năng truyền tải điện. Trước đây, việc vệ sinh là một công việc rất khó khăn và nguy hiểm do người thợ phải trèo lên từng chuỗi cách điện và dùng giẻ để vệ sinh lau chùi từng bát cách điện. Truyền tải điện phải đăng ký cắt điện đường dây để thực hiện vệ sinh cách điện gây ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội và đời sống của nhân dân.
EVNNPT đã ứng dụng thiết bị rửa sứ hotline để vệ sinh các chuỗi cách điện trên đường dây, đặc biệt là các vị trí cột gần các nhà máy xi măng, các mỏ khai thác đá… Thiết bị này dùng nước đã lọc có điện trở suất cao với áp lực đủ mạnh để rửa sạch các lớp bụi bẩn bám trên chuỗi cách điện trong tình trạng đường dây đang mang điện. Đây là một công nghệ thông dụng và tiên tiến đã được ứng dụng ở nhiều nước trên thế giới. Thông qua đề tài nghiên cứu khoa học, EVNNPT đã chế tạo và ứng dụng rộng rãi thiết bị với giá thành rẻ hơn nhiều lần so với thiết bị nhập ngoại.
Trong bối cảnh các dự án đầu tư xây dựng đường dây, trạm biến áp trải dài trên cả nước, lực lượng quản lý xây dựng của các Ban quản lý dự án mỏng, việc ứng dụng công nghệ hỗ trợ quản lý đầu tư, giám sát, nghiệm thu là rất cần thiết.
Đối với các công trường xây dựng trạm biến áp, EVNNPT ứng dụng camera giám sát trực tuyến, qua đó nắm được tiến độ xây dựng, nhân lực và phương tiện trên công trường. Đối với các dự án xây dựng đường dây, EVNNPT ứng dụng thiết bị bay UAV để chụp ảnh, hỗ trợ công tác nghiệm thu, đánh giá chất lượng đối với các thiết bị trên cao. Hồ sơ dự án, tiến độ triển khai, khối lượng thực hiện, tình hình chuẩn bị đầu tư, đấu thầu, thanh quyết toán của các công trình xây dựng được quản lý trên hệ thống đầu tư xây dựng IMIS.
Công nhân EVNNPT soi phát nhiệt thiết bị tại trạm biến áp. Ảnh: EVNNPT |
EVNNPT đặt mục tiêu đến năm 2025 trở thành doanh nghiệp số. Ông có thể chia sẻ về các giải pháp mà EVNNPT triển khai để hoàn thành được mục tiêu này?
Thực hiện lộ trình chuyển đổi số ngành điện để hiện thực hóa mục tiêu trở thành doanh nghiệp số của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vào năm 2025, EVNNPT đã tập trung chuyển đổi số trong 3 lĩnh vực quan trọng là quản lý đường dây, trạm biến áp và thí nghiệm. Nhờ đó EVNNPT thay đổi tổng thể và toàn diện về cách làm việc và phương thức tổ chức sản xuất cho gần 5.000 người lao động trực tiếp trong 3 lĩnh vực nêu trên. Đặc biệt, việc ứng dụng thiết bị bay UAV, phân tích hình ảnh do UAV thu thập được bằng trí tuệ nhân tạo (AI) giúp thay đổi toàn diện công tác quản lý vận hành đường dây.
Đồng thời, EVNNPT ứng dụng camera xử lý hình ảnh bằng AI lắp đặt trên đỉnh cột đường dây tại một số vị trí đặc biệt; trang bị hệ thống quan trắc, cảnh báo sét nhằm cảnh báo sớm về sự hình thành, xuất hiện của các cơn giông - sét tiềm năng gây nguy hiểm tới lưới điện truyền tải, định vị và xác định các thông số của cú sét; trang bị hệ thống định vị sự cố cho các đường dây 500 – 220kV quan trọng, nhân viên vận hành xác định nhanh được điểm sự cố với sai số trong khoảng 200m và quản lý lưới điện truyền tải thông qua hệ thống thông tin địa lý (GIS). EVNNPT chuyển các trạm biến áp 220kV sang vận hành không người trực, lắp đặt nhiều thiết bị giám sát trực tuyến như khí phân hủy trong dầu máy biến áp (DGA)… mang lại hiệu quả tích cực trong việc tăng năng suất, tăng hiệu quả, giảm chi phí truyền tải điện.
