Làm thế nào để hạ nhiệt giá xăng dầu? Hãm đà tăng giá xăng dầu: Trông vào “van” thuế? Giảm giá xăng dầu - nhìn từ bức tranh toàn cảnh xăng dầu Việt Nam: Bài 1: Giá xăng dầu đạt đỉnh do đâu? |
Song trước nhiều thách thức sẽ đặt ra tới đây, giá xăng dầu cần có những công cụ và biện pháp hữu hiệu nào là vấn đề đang được dư luận hết sức quan tâm.
Tăng cao nhưng vẫn thấp hơn đà tăng thế giới
Trên 30.000 đồng/lít xăng là con số cho thấy mức giá cao nhất từ trước tới nay, cũng là mức bất khả kháng mà cả cơ quan quản lý, doanh nghiệp và người dân đều không mong muốn. Tuy nhiên, trong một nền kinh tế hội nhập sâu rộng và xăng dầu là mặt hàng thiết yếu của mọi quốc gia thì việc lên xuống của giá xăng dầu buộc phải theo quy luật chung của thị trường thế giới.
Dù giá xăng dầu ở Việt Nam liên tục tăng nhưng vẫn ở mức thấp hơn so với nhiều nước lân cận |
Sau hơn 10 lần điều chỉnh giá xăng từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu luôn có tăng, có giảm theo diễn biến của giá xăng dầu thế giới. Song trong các lần điều chỉnh tăng giá gần đây, giá xăng dầu trong nước luôn có mức điều chỉnh tăng thấp hơn so với đà tăng của giá thế giới.
Giá bình quân một số mặt hàng thành phẩm xăng dầu thế giới (giao dịch trên thị trường Singapore) dùng để tính giá cơ sở kỳ điều hành ngày 23/5/2022 so với đầu năm 2022 biến động tăng từ 42,90% đến 56,96% nhưng giá xăng dầu trong nước đến kỳ điều hành ngày 23/5/2022 so với đầu năm 2022 chỉ tăng từ 25,89% - 42,40%. Hiện mỗi lít xăng RON95 là 30.657 đồng/lít (tương đương 1,32 USD/lít) bằng mức bình quân của thế giới (đứng thứ 86 trên tổng số 170 quốc gia), thấp hơn một số nước trong khu vực như Trung Quốc (1,35 USD), Thái Lan (1,43 USD), Lào (1,74 USD), Hàn Quốc (1,53 USD), Campuchia (1,39 USD) (theo số liệu của tổ chức Global Petro Price).
Tính chung, giá xăng dầu trong nước thời gian qua chỉ tăng trong khoảng 26-43% trong khi thế giới tăng từ 55-57%.
Biên độ tăng giá trên đã góp phần thiết thực hạ nhiệt, giảm sốc những tác động tiêu cực của giá xăng dầu tới sản xuất kinh doanh và dịch vụ, góp phần thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và hỗ trợ phục hồi kinh tế.
Chính vì thế, dù giá xăng dầu ở Việt Nam liên tục tăng nhưng vẫn ở mức thấp hơn so với nhiều nước lân cận nên thời gian qua, đã xuất hiện và gia tăng nạn buôn lậu xăng dầu từ Việt Nam ra các nước láng giềng, nhất là buôn lậu xăng dầu trên biển và trên biên giới đường bộ phía Tây Nam.
Bảo đảm nguồn cung nhờ chủ động dự báo, tìm hướng tháo gỡ sớm
Phải nhìn nhận cụ thể, thời gian qua Bộ Công Thương đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, thực hiện nhất quán, đúng quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP và Nghị định 95/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để điều hành giá xăng dầu trong nước phù hợp với diễn biến giá xăng dầu thế giới. Sử dụng công cụ Quỹ Bình ổn giá một cách hiệu quả và linh hoạt nhằm hạn chế mức biến động mạnh của giá xăng dầu trong nước so với biến động của giá thế giới.
Để điều hành hiệu quả thị trường xăng dầu trong nước, đặc biệt là cố gắng neo giữ mức giá bán xăng dầu không tăng quá cao, Bộ Công Thương tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp về đảm bảo nguồn cung, giữ ổn định thị trường, đồng thời đề xuất các chính sách cụ thể về mức thuế, phí, dự trữ.
