Một góc thành phố biển Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. (Nguồn: Internet)
CôngThương - Trước thành công của Festiavl Biển 2011, phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc phỏng vấn ông Lê Xuân Thân - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, Trưởng ban Tổ chức Festival.
Festival Biển 2011 đã để lại những ấn tượng gì trong ông?
- Ban tổ chức vui mừng khẳng định Festival Biển năm nay thành công hơn và tiết kiệm hơn so với những Festival trước. Số lượng du khách trong nước và quốc tế đến thành phố Nha Trang trong dịp này tăng gấp bội. Tất cả các phòng lưu trú của Nha Trang đã phát hết công suất. Đặc biệt, trong suốt thời gian lễ hội, không có một sự cố đáng tiếc nào xảy ra.
Ông Lê Xuân Thân - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa |
Festival Biển năm nay, hội nhiều hơn lễ. Trên 60 chương trình đều mới lạ, hấp dẫn và được quần chúng nhân dân nhiệt liệt hưởng ứng. Các hoạt động của Festiavl Biển 2011 đồng hành với Tuần lễ Biển - Đảo Việt Nam, mang thông điệp tôn vinh tài nguyên, vẻ đẹp quê hương, bảo vệ biển đảo, bảo vệ hành tinh xanh, sạch, đẹp. Nhiều hoạt động của Festival có ý nghĩa sâu sắc, đậm chất nhân văn và thể hiện bản sắc văn hóa đặc sắc của Nha Trang - Khánh Hòa, hướng về Trường Sa, tiếp sức Trường Sa như: công trình “Bản đồ Trường Sa ghép từ hạt cà phê Việt Nam” có kích thước 3m x 6m, được ghép từ 100kg hạt cà phê do Công ty Cổ phần cà phê Mê Trang (MC) cùng các họa sĩ đến từ Hội Mỹ thuật TP.Hồ Chí Minh tổ chức. Công trình xác lập 2 kỷ lục Việt Nam (Tấm bản đồ Trường Sa được ghép từ hạt cà phê lớn nhất và có số người tham gia thực hiện nhiều nhất) và có ý nghĩa khẳng định chủ quyền đất nước, góp phần giáo dục lòng yêu nước, niềm tự hào cho lớp trẻ.
“Lung linh sắc biển” là chương trình nghệ thuật đặc sắc về biển, đảo và Trường Sa, không chỉ tái hiện cuộc sống, sinh hoạt của cư dân vùng biển Nha Trang, mà còn bày tỏ tình cảm chân thành đến mảnh đất và con người Trường Sa - nơi hải đảo biên cương, đầu sóng ngọn gió của tổ quốc.
Ngày 8/6/2011, Viện Hải dương học Nha Trang khai trương khu trưng bày “Tài nguyên biển đảo Hoàng Sa - Trường Sa”. Tại đây trưng bày các mẫu vật tư liệu lịch sử nghiên cứu liên quan tới Hoàng Sa - Trường Sa; hình ảnh tư liệu nghiên cứu hải dương học về hai quần đảo trong 90 năm thành lập và hoạt động của viện; các mẫu sinh vật biển phát hiện ở Hoàng Sa - Trường Sa từ năm 1927 đến nay…
Chương trình thả diều nghệ thuật với chủ đề “Sắc màu đại dương” do Trung tâm Văn hóa tỉnh và Công ty TNHH Đan Việt tổ chức, cũng là một trong những hoạt động thú vị. Cùng với đó, nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật, thể thao khác như: Hội thi cắm hoa nghệ thuật; bóng chuyền bãi biển, đua mô tô nước, biểu diễn xích lô đẹp, đám cưới dưới nước,... đã góp thêm sắc màu xanh, sạch đẹp trên biển Nha Trang.
Ông có nhận xét gì về Lễ hội Yến sào Khánh Hòa?
- Mặc dù lần đầu tiên tổ chức, nhưng Công ty Yến sào Khánh Hòa đã tổ chức thành công lễ hội, góp phần rất lớn vào thành công của Festival Biển 2011. Từ phần lễ đến phần hội, lễ hội Yến sào Khánh Hòa đều chú trọng tôn vinh truyền thống ngành nghề; quảng bá đặc sản quê hương và hướng về Trường Sa thiêng liêng.
