CôngThương - Đây là lần đầu tiên G7 cùng nhau can thiệp vào thị trường ngoại hối trong hơn 1 thập kỷ qua sau khi giá trị đồng Yên của Nhật Bản bất ngờ tăng lên, đe dọa đến những nỗ lực phục hồi kinh tế của nước này sau thảm họa động đất ngày 11/3 vừa qua. Theo đó, khi thị trường của các thành viên phiên giao dịch trong ngày, mỗi thành viên của nhóm G7 sẽ bán đồng Yên ngay lập tức. Việc này nhằm ứng phó với những chuyển biến gần đây của tỷ giá hối đoái của đồng Yên do ảnh hưởng từ thạm họa kép tại Nhật Bản, và trước yêu cầu của các quan chức Nhật Bản.
Các Bộ trưởng tài chính và Thống đốc Ngân hàng thuộc G7 đã thống nhất “sẽ giám sát chặt chẽ thị trường ngoại hối và sẽ hỗ trợ Nhật Bản khi cần thiết”. Ngân hàng Trung ương Nhật Bản cũng cho biết trong một tuyên bố rằng sẽ theo đuổi “chính sách nới lỏng tiền tệ” nhằm tìm cách giảm bớt mối đe dọa đẩy nền kinh tế lớn thứ 3 trên thế giới vào suy thoái.
Ngay sau khi các nước G7 thực hiện động thái can thiệp trên, đồng Yên đã giảm mạnh nhất so với đồng đô la Mỹ từ năm 2008, cổ phiếu trung bình của Nikkei 225 giảm và chỉ số chứng khoán tương lai của Mỹ tăng lên sau khi các ngân hàng Trung ương can thiệp để làm yếu đồng Yên Nhật.
Đồng Yên giảm 3,5% xuống còn 81,73 Yên /USD tính đến thời điểm 3 giờ chiều ngày 18/3 theo giờ Tokyo và trái phiếu chính phủ Nhật Bản cũng giảm nhẹ. Chỉ số Nikkei 225 tăng 2,7%, chỉ số MSCI Thái Bình Dương (MSCI Asia Pacific) bao gồm cả Nhật Bản tăng 1,3%. Chỉ số Standard & Poor’s 500 tương lai tăng 0,8%.
Đồng Yên cũng giảm 4% xuống còn 115 Yên/Euro. Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đã bơm thêm 3 nghìn tỷ Yên (37 tỷ USD) vào thị trường tài chính nước này nâng tổng số tiền trong quỹ dự trữ khẩn cấp tuần này lên 37 nghìn tỷ Yên.