Hội nghị xúc tiến thương mại biên giới thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp |
Hội nghị Xúc tiến thương mại năm biên giới năm 2016 do tỉnh Hà Giang tổ chức thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa trong và ngoài tỉnh, cùng với đó là sự góp mặt của một số doanh nghiệp thuộc châu Văn Sơn (Trung Quốc).
Con số trên 600 triệu USD kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa của tỉnh Hà Giang đạt được trong 6 tháng đầu năm 2016 gây ấn tượng với các đại biểu dự hội nghị. Bởi lẽ, theo kế hoạch, đến năm 2020, Hà Giang mới đạt 800 triệu USD kim ngạch xuất khẩu. Ông Nguyễn Khắc Quyền – Giám đốc Sở Công Thương Hà Giang - cho biết, kết quả hoạt động xuất, nhập khẩu qua các cửa khẩu trên địa bàn (chủ yếu tại Cửa khẩu Thanh Thủy) trong những tháng đầu năm là tin vui với địa phương. Có được con số trên là kết quả của quyết liệt thực hiện chính sách biên mậu giữa Việt Nam - Trung Quốc của ngành Công Thương và của hai địa phương cùng sự nỗ lực của các doanh nghiệp.
Trong lời phát biểu khai mạc hội nghị, ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang - nhấn mạnh: Với vị trí địa đầu Tổ quốc, có 7 huyện biên giới với 34 xã, thị trấn biên giới, Hà Giang được đánh giá có tiềm năng phát triển kinh tế cửa khẩu và thương mại biên giới, xác định đây là trọng tâm phát triển kinh tế của địa phương.
UBND tỉnh Hà Giang tặng giấy khen cho các doanh nghiệp có thành tích xuất nhập khẩu xuất sắc |
Đề thúc đẩy thương mại biên giới phát triển, đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, ông Nguyễn Văn Sơn nêu bật: Hà Giang sẽ tiếp nhận các ý kiến kiến nghị của các doanh nghiệp, cùng với đó đẩy mạnh đầu tư nâng cấp hạ tầng, rà soát, cải cách thủ tục hành chính, quyết tâm phá bỏ những rào cản gây khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi thu hút doanh nghiệp đến đầu tư trong lĩnh vực thương mại biên giới, kinh tế cửa khẩu.
Thay mặt Bộ Công Thương, Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú nhấn mạnh: Hợp tác kinh tế - thương mại biên giới Việt - Trung đã và đang góp phần củng cố, phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác toàn diện trên mọi lĩnh vực giữa hai nước. Thương mại biên giới còn tạo điều kiện để các địa phương trong khu vực miền núi của Việt Nam khai thác và phát huy được thế mạnh và tiềm năng của mình. So với các địa phương giáp biên, Hà Giang có nhiều yếu tố không thuận lợi về khí hậu, khoảng cách địa lý, địa hình hiểm trở, mạng lưới giao thông chưa phát triển đồng bộ. Do đó, bên cạnh những thành quả đạt được, thương mại biên giới ở Hà Giang gặp nhiều khó khăn, thách thức khiến hoạt động thương mại biên giới chưa phát triển tương xứng với tiềm năng. Hạ tầng kỹ thuật như các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ cửa khẩu, kho chứa, bến bãi chưa được đầu tư nhiều khiến các hoạt động buôn bán diễn ra chủ yếu nhỏ lẻ, không tập trung, giá trị gia tăng thấp...
Để khắc phục những hạn chế trên, theo Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú, những năm tới, Hà Giang cần tập trung đẩy mạnh đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng cửa khẩu quốc tế Thanh Thuỷ, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các khu liên hợp, kho ngoại quan... Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đối với các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ, đảm bảo phục vụ vận tải hành khách và các hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá của các doanh nghiệp được thuận lợi. Tăng cường phát triển liên kết vùng kinh tế, phối hợp liên kết giữa các địa phương trong vùng Đông bắc và Tây bắc, nhằm tận dụng phát huy các lợi thế và tiềm năng của Hà Giang đối với các địa phương trong vùng, nâng cao năng lực cạnh tranh, phân công tạo thành chuỗi cung ứng các sản phẩm công nghiệp, nông nghiệp, thương mại và dịch vụ... có giá trị gia tăng cao cho thị trường trong nước và nước ngoài, đặc biệt là thị trường Vân Nam (Trung Quốc)…
13 hợp đồng xuất nhập khẩu giữa các doanh nghiệp được ký kết |
Ngay tại hội nghị, các doanh nghiệp của Hà Giang và châu Văn Sơn (Trung Quốc) đã ký kết 13 hợp đồng xuất nhập khẩu hàng hóa trị giá 348 tỉ đồng. Hàng hóa xuất nhập khẩu chủ yếu là nông sản, hải sản, sắn khô, gỗ bóc, cao su và một số thiết bị công nghiệp.