Tại trung tâm triển lãm Công viên bờ biển 4, từ nghề khai thác yến sào nguy hiểm, đến thủ tục cúng tổ thành kính và các công đoạn sơ chế, tinh chế và chế biến thành phẩm yến sào đã được tái hiện, thu hút rất đông người dân và du khách tham quan, mua sắm, thưởng thức. Ngoài hiệu quả kinh tế, xã hội mà ngành nghề yến sào mang đến cho địa phương, Lễ hội Yến sào Khánh Hòa đã có ảnh hưởng rất lớn đến mọi tầng lớp nhân dân Việt Nam và trở thành lễ hội mang nét đặc trưng của Khánh Hòa. Mọi người thêm tự hào, yêu quê hương đất nước của mình hơn khi tận mắt thấy, tai nghe về giá trị nguồn nước uống, thực phẩm bổ dưỡng diệu kỳ này.
Vì vậy, cùng Lễ hội Cầu ngư với ước nguyện cầu sóng yên biển lặng được mùa cá tôm là lễ hội truyền thống, đặc trưng văn hóa của “xứ trầm, biển yến”, Lễ hội Yến sào Khánh Hòa sẽ trở thành lễ hội không thể thiếu trong các kỳ Festival Biển sắp đến.
Bức tranh Nha Trang xưa và nay trong Festival Biển 2011 rất đẹp. Xin ông hãy phác họa đôi nét?
- Ngoài triển lãm ảnh nghệ thuật “Nha Trang xưa và nay” với 40 ảnh nghệ thuật tái hiện hình ảnh của Nha Trang trong giai đoạn đầu thế kỷ XX, quá trình Nha Trang xây dựng và phát triển trở thành một đô thị lớn, trung tâm phát triển du lịch của tỉnh Khánh Hòa và cả nước; ẩm thực Nha Trang xưa và nay đã được tái tạo bên bờ biển Nha Trang. Khu du lịch Nha Trang xưa (Công ty TNHH An) đã dựng một nhà cổ 120 tuổi ngay trên bãi biển đối diện số 36 Trần Phú, trong khuôn viên của một vườn quê nhỏ, với ụ rơm, cộ bò, vườn rau… Các món ăn dân gian của Nha Trang xưa như: Gỏi mít, bún cá, cá rô chiên giòn, bánh canh cá, bánh xèo, lẩu cua đồng… đã được giới thiệu phục vụ dân địa phương, du khách có nhu cầu thưởng thức và hoài niệm, để cảm nhận những tinh tế trong văn hóa ẩm thực của người Nha Trang ngày xưa và hôm nay.
Một trong những nét chấm phá độc đáo trên bức tranh Nha Trang xưa và nay là hoạt động lễ hội của XQ. Qua tuần lễ “Thời trang và hoa hồng”, nghề thêu cổ truyền được tôn vinh; hình ảnh người phụ nữ Nha Trang xưa đã được phác họa bằng người thật, việc thật qua nghề thêu cổ truyền của người phụ nữ Việt Nam hôm nay. Trong ngày đầu khai hội XQ Nha Trang đã đón trên 800 du khách quốc tế đến tham quan.
Lễ hội đường phố “Khánh Hòa - Nha Trang - Mảnh đất của những điều kỳ diệu” diễn ra sôi động, ấn tượng với hàng chục xe hoa, đoàn diễu hành, gần 1.000 diễn viên quần chúng và chuyên nghiệp tham gia… nhằm quảng bá, giới thiệu với bạn bè gần xa về một Nha Trang - Khánh Hòa tươi đẹp, trù phú, trong lành, nơi thiên nhiên đã ưu đãi ban tặng cho con người những sản vật quý, điều kiện và môi trường sống tuyệt vời. Đồng thời, lễ hội còn mang thông điệp: nhắc nhở mỗi người dân Nha Trang - Khánh Hòa hãy giữ gìn hình ảnh đẹp, hãy bảo vệ môi trường sống cũng như những quà tặng quý báu của thiên nhiên dành cho mảnh đất với những điều kỳ diệu mà chúng ta đang thụ hưởng…
Xin cảm ơn ông!