Đảm bảo đủ nguồn cung xăng dầu Bảo đảm nguồn cung xăng dầu và an ninh năng lượng trong mọi tình huống Bộ Công Thương xử lý nghiêm các hành vi găm hàng, tạo khan hiếm nguồn cung xăng dầu |
Lượng khách hàng không quá đông
Tại cửa hàng xăng dầu số 60 (địa chỉ 171, đường Xuân Thủy, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội) - Xí nghiệp bán lẻ xăng dầu - Công ty Xăng dầu khu vực I (Petrolimex), lượng khách đầu giờ chiều khá vắng. Tại các cột bơm xăng, các đơn vị đều bố chí đủ nhân viên bán hàng, đáp ứng nhanh và đầy đủ nhu cầu của người tiêu dùng.
Người dân mua xăng tại cửa hàng xăng dầu số 60 (địa chỉ 171, Xuân Thủy, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội) |
Ông Đỗ Hoàng Hà - Giám đốc Xí nghiệp bán lẻ xăng dầu - Công ty Xăng dầu khu vực I (Petrolimex) - cho biết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, 15 ngày đầu của tháng 1/2022 cũng là thời điểm trước Tết Nguyên đán Nhâm Dần, sản lượng bán tăng rất chậm. Tuy nhiên, 2 tuần cuối trước Tết Nguyên đán, sản lượng bán bắt đầu tăng lên. Đặc biệt, trong ngày 28/1 (tức ngày 26 Tết) nhu cầu của người dân tăng mạnh, xí nghiệp cung ứng 1.540m3 xăng dầu (ngày 28/1) với lượng thu tiền mặt trên 30 tỷ đồng. Riêng trong tháng 1/2022, xí nghiệp cung ứng ra thị trường 36 nghìn m3. Và trong 9 ngày nghỉ lễ Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu dùng của nhân dân tăng 4% so với cùng kỳ năm trước.
Lý giải về nhu cầu tăng cao dịp Tết Nguyên đán, ông Đỗ Hoàng Hà cho biết, năm nay, người dân ít đi du lịch và ở lại Hà Nội, do đó, mặc dù không bắn pháo hoa, không tổ chức lễ hội, nhưng tại các tuyến đường trên địa bàn thành phố mật độ đi lại khá đông ngay trong những ngày mùng Một Tết Nguyên đán.
Cũng theo ông Đỗ Hoàng Hà, trước thông tin về tình hình một số địa phương miền Nam khan hiếm xăng dầu, tuy nhiên, trên địa bàn Hà Nội, xí nghiệp được giao trực tiếp kinh doanh, chúng tôi đã có các phương án đảm bảo đủ nguồn hàng để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân Thủ đô trước, trong và sau Tết. “Trong những ngày qua, lượng khách hàng không tăng đột biến. Với thị trường Hà Nội, quan điểm của doanh nghiệp luôn hài hòa lợi ích với khách hàng”, ông Đỗ Hoàng Hà cho biết.
Còn tại cửa hàng xăng dầu địa chỉ số 112 Trần Phú, phường Mộ Lao, quận Hà Đông, chiều ngày 9/2, lượng khách ra vào khá đông do đây là địa điểm trọng yếu, ngay cửa ngõ ra vào Hà Nội. Bà Hoàng Thị Lệ Mỹ - Giám đốc Chi nhánh xăng dầu - Công ty TNHH Thương mại xăng dầu Hà Thành - chia sẻ, tình hình mua bán xăng dầu sau dịp Tết, đặc biệt là ngày 8 và 9/2 đã tăng 1,5 lần so với bình thường.
Phía doanh nghiệp cũng mở cửa hàng theo đúng khung giờ quy định của Sở Công Thương Hà Nội, theo đó, bán hàng từ 4h30 - 23h30 hàng ngày. Doanh nghiệp bố trí đầy đủ nhân viên bán hàng, thậm chí giờ cao điểm đông khách, doanh nghiệp còn bố trí thêm nhân viên đảm bảo đáp ứng nhu cầu của người dân. Đảm bảo cây xăng lúc nào cũng ở trạng thái thoáng nhất. Do đó, mặc dù lượng bán hàng có tăng nhưng cây xăng không bị ùn ứ, không tạo hiệu ứng đổ xô mua hàng.
Tuy nhiên, theo đại diện doanh nghiệp này, với mức giá bán hiện nay, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đang lỗ. Nếu lỗ vốn trong thời gian ngắn hạn thì doanh nghiệp sẽ cố gắng tri ân với khách hàng, tuy nhiên, nếu để lỗ vốn trong thời gian dài thì không doanh nghiệp nào chịu được. Cũng theo đại diện doanh nghiệp này, hiện Chính phủ đã ban hành Nghị định 95/2021/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu. Do đó, đề nghị Chính phủ và Bộ Công Thương điều hành giá xăng dầu sát với giá thị trường để cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng đỡ vất vả như trong giai đoạn này.
Không để xảy ra tình trạng thiếu hàng cục bộ
Bà Trần Thị Phương Lan - quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội - cho biết, hiện nay, nhu cầu tiêu dùng của người dân trên địa bàn thành phố khoảng 149 nghìn m3/tháng, nhu cầu nguồn cung đang có trên địa bàn thành phố của các doanh nghiệp đầu mối và các doanh nghiệp thương nhân phân phối khoảng 170 nghìn m3. TP. Hà Nội luôn yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu dự trữ tối thiểu cao hơn 10% so với nhu cầu của người dân.
