Xử lý nợ xấu đang gặp không ít khó khăn |
Tại Hội nghị phối hợp giữa Công an thành phố và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh Hà Nội trong công tác xử lý nợ xấu trên địa bàn ngày 9/8, ông Hoàng Việt Trung - Phó Giám đốc NHNN chi nhánh Hà Nội - cho biết, cơ chế, chính sách xử lý nợ xấu đối với tài sản bảo đảm chưa tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng và Công ty quản lý tài sản (VAMC) thực hiện. Đơn cử như Bộ Luật dân sự chưa hướng dẫn về thành viên hộ gia đình; Luật Dân sự chưa bảo đảm thực thi đầy đủ quyền chủ nợ.
Liên quan đến vấn đề xử lý tài sản bảo đảm mà cụ thể là việc thu giữ tài sản, ông Thiệu Ánh Dương - Giám đốc Công ty Quản lý nợ Techcombank đã chỉ ra những bất cập: Hoạt động thu giữ được pháp luật quy định cụ thể tại Nghị định 163 và văn bản hướng dẫn nhưng một số trường hợp vẫn không thực hiện được. Đã xảy ra hiện tượng, khi ngân hàng đến nơi là tài sản bảo đảm thì chính quyền có mặt nhưng không cho thu giữ hoặc ngân hàng đã thu giữ rồi nhưng chính quyền yêu cầu phải trả, ra khỏi tài sản. “Nguyên nhân vấn đề này do chúng ta chưa hiểu rõ quy định tổ chức tín dụng được phép thu giữ tài sản bảo đảm. Thông tin gây méo mó, hiểu lầm, hiểu sai pháp luật, tạo hình ảnh xấu cho tổ chức tín dụng” - ông Dương nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, việc xử lý nợ xấu còn vướng ở rất nhiều khâu như trong công tác thi hành án, bản án tòa tuyên không rõ ràng cũng dẫn tới khó khăn trong công tác thu hồi tài sản bảo đảm.
Ông Chu Quang Tiến - Cục Thi hành án - cho hay: Kết quả thi hành án tín dụng ngân hàng luôn thấp do có những bản án quyết định của tòa tuyên không rõ, không tuyên nghĩa vụ bảo đảm cụ thể bên thứ 3. Ngoài ra, còn có vướng mắc nữa là tài sản bảo đảm của nhiều vụ việc, hồ sơ thế chấp được các tổ chức tín dụng làm không chặt chẽ, thẩm định chưa kỹ và tính thanh khoản tài sản thế chấp thấp; có trường hợp, tài sản được định giá quá cao, đến khi cần xử lý giá xuống thấp vẫn không có người mua.
Để công tác xử lý tài sản bảo đảm được thuận lợi, bên cạnh việc nâng cao nhận thức phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức tín dụng, đại diện NHNN chi nhánh Hà Nội cũng đề nghị UBND thành phố đẩy nhanh tiến độ hồ sơ xử lý tài sản bảo đảm; vận dụng Luật Thủ đô để hợp thức hóa trường hợp thuê đất, sang tên đổi chủ tài sản. Cơ quan công an xử lý nghiêm những trường hợp chây ỳ không trả nợ gây thiệt hại cho tổ chức tín dụng để làm gương cho các trường hợp khác.
Ông Nguyễn Hồng Lĩnh - Cục trưởng Cục An ninh tiền tệ (Bộ Công an) - đề nghị, các ngân hàng khi cho vay cần xét duyệt thật kỹ hồ sơ để giảm rủi ro không đáng có như nâng khống giá trị tài sản, làm giả tài liệu…
Giải quyết hiệu quả nợ xấu tích tụ trong nhiều năm qua chỉ với nỗ lực riêng của ngành Ngân hàng là chưa đủ, mà cần có sự tham gia quyết liệt hơn nữa của các bộ, ngành, chính quyền địa phương, cơ quan công an và doanh nghiệp. |