Bộ Công Thương đã điều hành linh hoạt, cân nhắc rất nhiều chiều, đặc biệt đã có giải pháp tăng nguồn cung kịp thời lúc thị trường đang “nóng” nhất |
Giải pháp đầu tiên và quan trọng nhất là Bộ Công Thương đã chủ động bảo đảm nguồn cung, không để thiếu xăng dầu trong bất kỳ tình huống nào. Trước bối cảnh đứt gẫy nhiều chuỗi cung ứng toàn cầu do đại dịch Covid-19 và xung đột ở Nga – Ukraina, ngành Công Thương đã sớm có dự báo, phân tích và tham mưu cho Chính phủ có giải pháp ứng phó kịp thời.
Trong bối cảnh đầu năm 2022, cung ứng xăng dầu bất ngờ gặp khó khăn kép khi nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, nơi chiếm đến 30% nguồn cung bị sự cố những vấn đề nội tại không thể bảo đảm cung ứng xăng dầu cho thị trường, Bộ Công Thương đã sớm có giải pháp quyết liệt.
Theo báo cáo của Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), nguồn cung mặt hàng xăng dầu trong nước trong 5 tháng năm 2022 có nhiều biến động, trong nước chịu ảnh hưởng từ việc Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn giảm mạnh công suất sản xuất và không cung ứng đủ sản lượng xăng dầu cho thị trường như đã cam kết.
Trước tình hình trên, để bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu tăng cường lượng nhập khẩu, đồng thời, ban hành Quyết định số 242/QĐ-BCT ngày 24/2/2022 về việc phân giao sản lượng nhập khẩu xăng dầu tăng thêm trong Quý II/2022 cho 10 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu nhằm bổ sung nguồn thiếu hụt từ Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương, các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu đã đẩy mạnh việc nhập khẩu và nỗ lực cung ứng xăng dầu để duy trì nguồn cung cho thị trường nên cơ bản nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước từ đầu năm đến nay luôn được đảm bảo.
Kiểm soát thị trường, không để găm hàng, bán nhỏ giọt gây nhiễu loạn
Đặc biệt, công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường được thực hiện đồng bộ, hiệu quả trên toàn quốc. Trong đó, tập trung ngăn chặn tình trạng gian lận, tiêu cực trong kinh doanh xăng dầu như bán nhỏ giọt, cầm chừng để đợi giá lên cao của một số cây xăng; đóng cửa cây xăng vô cớ; lợi dụng giá xăng dầu trong nước thấp hơn một số nước láng giềng để xuất lậu xăng dầu…
Mới đây nhất, nhằm tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước về kinh doanh xăng dầu, Bộ Công Thương đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng Hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý và điều hành xăng dầu quốc gia. Việc triển khai hệ thống cơ sở dữ liệu sẽ hỗ trợ cho công tác quản lý Nhà nước đối với mặt hàng xăng dầu, góp phần ngăn chặn các hành vi sai phạm trong hoạt động kinh doanh xăng dầu và giúp cơ quan quản lý nhà nước thực hiện việc cân đối, điều tiết cung cầu mặt hàng xăng dầu.
Bộ Công Thương cho biết, giai đoạn tiếp theo là sau 3 tháng, hệ thống sẽ được hoàn thiện có khả năng thực hiện quản lý trên toàn hệ thống kinh doanh xăng dầu với các yêu cầu chi tiết và tiêu chí cao hơn giai đoạn đầu. Đường dẫn của Hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý và điều hành xăng dầu quốc gia là: //quanlyxangdau.moit.gov.vn.
Hiện nay, Hệ thống đã khởi tạo tài khoản cho toàn bộ các đối tượng thương nhân trong giai đoạn 1 gồm: 2 thương nhân sản xuất, 38 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu và khởi tạo thông tin 329 thương nhân phân phối kinh doanh xăng dầu.
Trong thời gian tới, Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Thông tin và Truyền thông để hoàn thiện việc xây dựng Hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý và điều hành xăng dầu quốc gia. Đồng thời duy trì vận hành và triển khai rộng rãi, góp phần thực hiện công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực xăng dầu một cách hiệu quả thông qua việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực này.
Bên cạnh đó, thời gian qua, việc điều hành giá xăng dầu được Liên Bộ Công Thương – Tài chính điều hành theo hướng bám sát với diễn biến của giá thế giới, cũng như phải hài hòa lợi ích của doanh nghiệp - Nhà nước và người dân, người tiêu dùng. Doanh nghiệp ở đây vừa là doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh xăng dầu, vừa là các doanh nghiệp sử dụng xăng dầu. Lợi ích của Nhà nước là làm sao kiểm soát tốt chỉ số giá tiêu dùng (CPI), đảm bảo các mặt hàng là đầu vào cho sản xuất như xăng dầu không có sự biến động giá quá mạnh.
