3 tháng đầu năm, cả nước giải quyết việc làm cho hơn 358 nghìn lao động, đưa khoảng 28 nghìn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài (tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái). |
Theo báo cáo của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, trong lĩnh vực việc làm, 3 tháng đầu năm cả nước giải quyết việc làm cho trên 358 nghìn lao động. Trong đó, tạo việc làm trong nước cho 330 nghìn người (bằng 97,3% so với cùng kỳ năm ngoái), đưa khoảng 28 nghìn người đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài (tăng gần 20% so với cùng kỳ năm ngoái).
Công tác giáo dục nghề nghiệp cũng được chú trọng. Cụ thể, tăng cường công tác tuyên truyền, nhằm thay đổi nhận thức của xã hội về học nghề, lập nghiệp; triển khai đồng bộ các chương trình, dự án về giáo dục nghề nghiệp; tiếp tục các giải pháp thúc đẩy đào tạo gắn với doanh nghiệp; tìm kiếm giải pháp để cơ sở giáo dục nghề nghiệp gắn kết hiệu quả với doanh nghiệp trong tổ chức đào tạo. Ước tuyển sinh 3 tháng đầu năm khoảng 86.600 người.
Nhiều địa phương đã đề ra các giải pháp phù hợp, chính sách ưu đãi thu hút nguồn lực xã hội đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh, tạo nhiều việc làm như: Đồng Nai, Bình Dương, TPHCM, Hà Nội... Qua đó, công tác giải quyết việc làm có nhiều khởi sắc.
Tình hình lao động trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, đặc biệt là thời điểm sau Tết Nguyên đán cũng được theo dõi chặt chẽ; có phương án hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động sau Tết; nắm bắt nhu cầu lao động của các doanh nghiệp để có biện pháp cung ứng lao động kịp thời, bảo đảm ổn định, không để xảy ra tình trạng thiếu hụt lao động.
Với lĩnh vực xuất khẩu lao động, ngành lao động tiếp tục thực hiện các giải pháp duy trì và phát triển thị trường, ký lại Bản ghi nhớ về phái cử và tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài.
Thời gian tới, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành lao động là tiếp tục sắp xếp lại lao động trong các doanh nghiệp để đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp. Ngoài ra, cần theo dõi, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan giải quyết kịp thời các tranh chấp lao động, giảm thiểu các vụ đình công, lãn công của người lao động; đồng thời phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.
Đối với lĩnh vực việc làm, Cục trưởng Cục Việc làm Lê Kim Dung nhấn mạnh, năm 2018, tập trung hoàn thành các chỉ tiêu về lao động, việc làm mà Quốc hội, Chính phủ giao là tạo việc làm trong nước cho 1,49 triệu người; tạo việc làm qua Quỹ quốc gia về việc làm cho 100.000 lao động; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 58-60%; tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4%.
Để hoàn thành tốt các chỉ tiêu trên, theo Cục trưởng Lê Kim Dung, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách về việc làm; hướng dẫn thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án hỗ trợ tạo việc làm; đẩy mạnh thông tin thị trường lao động; nâng cao năng lực hệ thống Trung tâm dịch vụ việc làm; hướng dẫn, thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp. Đồng thời, thực hiện cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực việc làm.