Dự trữ hàng hóa Tết với tổng giá trị khoảng 16.150 tỷ đồng
Ông Phạm Văn Binh - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Gia Lai - cho biết, để phục vụ nhu cầu tiêu dùng tăng cao của người dân dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, đảm bảo cung cầu hàng hóa, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt hàng, Sở đã làm việc với các đơn vị cung ứng hàng hóa, các siêu thị, nhà phân phối hàng tiêu dùng trên địa bàn tỉnh dự trữ hàng hóa phục vụ dịp Tết.
Hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Nhâm dần 2022 đã lên các kệ hàng tại siêu thị, trung tâm thương mại, các chợ truyền thống, các cửa hàng tạp hóa bán lẻ trên địa bàn tỉnh Gia Lai |
Trong đó, 2 tháng trước Tết, các đơn vị cung ứng hàng hóa dự trữ tăng khoảng 20% so với ngày thường, tổng dữ trữ hàng hóa 16.150 tỷ đồng. Riêng tháng cận Tết (tháng 1/2022), nhu cầu mua sắm sẽ tăng cao khoảng 30%, các doanh nghiệp kinh doanh thương mại trên địa bàn tỉnh tập trung chuẩn bị lượng hàng hóa thiết yếu với tổng giá trị khoảng 9.100 tỷ đồng.
Tại siêu thị Coopmart Pleiku (TP. Pleiku, Gia Lai), bà Châu Hoàng Thy - Phó Giám đốc siêu thị - cho biết, các mặt hàng phục vụ Tết Nguyên đán như bánh kẹo mứt, đồ uống, thực phẩm khô các loại… đã lên kệ từ giữa tháng 12/2021. Các mặt hàng phục vụ Tết đa dạng, phong phú, giá cả tương đối ổn định hoặc chỉ tăng nhẹ so với ngày thường. Riêng các loại thực phẩm tươi sống sẽ tăng cường lượng hàng theo ngày và theo sức mua thực của thị trường, tăng cường hàng những ngày sát Tết. “Hiện sức mua có tăng nhẹ so với ngày thường, tuy nhiên vẫn chưa thực sự sôi động”, bà Hoàng Thy cho hay.
Sức mua hàng hóa Tết tại Gia Lai hiện mới tăng nhẹ so với ngày thường |
Ông Trịnh Xuân Vỹ - Giám đốc kinh doanh Công ty CP Thương mại Gia Lai (Comexim Gia Lai) - cho biết, nhu cầu tiêu dùng của người dân dịp Tết luôn tăng cao, vì vậy đơn vị đã chủ động dự trữ các mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết với tổng giá trị dự trữ hàng hóa khoảng 100 tỷ đồng. Các mặt hàng dự trữ tập trung vào 2 nhóm hàng hóa chính gồm thực phẩm các loại như mì tôm, bột ngọt, hạt nêm, dầu ăn, xúc xích, sữa, nước uống, bánh kẹo... và nhóm hàng hóa tiêu dùng phổ biến như bột giặt, dầu gội, sữa tắm, bỉm...
Bên cạnh đó, thích ứng với dịch Covid-19, đơn vị tăng cường các xe để cung ứng hàng hóa cho các đại lý, cửa hàng bán lẻ ở các huyện vùng sâu, vùng xa. “Trong dịp Tết nhu cầu tăng, công ty bố trí thêm phương tiện vận tải để cung ứng hàng hóa đảm bảo phục vụ Tết. Chúng tôi có khoảng hơn 40 phương tiện vận tải sẽ chia xuống các huyện trong tỉnh. Có thể trực tiếp bán hàng hoặc nhận đơn và giao hàng cho các đại lý bán lẻ như tạp hóa, cửa hàng tiện lợi”, ông Vỹ nói và cho biết thêm hầu hết hàng hóa sản phẩm của đơn vị là hàng Việt Nam, đảm bảo chất lượng, hàng hóa đảm bảo nguồn gốc xuất xứ, giá cả rõ ràng.
Sở Công Thương Gia Lai phối hợp với Comexim Gia Lai tổ chức những chuyến hàng lưu động để phục vụ nhu cầu tiêu dùng tại các huyện, xã vùng sâu, vùng xa |
Mở đợt cao điểm kiểm soát chặt thị trường trước, trong và sau Tết Nguyên đán
Để đảm bảo thị trường nội địa ổn định, phát hiện, xử lý nghiêm các vi vi phạm về kinh doanh hàng hóa dịp Tết Nguyên đán, từ ngày 1/12/2021 – 15/2/2022, Cục Quản lý thị trường (QLTT) Gia Lai mở đợt cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.
Ông Đinh Văn Hà - Phó Cục trưởng Cục QLTT Gia Lai - cho biết, hoạt động kiểm tra kiểm soát sẽ được thực hiện trên địa bàn toàn tỉnh, chú trọng các địa bàn như thành phố Pleiku, thị xã An Khê, thị xã Ayun Pa, huyện Chư Sê và huyện Đức Cơ để xử lý kịp thời các hành vi kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm an toàn thực phẩm.
Các đội QLTT tăng cường công tác kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính đối với hàng hóa là những mặt hàng thiết yếu có nhu cầu tiêu dùng cao trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán như: bánh kẹo, rượu bia, nước giải khát, thuốc lá, các mặt hàng thực phẩm tươi sống, pháo nổ, khí dầu mỏ hóa lỏng, động vật rừng, hàng điện tử, mỹ phẩm, thời trang cao cấp, quần áo may sẵn, các mặt hàng thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch Covid-19,… tại các trung tâm thương mại, chợ đầu mối, chợ dân sinh, các cơ sở sản xuất, kinh doanh,… Chú trọng kiểm tra việc niêm yết giá, bán theo giá niêm yết. Không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý; đảm bảo ổn định thị trường để phục vụ nhu cầu Tết cho nhân dân. Ứng dụng công nghệ thông tin để xử lý các hành vi kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ,… qua mạng xã hội và các sàn thương mại điện tử.
Cục QLTT Gia Lai mở đợt cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 |
Ngoài ra, chủ động phối hợp với các đơn vị kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các đường dây buôn bán, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Chú trọng các tuyến Pleiku – Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh, Pleiku đi các tỉnh phía Bắc, TP. Hồ Chí Minh và ngược lại nhằm ngăn chặn hoạt động tàng trữ, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, hàng hóa nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng kém chất lượng đưa vào nội địa để tiêu thụ; kiểm tra thường xuyên tại các khu vực, kho bãi, điểm tập kết hàng hóa tại khu vực biên giới, các chợ đầu mối, các tuyến đường; kiểm tra các kho hàng bến bãi nội địa….
Ngoài dự trữ hàng hóa, Sở Công Thương Gia Lai sẽ tổ chức các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn với các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm tươi sống, thực phẩm công nghệ (bánh, mứt, kẹo, hạt dưa, nước giải khát, rượu, bia), hàng may mặc, hàng điện tử phục vụ nhu cầu đón Tết của nhân dân vùng sâu, vùng xa. |