Giải pháp nào để vốn ngân hàng và doanh nghiệp nhỏ và vừa “gặp được nhau”? OCB tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp SME tiếp cận vốn |
Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân
Tại buổi làm việc giữa Thường trực Chính phủ với Ban chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa về tình hình hoạt động của hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa và các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết, doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp nhỏ và vừa nói riêng có vị trí đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp đổi mới và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, trong đó khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm tỷ trọng khoảng 97% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động (857.600 doanh nghiệp đang hoạt động), đây là nhóm khách hàng mà ngành ngân hàng dành ưu tiên trong hoạt động cấp tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ.
Theo đó, thời gian qua, thực hiện Nghị quyết 35 (năm 2016), Nghị quyết 58 (năm 2023) của Chính phủ về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, doanh nghiệp tư nhân, triển khai Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và các Nghị định hướng dẫn triển khai Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Ngân hàng Nhà nước đã xây dựng các chương trình hành động của ngành triển khai quyết liệt nhiều giải pháp góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho phát triển doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp nhỏ và vừa nói riêng.
Qua báo cáo của Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa, lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp, phát biểu tại hội nghị, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng nhận thấy rằng, bối cảnh hiện nay, người dân và doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa đều đang rất khó khăn trong hoạt động kinh doanh. Đây cũng là khó khăn chung của thế giới chứ không riêng Việt Nam. Trước thực tế này, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trăn trở và chỉ đạo rất quyết liệt các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp trong đó có doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Thống đốc cho rằng, những khó khăn của doanh nghiệp nhỏ và vừa do nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan, đòi hỏi nhiều giải pháp từ phía nhiều cơ quan, bộ ngành, địa phương và cả bản thân các doanh nghiệp.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại buổi làm việc giữa Thường trực Chính phủ với Ban Chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa |
Về phía Ngân hàng Nhà nước, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, Ngân hàng Nhà nước rất quan tâm đối với việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân nói chung, doanh nghiệp nhỏ và vừa nói riêng.
“Từ khi đại dịch Covid-19 xảy ra, hệ thống ngân hàng dành nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp. Đơn cử chính sách giảm lãi, miễn lãi, giảm phí chia sẻ với doanh nghiệp trong giai đoạn vừa qua tổng cộng 60 nghìn tỷ đồng. Đây là số tiền rất lớn từ nguồn lực của các ngân hàng cho thấy hệ thống ngân hàng đồng hành cùng các doanh nghiệp trong đó có doanh nghiệp nhỏ và vừa. Bên cạnh đó, nhiều giải pháp về lãi suất, tín dụng, cơ cấu lại nợ và giữ nguyên nhóm nợ được triển khai” - Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh.
Lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp nhỏ và vừa, người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước cho rằng, đối với lĩnh vực ngân hàng, các ý kiến xoay quanh hai vấn đề, là lãi suất và tiếp cận tín dụng.
Đối với vấn đề lãi suất, Thống đốc khẳng định, trong bối cảnh ngân hàng trung ương các nước vẫn duy trì lãi suất cao và tiếp tục tăng lãi suất, trong khi đó, trên cơ sở cân nhắc bối cảnh, tình hình, Ngân hàng Nhà nước đã 4 lần điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành, đưa lãi suất điều hành về mức trước dịch Covid-19 xảy ra.
Thống đốc cũng nhấn mạnh, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là một trong số rất ít các ngân hàng trung ương trên thế giới giảm lãi suất. Các tổ chức tín dụng cũng đang tích cực giảm lãi suất, mặt bằng lãi suất bình quân giảm khoảng 1% so với cuối năm 2022, do chính sách có độ trễ nên có thể các tổ chức tín dụng sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới.
“Để hạ lãi suất là một cố gắng của Ngân hàng Nhà nước bởi khi hạ lãi suất, Ngân hàng Nhà nước phải chèo lái và phối hợp đồng bộ các công cụ chính sách để có thể ổn định không những thị trường tiền tệ mà còn thị trường ngoại hối, đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng” - Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh.
Đối với vấn đề tiếp cận tín dụng, thống đốc cho biết, hiện nay Luật Tổ chức tín dụng quy định các tổ chức tín dụng yêu cầu khách hàng vay vốn phải cung cấp tài liệu chứng minh phương án dự án khả thi, khả năng tài chính để đảm bảo khả năng trả nợ, mục đích sử dụng vốn đúng mục đích. Thông tư hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước cũng quy định như vậy; Ngân hàng Nhà nước không quy định khoản vay bắt buộc phải có có tài sản đảm bảo và thực tế các tổ chức tín dụng vẫn cho vay tín chấp nếu khách hàng chứng minh được khả năng trả nợ; Ngân hàng Nhà nước cũng không quy định tỷ lệ cho vay trên giá trị tài sản đảm bảo và cũng không quy định tài liệu khách hàng phải cung cấp cho tổ chức tín dụng để chứng minh đủ điều kiện vay vốn.
“Những vấn đề trên hoàn toàn do tổ chức tín dụng tự quy định trong quy trình nội bộ của chính tổ chức tín dụng. Tài liệu chứng minh đủ điều kiện vay vốn khác nhau tùy theo mục đích vay, chẳng hạn vay để đầu tư kinh doanh bất động sản, vay để thực hiện dự án xuất khẩu, vay để sản xuất nông nghiệp… tài liệu chứng minh sẽ khác” - Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nói.
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết, Ngân hàng Nhà nước thường xuyên chỉ đạo các tổ chức tín dụng rà soát thủ tục vay vốn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn nhưng vẫn phải đảm bảo theo quy định của pháp luật.