Từ đầu năm đến nay, xăng dầu trong nước đã trải qua 12 lần điều chỉnh giá (9 lần tăng và 3 lần giảm), tổng mức tăng hơn 6.000 đồng/lít đối với xăng Ron 95 và 5.800 đồng/lít với xăng E5 Ron 92. Việc điều chỉnh giá xăng dầu hoàn toàn phù hợp quy luật thị trường, giúp giá xăng dầu trong nước tiệm cận với giá xăng dầu thế giới. Tuy nhiên, việc sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, một trong những “van” điều tiết về giá, trên thực tế đã chưa thật sự phát huy hiệu quả và đáp ứng kỳ vọng của đông đảo người dân.
Ông Trần Duy Đông- Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho hay, trong công tác điều hành cũng phải tính tới công tác tạo nguồn. Đơn cử, có những thời điểm xăng E5 hoặc xăng RON 95 trên thế giới khan hiếm, nguồn cung trong nước khan hiếm thì cơ quan chức năng cũng phải có cách điều hành linh hoạt, nhằm tạo nguồn tốt hơn. “Hoặc có những thời điểm dầu diesel lên cao quá, trong khi chúng ta cần phải hỗ trợ cho sản xuất, Liên bộ cũng phải tính toán sử dụng Quỹ Bình ổn giá để mặt hàng này có mức tăng vừa phải”- Lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước chỉ ra.
Thực tế, xăng dầu là mặt hàng chiến lược, tác động trực tiếp đến phát triển kinh tế và dễ ảnh hưởng đến tâm lý người dân, do đó phải được quản lý, điều hành một cách khoa học, chặt chẽ, theo đúng quy định. Về điều này, TS Nguyễn Minh Phong – chuyên gia kinh tế ghi nhận: Bộ Công Thương đã điều hành linh hoạt, cân nhắc rất nhiều chiều, đặc biệt đã có giải pháp tăng nguồn cung kịp thời lúc thị trường đang “nóng” nhất. Đây là giải pháp rất quan trọng để đảm bảo duy trì nguồn cung xăng dầu, phục vụ cho việc phát triển kinh tế thời gian hậu đại dịch.
Tính toán linh hoạt thuế phí
Nhìn nhận đà tăng của giá xăng, ông Nguyễn Bích Lâm- nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhận xét, giá xăng dầu bình quân sẽ tăng khá cao, nhà điều hành cần rà soát và tính toán lại các mức chi phí trong cơ cấu tính giá cơ sở xăng dầu và các loại thuế, phí để kìm đà tăng của loại nhiên liệu này.
Phân tích kỹ hơn, vị chuyên gia này cho hay, hiện mỗi lít xăng đến tay người tiêu dùng phải cõng 38-40% là thuế, phí và được cấu thành từ giá CIF nhập khẩu xăng dầu thành phẩm, thuế tiêu thụ đặc biệt (10% với xăng RON95, xăng sinh học E5 RON92 là 8%), thuế nhập khẩu 10%, thuế giá trị gia tăng 10%, thuế bảo vệ môi trường 1.900 - 2.000 đồng. Ngoài ra còn các khoản lợi nhuận định mức, chi phí định mức, chi phí vận chuyển... chiếm 5-8%. Thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu đã giảm 50% từ đầu tháng 4 đến hết năm nay.
Theo chuyên gia Ngô Trí Long, bài toán giảm giá xăng dầu trong ngắn hạn là quá khó nhưng về lâu dài, điều chỉnh giảm thuế tiêu thụ đặc biệt cho mặt hàng xăng dầu là cần thiết. Nhà nước sẽ phải nghiên cứu rất kỹ và có giải pháp phù hợp, vừa kìm đà tăng giá xăng dầu, vừa đảm bảo nguồn thu cho ngân sách.
PGS.TS kinh tế Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cũng cho rằng, vẫn còn dư địa để giảm giá xăng dầu. Dù vậy, phải tính toán các công cụ khác để hài hòa, vì diễn biến giá xăng dầu thế giới tăng mạnh.
Cũng theo chuyên gia, mức thuế, phí đang chiếm tỉ trọng rất cao trong cơ cấu giá thành sản phẩm xăng dầu. Trong đó, các loại thuế, phí chiếm 42-43% trong cơ cấu giá thành mặt hàng xăng, và tỉ lệ này với mặt hàng dầu là 24-30%. “Vì vậy, ngoài việc sử dụng hiệu quả linh hoạt quỹ bình ổn giá, thuế Bảo vệ môi trường đã giảm 50%, cần xem xét cân nhắc giảm thuế, phí như thuế xuất nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt”- PGS.TS kinh tế Đinh Trọng Thịnh góp ý.
Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân - đoàn TP. Hồ Chí Minh cho rằng, thuế bảo vệ môi trường đã giảm 50%, sắp tới có thể đề xuất giảm tiếp. Cần giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng dầu. “Xăng dầu không còn là mặt hàng đặc biệt nữa, mà là mặt hàng rất cần thiết. Không có lý do gì chúng ta đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu” - đại biểu Ngân nêu quan điểm.
Trước đó, Vụ Thị trường trong nước cho rằng, nếu giá xăng dầu tiếp tục tăng cao thì giải pháp giảm thuế cần tiếp tục được tính tới. Nếu giá xăng dầu biến động mạnh hơn, Bộ Công Thương đã chủ động kịch bản, cụ thể nếu giá 130 USD, 150 USD/thùng thì sẽ đề xuất đưa ra kịch bản tiếp tục giảm các thuế đối với xăng dầu, như thuế môi trường, tiêu thụ đặc biệt…
Hiện Liên bộ Tài chính - Công Thương cũng đã đề cập tới việc rà soát lại ngay cả với thuế MFN (tức là mức thuế tối huệ quốc), với kiến nghị để giảm từ 20% xuống 12%. Tuy nhiên, mức giảm cụ thể ra sao cũng phải tính đến hài hòa trong quá trình đàm phán với các nước đồng thời giữ tỷ lệ nguồn thu, khuyến khích đa dạng hóa nguồn cung nhưng cũng phải tạo chênh lệch giữa các mức thuế thị trường FTA với các thị trường có mức thuế MFN.
Giải pháp và công cụ nào để ổn định tình hình thời gian tới?
San sẻ gánh nặng cho người dân và doanh nghiệp, hỗ trợ tối đa cho nền kinh tế là mục tiêu xuyên suốt của nhà điều hành giá xăng dầu. Với Bộ Công Thương, trước những diễn biến tăng giá liên tục của thị trường xăng dầu thế giới từ đầu năm đến nay, để điều hành tốt thị trường xăng dầu nói chung và vấn đề giá nói riêng, Bộ đã có những chỉ đạo quyết liệt, rốt ráo để đảm bảo nguồn cung cũng như linh hoạt sử dụng các công cụ hỗ trợ như quỹ bình ổn xăng dầu, đề xuất giảm thuế, phí…
Với diễn biến địa chính trị vẫn tiếp tục phức tạp, các chuyên gia, các Tổ chức quốc tế nhận định giá xăng dầu năm nay vẫn có khả năng diễn biến theo chiều hướng tăng cao, đặc biệt là khi nguồn cung trong nước vẫn chưa thể khẳng định được là ổn định, chuỗi cung ứng xăng dầu trên thế giới có gián đoạn, đặc biệt là nguồn từ Nga và xung đột địa chính trị giữa Nga và Ukraine…
Trước thực tế trên, ông Trần Duy Đông cho biết, Bộ Công Thương dự báo nguồn cung vẫn có những khó khăn, do vậy giải pháp quan trọng là bám sát tình hình đồng thời theo dõi, đôn đốc các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp về tiến độ nhập khẩu để đảm bảo nguồn theo chỉ đạo chung của Chính phủ. “Bộ Công Thương đã lên kịch bản của cả năm cũng như kịch bản của từng quý, hàng tháng, liên tục rà soát lại các nguồn từ trong nước và nguồn nhập khẩu để đảm bảo mục tiêu cao nhất là đủ xăng dầu phục vụ cho sản xuất và tiêu dùng” - ông Trần Duy Đông nêu cụ thể.
Liên quan tới công tác điều phối cung-cầu trong nước, ông Trần Duy Đông thông tin thêm, khi một số địa phương hoặc một số doanh nghiệp có sự đứt gãy nguồn cục bộ, Bộ Công Thương đã chủ động điều hành từ các đầu mối cũng như các thương nhân phân phối khác nhằm đảm bảo nguồn cung đáp ứng cho các nơi thiếu hụt.
Cụ thể, Bộ Công Thương đã phối hợp với Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Tập đoàn Dầu khí quốc gia để chỉ đạo hai nhà máy lọc dầu vận hành công suất tối đa, đặc biệt là Nhà máy Lọc dầu Bình Sơn mà ta có thể chi phối được. Còn Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn, cơ quan chức năng cũng đề nghị phải khắc phục những sự cố để tạo nguồn trong nước ổn định.
Với nguồn nhập khẩu, trong bối cảnh nguồn trong nước bị cắt giảm và nguồn cung trên thế giới cũng bị gián đoạn thì công tác tạo nguồn từ nhập khẩu là rất quan trọng.
