Phát triển nền tảng thương mại điện tử: Thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng kinh tế |
Quy định rõ trách nhiệm của chủ sàn
Theo Bộ Tài chính, hiện tại Việt Nam có khoảng 139 đơn vị chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử (trong đó có 41 sàn thương mại điện tử bán hàng, 98 sàn thương mại điện tử cung cấp dịch vụ) và 3 công ty đối tác của các nhà cung cấp nước ngoài được thay trả tiền cho các tổ chức, cá nhân có quan hệ giao dịch với các nhà cung cấp nước ngoài; tương ứng với số lượng khách hàng trung bình truy cập các sàn khoảng 3,5 triệu lượt khách/ngày.
Với sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế số, việc kinh doanh trên nền tảng số trở nên phổ biến, tuy nhiên, Bộ Tài chính cho rằng, những đặc trưng của nền kinh tế số và tình hình phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử tại Việt Nam đã đặt ra nhiều thách thức không nhỏ đối với công tác quản lý thuế.
Sự phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử tại Việt Nam đã đặt ra nhiều thách thức không nhỏ đối với công tác quản lý thuế |
Theo đó, để quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh trên nền tảng số, mới đây, Bộ Tài chính đã có Tờ trình về việc sửa đổi một số điều của Nghị định số 126/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế. Một trong những nội dung được Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi là quy định rõ trách nhiệm của chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử trong việc kê khai, nộp thuế thay cho các cá nhân có hoạt động kinh doanh trên sàn thương mại điện tử có chức năng đặt hàng trực tuyến.
Thông tin về trách nhiệm của chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử trong việc kê khai, nộp thuế và cung cấp thông tin cho cơ quan quản lý thuế, bà Nguyễn Thị Minh Huyền - Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương cho hay, Nghị định 85/2021/NĐ-CP về thương mại điện tử đã quy định rất rõ ràng và có những điểm rất mới về quản lý thương mại điện tử.
Thứ nhất là tăng trách nhiệm chủ sàn thương mại điện tử; thứ hai là có những điều chỉnh đối với các sàn thương mại điện tử có yếu tố nước ngoài. Các chủ sàn thương mại điện tử có tránh nhiệm thực hiện nghĩa vụ thuế qua sàn. Điểm mới nữa là các sàn thương mại điện tử sẽ thông báo thuế cho người bán trên sàn thương mại điện tử. Như vậy về công tác quản lý thuế thì các sàn cũng phải có trách nhiệm cung cấp thông tin. Tất cả những việc này sẽ tăng trách nhiệm của chủ sàn thương mại điện tử.
Chia sẻ thêm về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Lan Anh, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa và hộ kinh doanh, cá nhân, Tổng cục Thuế cho biết, việc khai thuế thay, nộp thuế thay hiện nay đã được quy định khá đầy đủ tại khoản 5 Điều 7 Nghị định 126/2020/NĐ-CP. Tuy nhiên, chưa có quy định về trách nhiệm của chủ sở hữu sàn thương mại điện tử như quy định tại Nghị định số 85/2021/NĐ-CP.
Do vậy, để đồng bộ với quy định của pháp luật về thương mại điện tử, trước mắt khi chưa sửa đổi được các căn cứ pháp lý liên quan, một trong những giải pháp rất quan trọng đó là tăng cường trách nhiệm của người nộp thuế và tăng cường trách nhiệm của người nộp thuế có liên quan. Ví dụ như các sàn giao dịch thương mại điện tử phối hợp với cơ quan thuế trong công tác quản lý thuế, giảm thiểu thủ tục hành chính.
Giảm gánh nặng cho các sàn thương mại điện tử
Theo Bộ Tài chính, đề xuất quy định sàn thương mại điện tử có chức năng đặt hàng trực tuyến khai thuế thay, nộp thuế thay cho cá nhân kinh doanh thông qua sàn được cho là phương án tối ưu trong việc quản lý thuế hiệu quả, góp phần cải cách thủ tục hành chính, giảm đầu mối kê khai thuế. Tuy nhiên, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cho rằng, các cơ quan quản lý cần giảm tối đa gánh nặng chi phí và chi phí tuân thủ, tạo điều kiện cho các sàn thương mại điện tử phát triển.
Để tháo gỡ những khó khăn hiện nay của các sàn thương mại điện tử đang phải đối mặt, VECOM vừa có công văn gửi Tổng cục Thuế, trên cơ sở tổng hợp ý kiến từ các sàn thương mại điện tử thành viên, khi được khảo sát về việc cung cấp thông tin người bán.
Theo đó, VECOM ủng hộ phương án cung cấp thông tin theo phương thức điện tử để thuận tiện cho công tác quản lý thuế của cơ quan thuế và thuận tiện cho hoạt động kinh doanh của các sàn. Tuy nhiên, việc báo cáo, cung cấp thông tin cần ở mức hợp lý, bám sát quy định pháp luật hiện hành, không vượt quá quyền hạn, trách nhiệm của doanh nghiệp sàn thương mại điện tử, đảm bảo đúng nguyên tắc “tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của sàn giao dịch thương mại điện tử”.
VECOM cho rằng, cần làm rõ cơ sở của việc cung cấp thông tin của tổ chức cung cấp hàng hóa dịch vụ thông qua sàn giao dịch thương mại điện tử. Do đó, các sàn thương mại điện tử đề nghị Tổng cục Thuế có quy định cụ thể về trách nhiệm của các bên liên quan trong nghĩa vụ cung cấp thông tin. Theo đó, người bán cần phải chịu trách nhiệm về việc cung cấp thông tin đúng và chính xác và sàn không phải chịu trách nhiệm trong trường hợp thông tin không chính xác hay do hệ thống chặn nộp tờ khai... dẫn đến sự chậm trễ trong việc cung cấp thông tin.
GS.TS Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế Quốc dân gợi mở: “Cần có quy định rõ về mặt pháp lý quy định vai trò, trách nhiệm của người bán, người trung gian của sàn thương mại điện tử đó như thế nào. Và làm thế nào để thu đúng đối tượng, tránh tình trạng trốn thuế, và mất bình đẳng giữa những người kinh doanh. Tất cả những cái đó đòi hỏi phải có khuôn khổ pháp luật thực sự đồng bộ để cho tất cả các bên khi tham gia và chịu sự điều tiết chung thì có thể quản lý một cách hiệu quả”.
Theo Bộ Tài chính, về quản lý thu thuế đối với hàng hóa, dịch vụ xuyên biên giới với số thu trung bình trên 1.100 tỷ đồng/năm; từ năm 2018 đến hết tháng 4/2022, các đơn vị này đã khai, nộp thuế với tổng số tiền là hơn 5.111 tỷ đồng, trong đó một số tập đoàn lớn như Facebook là 1.965 tỷ đồng; Google là 1.902 tỷ đồng; Microsoft là 651 tỷ đồng. |