Hiện nay, EVNNPT đang vận hành 160 trạm biến áp 500-220kV điều khiển tích hợp bằng máy tính (đạt tỷ lệ 86%) trong đó có 1 trạm biến áp 220kV tại Thủy Nguyên (Hải Phòng) là trạm biến áp số 220kV đầu tiên của Việt Nam. Các trạm biến áp này cho phép giám sát chặt chẽ tình trạng vận hành của thiết bị; thu thập, lưu trữ đầy đủ các dữ liệu vận hành của thiết bị, phục vụ cho công tác đánh giá, quyết định sửa chữa, bảo dưỡng đồng thời cho phép áp dụng các giải pháp tự động hóa trạm biến áp.
EVNNPT đã chuyển 118 trạm biến áp 220kV sang thao tác xa từ các Trung tâm Điều độ Hệ thống điện miền đạt tỷ lệ 79%, nhờ đó tiết giảm gần 600 lao động so với trạm biến áp có người trực thao tác tại chỗ.
EVNNPT đang xây dựng các trung tâm giám sát vận hành trạm biến áp không người trực tại 4 Công ty Truyền tải điện, dự kiến hoàn thành trong quý III/2023.
Bên cạnh đó, 100% dữ liệu thiết bị trên lưới truyền tải điện đã được số hóa trên phần mềm quản lý kỹ thuật PMIS, 100% dữ liệu công tơ đã được kết nối vào hệ thống thu thập và quản lý số liệu đo đếm MDMS.
Đâu là những khó khăn, thách thức của EVNNPT trong tiến trình chuyển đổi số, thưa ông?
Khi triển khai lộ trình chuyển đổi số, mặc dù EVNNPT có quyết tâm mạnh mẽ nhưng khó khăn lớn nhất của chuyển đổi số là thay đổi thói quen của mọi người. Thách thức lớn nhất của chuyển đổi số là có nhận thức đúng, từ lãnh đạo đến cán bộ, công nhân viên.
Một khó khăn nữa là nhiều phần mềm quản lý kỹ thuật, phần mềm dùng chung, hệ quản trị cơ sở dữ liệu, các quy trình nghiệp vụ hiện có, khả năng đảm bảo an toàn an ninh thông tin… chưa theo kịp yêu cầu về chuyển đổi số
Tuy nhiên, chuyển đổi số là cơ hội vô giá để ngành truyền tải điện phát triển dựa trên những đột phá về công nghệ số. Nếu bỏ lỡ cơ hội này, chúng ta sẽ bị tụt lại sau các quốc gia khác xa hơn nữa. Ngược lại, nếu tận dụng cơ hội này chúng ta sẽ theo kịp các tổ chức truyền tải điện tiên tiến trên thế giới.
Vai trò của nguồn nhân lực trong quá trình chuyển đổi số của EVNNPT và các nhiệm vụ đặt ra trong thời gian tới?
Trong quá trình chuyển đổi số, công nghệ là phương tiện còn con người là yếu tố quyết định sự thành công. Nhận thức rõ điều đó, ngoài hoàn thiện hạ tầng, công nghệ, EVNNPT đặc biệt quan tâm đến nguồn “nhân lực số”, cùng với việc hình thành nên thói quen, thay đổi nhận thức của người lao động để bắt nhịp với xu thế chuyển đổi số.
Người lao động của EVNNPT đã quen với môi trường thực trong nhiều năm. Chuyển lên môi trường số là thay đổi thói quen, đây là việc khó, là việc lâu dài. Tuy nhiên văn hóa của người Việt Nam nói chung cũng như cán bộ, công nhân viên của EVNNPT nói riêng là thích ứng nhanh với cái mới, ham học hỏi cái mới, sáng tạo trong ứng dụng cái mới nên tôi tin tưởng vào việc thay đổi nhận thức, thói quen của người lao động.
Trong những năm qua, EVNNPT đã tổ chức nhiều khóa đào tạo chuyển đổi nhận thức cũng như đào tạo chuyên sâu về chuyển đổi số, đặc biệt là về an toàn an ninh thông tin, huấn luyện trí tuệ nhân tạo (AI).
Trong thời gian tới, bên cạnh việc tiếp tục đào tạo nâng cao nhận thức cho người lao động về chuyển đổi số, EVNNPT khuyến khích người lao động không ngừng học hỏi, nâng cao nhận thức, mỗi ngày mỗi người tự học cho mình những điều mới.
Xin cảm ơn ông!