“Do đó, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các doanh nghiệp đầu mối có hướng đàm phán và thu xếp nguồn nhập khẩu để làm sao có được nguồn ổn định cũng như giá cả hợp lý phục vụ cho sản xuất và tiêu dùng”- lãnh đạo Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước nêu.
Ngoài ra, trong công tác điều hành giá cũng phải đảm bảo cho công tác tạo nguồn để các doanh nghiệp có đủ mức lợi nhuận và có những thời điểm phải ưu tiên những mặt hàng trên thế giới, hoặc trong nước có hiện tượng khan hàng, thiếu hàng, thì ưu tiên những mặt hàng đó để đảm bảo tạo nguồn liên tục.
Trao đổi với báo chí bên lề hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định “không bao giờ thiếu nguồn cung xăng dầu”.
Nói về dư địa để “hạ nhiệt” giá xăng dầu, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết, giá xăng dầu trong nước liên thông với giá xăng dầu thế giới, cho nên phải theo dõi sát diễn biến của giá xăng dầu thế giới. Song, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định: “Hãy yên tâm, lúc nào cũng có công cụ để hạ nhiệt giá xăng dầu”.
Liên quan đến công tác tạo thêm nguồn cung, TS Lê Đăng Doanh- nguyên là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương góp ý, đối với Việt Nam, xăng dầu là một mặt hàng chiến lược trong sản xuất, lưu thông, an sinh xã hội,... vì thế, chúng ta phải luôn nhạy bén tìm ra giải pháp để thoát khỏi các khó khăn, hạn chế. “Thay vì sử dụng nhiều xăng dầu, có thể tăng thêm việc sử dụng than và các nguyên liệu khác, như tăng thêm tỷ lệ năng lượng tái tạo, đó đều là những yếu tố mà chúng ta có thể cố gắng được”, TS. Lê Đăng Doanh đề xuất.
Đề xuất nâng dự trữ xăng dầu quốc gia xăng dầu lên 1-2 tháng
Theo Vụ Thị trưởng trong nước, những tháng đầu năm 2022, Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn (cung cấp 35-40% nhu cầu xăng dầu trong nước) cắt giảm sản lượng sản xuất xuống mức từ 55-80% công suất và có thời gian gặp sự cố kỹ thuật, tạm ngừng sản xuất nên việc giao hàng theo các hợp đồng đã ký cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu trong nước tháng 2, tháng 3 giảm so với kế hoạch. Việc này ảnh hưởng đến hoạt động cung ứng xăng dầu liên tục cho thị trường trong nước.
Không những thê, tại thị trường thế giới, do tác động của dịch bệnh Covid 19, các vấn đề địa chính trị và xung đột giữa Nga và Ucraina đã ảnh hưởng lớn đến nguồn cung xăng dầu. Trong khi đó, nhu cầu xăng dầu tăng do các nước áp dụng các biện pháp phục hồi kinh tế dẫn đến các doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu của ta gặp khó khăn trong việc cạnh tranh để tiếp cận nguồn cung trên thế giới với giá hợp lý để nhập khẩu bù đắp nguồn thiếu hụt từ sản xuất trong nước.
Trong bối cảnh thị trường xăng dầu còn nhiều biến động khó lường, để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia theo tiêu chuẩn của cơ quan năng lượng quốc tế (IEA), đáp ứng nhu cầu ứng cứu trong mọi tình huống, Bộ Công Thương cho rằng, cần thiết phải nâng năng lực dự trữ quốc gia ở mức cao hơn trong thời gian tới.
Trước đó, tại phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào tháng 3/2022, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã bày tỏ, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tham mưu để nâng lượng dự trữ xăng dầu quốc gia, bởi mức dự trữ hiện không lớn, chỉ khoảng 5 - 7 ngày. Theo Bộ trưởng, cần tăng thêm ít nhất hàng chục lần so với hiện nay. “Trong tương lai, chúng tôi sẽ cùng các bộ, ngành liên quan tham mưu để nâng mức dự trữ lên ít nhất 1,2 tháng. Thay vì dự trữ tiền, thì dự trữ hàng”- Bộ trưởng nói.
Thực hiện Nghị quyết số 499/NQ-UBTVQH15 về hoạt động chất vấn tại phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV, Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương đã thống nhất trình Chính phủ phương án nâng mức dự trữ quốc gia từ mức dự trữ hiện nay lên mức dự trữ từ 1- 2 tháng tại Văn bản số 158/BCT-KH ngày 31/03/2022.
Hiện nay, thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, Bộ Công Thương đang chờ ý kiến thống nhất từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính về phương án cụ thể để tổng hợp, hoàn thiện báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.