Mặc dù không thay đổi quy định cho vay nhưng thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã cố gắng tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp vay vốn qua việc ban hành Thông tư 02 cho phép các tổ chức tín dụng cơ cấu thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng.
Để tăng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, cần có nhiều giải pháp và chính sách đồng từ nhiều bộ, ngành và địa phương |
Tương tác giữa ngân hàng - doanh nghiệp để tăng khả năng tiếp cận vốn
Thống đốc cho biết, việc tương tác giữa ngân hàng và doanh nghiệp là rất cần thiết để hiểu, chia sẻ, nhận diện những khó khăn, vướng mắc để cùng nhau tháo gỡ trên cơ sở tuân thủ quy định của pháp luật. Bởi vậy, thời gian vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo chi nhánh Ngân hàng Nhà nước các tỉnh, thành phố tổ chức nhiều hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn về tín dụng, lãi suất. Tại các hội nghị, các doanh nghiệp thẳng thắn trao đổi những vấn đề đang vướng mắc như: Không vay được vốn ngân hàng nào, ngân hàng giải thích vì sao không được vay vốn…
Ngoài ra, có ý kiến cho rằng, các ngân hàng thương mại cổ phần huy động lãi suất cao nên cho vay lãi suất cao hơn, có ngân hàng huy động ở tỉnh này lại cho vay ở tỉnh khác, doanh nghiệp không vay được của ngân hàng thương mại cổ phần. Với ý kiến này, Thống đốc giải thích việc quyết định lãi suất huy động và cho vay là do các tổ chức tín dụng tự quyết định, trường hợp doanh nghiệp đủ điều kiện vay vốn nếu không vay được của ngân hàng thương mại cổ phẩn thì vẫn có lựa chọn vay của các ngân hàng thương mại nhà nước.
“Hiện nay toàn hệ thống ngân hàng có tới trên 2.000 chi nhánh trên khắp cả nước, các ngân hàng có hiện diện tới tận huyện, Ngân hàng Chính sách xã hội còn có điểm giao dịch tới tận cấp xã” - Thống đốc nhấn mạnh.
Người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước cũng cho rằng, hiện nay, đã có riêng một Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và 5 Nghị định hướng dẫn Luật. Nhưng vấn đề thực thi các chính sách này mới là điều quan trọng. Về phía ngành ngân hàng, để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, Ngân hàng Nhà nước đã có giải pháp quy định trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với lĩnh vực ưu tiên, trong đó có doanh nghiệp nhỏ và vừa, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành thông tư hướng dẫn cho vay theo chuỗi giá trị, doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Song, những khó khăn của doanh nghiệp nhỏ và vừa cần phải được nhận diện, đánh giá đầy đủ, từ đó mới có giải pháp trúng và đúng.
Do vậy, Thống đốc kiến nghị Chính phủ cần tổ chức hội nghị đánh giá tổng thể việc triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa theo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa để có hướng giải quyết hiệu quả các vấn đề. Theo đó, mỗi bộ ngành, địa phương đều có các giải pháp, chính sách cùng tham gia tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, không thể riêng ngành nào, hoặc chính sách nào giải quyết được hết tất cả các vấn đề.
Trong số các giải pháp hỗ trợ, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho rằng, việc tăng cường hiệu quả hoạt động của các quỹ bảo lãnh tín dụng dụng địa phương là rất quan trọng bởi địa phương nắm rõ nhất về hoạt động của doanh nghiệp trên địa bàn. Nếu dành nguồn lực cho bảo lãnh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa vay vốn, Thống đốc tin rằng, tín dụng tăng trưởng sẽ cao hơn và doanh nghiệp nhỏ và vừa được hỗ trợ nhiều hơn.
Để tăng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp, Thống đốc cho rằng, bản thân doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng cần khắc phục những hạn chế của doanh nghiệp, bởi đó chính là những vấn đề đang gây cản trở trong việc ngân hàng đưa ra quyết định cho vay. “Doanh nghiệp nhỏ và vừa cần phải nâng cao khả năng quản trị doanh nghiệp, tình hình tài chính, minh bạch hóa thông tin...” - Thống đốc khẳng định
Hiện nay, vấn đề đầu ra của doanh nghiệp gặp khó khăn. Thủ tướng Chính phủ thời gian qua đã chỉ đạo quyết liệt các Bộ, ngành đẩy mạnh xúc tiến thương mại, nhưng về phía các doanh nghiệp cần quan tâm hơn đến chất lượng hàng hoá, dịch vụ, khi hàng hóa có chỉ dẫn địa lý, nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo yêu cầu an toàn thực phẩm,… sẽ khuyến khích khách hàng mua hàng của doanh nghiệp.
Về phía Ngân hàng Nhà nước, Thống đốc khẳng định, thời gian tới tiếp tục bám sát chỉ đạo của Chính phủ và bám sát diễn biến kinh tế, tiền tệ, tích cực triển khai các giải pháp từ phía ngành ngân hàng cũng như phối hợp các bộ, ban ngành để tiếp tục hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân nói chung và doanh nghiệp nhỏ và vừa nói riêng.
Đến cuối tháng 6/2023, dư nợ nền kinh tế đạt 12,423 triệu tỷ đồng, tăng 4,73% so 2022. Dư nợ đối với doanh nghiệp khoảng 6,3 triệu tỷ đồng (tăng 4,66% so 2022, chiếm 51% dư nợ nền kinh tế). Dư nợ đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt gần 2,3 triệu tỷ đồng, tăng gần 4% so với cuối 2022, chiếm khoảng 18,5% dư nợ nền kinh tế. |