Nằm trong Khu dữ trữ sinh quyển thiên nhiên miền Tây Nghệ An với diện tích vùng lõi rộng 94.804ha và vùng đệm rộng 86.000ha, trải rộng trên 3 huyện (Tương Dương, Con Cuông và Anh Sơn), Vườn quốc gia Pù Mát chính là nơi sinh sống của người Thái, Mông, Đan Lai nhiều đời nay.
Bao đời nay người dân vùng đệm và vùng lõi Vườn quốc gia Pù Mát vẫn sống phụ thuộc vào rừng nhưng đời sống còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nên việc bảo vệ rừng chưa được quan tâm. Cùng với đó sự thâm nhập của cơ chế thị trường và các dòng văn hóa bên ngoài nên một số phong tục cũng như nghề truyền thống của đồng bào bị mai một dần. Trước thực trạng đó, việc bảo tồn văn hóa các dân tộc thiểu số sống quanh Vườn quốc gia Pù Mát được các cấp chính quyền đặc biệt quan tâm. Trong đó, hướng đi được quan tâm nhất là dựa vào những nét đẹp hoang sơ của Vườn quốc gia Pù Mát để phát triển du lịch. Ngành công nghiệp “không khói” này sẽ giúp tăng thêm thu nhập và giảm số lượng người dân sống phụ thuộc vào rừng. Bên cạnh đó việc du khách tìm hiểu, khám phá qua các món ăn, ca múa, sản phẩm thổ cẩm… cũng giúp lưu giữ được nét văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc nơi đây.
Phát triển du lịch những năm qua không những giúp khôi phục nhiều nét văn hóa đặc sắc đồng bào dân tộc thiểu số mà còn tăng thêm thu nhập giảm sống phụ thuộc vào rừng cho người dân nơi đây. |
Một số các gia đình tại bản Nưa, xã Yên Khê, huyện Con Cuông được lấy làm thí điểm. Qua một thời gian, người dân đã quen dần với phong cách phục vụ du khách chuyên nghiệp nhưng vẫn giữ được nét văn hóa đơn sơ, mộc mạc của đồng bào dân tộc Thái như: Múa sạp, uống rượu men lá, ăn cá mát sông Giăng... Nay bản Nưa đã trở thành một địa điểm du lịch mà du khách lựa chọn khi đến Vườn quốc gia Pù Mát.
Ông Nguyễn Xuân Nam - Trưởng Phòng Văn hóa huyện Con Cuông - cho biết: Trước đây việc phát triển du lịch tự phát nên khó níu giữ khách. Từ năm 2014 trở lại đây được sự giúp đỡ của Nhật Bản chính quyền địa phương cũng đã hướng dẫn và có những khóa tập huấn để người dân phong cách phục vụ du lịch chuyên nghiệp. “Với các sản phẩm của đồng bào, chúng tôi cũng đưa ra những mẫu hoa văn mới để phù hợp, cuốn hút thị hiếu của khách du lịch. Việc phát triển du lịch đã giúp đổi thay kinh tế, cuộc sống của nhiều bản làng. Trong thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền và đưa hướng phát triển du lịch văn hóa cộng đồng thành một hướng phát triển kinh tế” - ông Nguyễn Xuân Nam cho biết thêm.
Anh Lô Văn Thủy - người dân sống tại Xã Môn Sơn - chia sẻ: Trước đây, tôi có thuyền nhưng chủ yếu đi dọc sông Giăng vào rừng lấy củi, lấy măng và đánh cá sông. Giờ đây khách du lịch đến nhiều, mỗi chuyến ngược sông Giăng có giá từ 250.000 - 300.000 đồng; nếu du khách muốn vào tận vùng lõi nơi sinh sống của đồng bào Đan Lai thì giá từ 1 triệu - 1,2 triệu tùy số lượng người. Hầu như ngày nào cũng có khách, thu nhập cũng ổn định nên giờ vợ chồng tôi còn mở thêm nhà sàn phục vụ du khách các món ăn dân tộc đặc trưng của đồng bào bản địa. Nhờ vậy, hàng tháng gia đình có thu nhập từ 10 - 15 triệu đồng…
Ông Trần Xuân Cường - Giám đốc Vườn quốc gia Pù Mát - cho biết: Việc phát triển du lịch gắn liền với bảo vệ môi trường được cán bộ Vườn thường xuyên tuyên truyền và có những khóa tập huấn cho người dân địa phương.