Chiều ngày 9/2, Sở Công Thương Hà Nội làm việc với một số đơn vị xăng dầu trên địa bàn thành phố về đảm bảo nguồn cung mặt hàng này |
Theo báo cáo của một số doanh nghiệp, hiện nguồn cung xăng dầu trên địa bàn thành phố chưa có gì khó khăn. Các doanh nghiệp đầu mối, các thương nhân phân phối đều đảm bảo đủ nhu cầu của người dân trên địa bàn thành phố. Hệ thống 493 cửa hàng xăng dầu trên địa bàn thành phố vẫn đang hoạt động bình thường.
Cũng theo bà Trần Thị Phương Lan, thời gian trước Tết, khi Bộ Công Thương nhận định có sự biến động về nguồn cung. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương cũng như UBND TP. Hà Nội, Sở Công Thương đã có những văn bản triển khai rất kịp thời đến các doanh nghiệp đầu mối, các thương nhân phân phối cũng như các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn. Theo đó, chủ động đảm bảo đủ nguồn cung; rà soát các bồn bể chứa để đảm bảo số lượng nguồn cung luôn cao hơn 10% so với nhu cầu tiêu dùng của người dân...
Hiện nay, lượng dự trữ, cung ứng xăng dầu của các doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối luôn cao hơn nhu cầu trên 10%. Hà Nội luôn đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu xăng dầu cho người dân Thủ đô. |
Mặt khác, Sở Công Thương cũng đã tăng cường chỉ đạo đối với các cửa hàng xăng dầu phải chấp hành nghiêm các quy định về kinh doanh xăng dầu. Đồng thời đề nghị Cục Quản lý thị trường Hà Nội cũng như giao thanh tra Sở Công Thương tăng cường công tác kiểm tra và xử lý nghiêm các cửa hàng xăng dầu nếu có những vi phạm, đặc biệt là tình trạng đầu cơ, găm hàng hoặc bán không đúng giá, đóng mở cửa không đúng thời gian quy định đã đăng ký với Sở Công Thương. “Chúng tôi cũng thường xuyên nắm bắt nguồn cung của các doanh nghiệp báo cáo hàng ngày để có sự điều tiết kịp thời, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng cục bộ giữa các hệ thống cũng như giữa các cửa hàng trên địa bàn TP. Hà Nội”, bà Trần Thị Phương Lan cho biết thêm.
Tuy nhiên, theo Sở Công Thương Hà Nội, do giá xăng dầu thế giới đang tăng cao và chưa đến kỳ điều chỉnh giá xăng dầu (dự kiến ngày 11/2) nên chiết khấu của doanh nghiệp đầu mối xuất nhập khẩu xăng dầu để cho các thương nhân phân phối và đại lý bán lẻ, thương nhân nhượng quyền thương mại giảm xuống thấp. Theo báo cáo của các thương nhân phân phối và các cửa hàng bán lẻ xăng dầu thì hiện nay chiết khấu không đủ bù đắp chi phí, mỗi lít xăng bán ra lỗ khoảng 50 đồng đến 200 đồng (chưa tính chi phí điện nước và trả lương công nhân).
Trên cơ sở thực tế tình hình thị trường xăng dầu trong nước và quốc tế, trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh tại các nước trên thế giới, tiềm ẩn nhiều nguy cơ, có khả năng tác động đến kinh tế xã hội trong nước nói chung và thị trường xăng dầu nói riêng, để ổn định nguồn cung ứng xăng dầu phục vụ nhu cầu thị trường, đồng thời đảm bảo hiệu quả kinh doanh cho các doanh nghiệp phân phối, kinh doanh bán lẻ xăng dầu, Sở Công Thương Hà Nội cũng đề nghị Chính phủ, Bộ Công Thương tiếp tục nghiên cứu xây dựng các quy định của pháp luật về kinh doanh xăng dầu đảm bảo kịp thời điều chỉnh giá xăng dầu khi giá xăng dầu thế giới có biến động để giúp cho các doanh nghiệp đầu mối chủ động hơn trong việc đặt đơn hàng nhập khẩu xăng dầu, từ đó hoạt động kinh doanh có hiệu quả hơn; hoặc xem xét việc để giá xăng dầu tự điều tiết theo cơ chế thị trường.
Đề nghị Chính phủ, Bộ Công Thương chỉ đạo các nhà máy lọc dầu thường xuyên đảm bảo hoạt động sản xuất, đáp ứng nguồn cung xăng dầu cho thị trường, giúp cho hoạt động sản xuất, kinh doanh có sử dụng xăng dầu bớt ảnh hưởng bởi giá xăng dầu của thị trường thế giới. Đồng thời đề nghị các doanh nghiệp đầu mối cân đối nguồn cung ứng xăng dầu đầu vào, có các phương án thay thế, không để phụ thuộc vào một nguồn hàng, gây ra tình trạng thiếu hàng khi nguồn hàng xảy ra sự cố.
Đặc biệt, doanh nghiệp đầu mối cần làm tốt công tác dự báo và kế hoạch nguồn hàng trong dài hạn, có phương án ứng phó với các biến động có thể xảy ra, nhằm đảm bảo nhu cầu tiêu dùng xăng dầu trong năm 2022, góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Trường hợp doanh nghiệp đầu mối có đủ lượng xăng dầu cung ứng cho hệ thống của mình, đề nghị hỗ trợ các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối khác gặp khó khăn về nguồn hàng được ký hợp đồng cung cấp xăng dầu để tránh tình trạng đứt gãy hàng cục bộ, ảnh hưởng đến hoạt động lưu thông trên địa bàn và tâm lý người tiêu dùng.
Sở Công Thương Hà Nội cho biết, hiện nay có 2 cửa hàng có văn bản của Sở cho phép ngừng bán hàng gồm: Trạm 8 tại 125 Nguyễn Phong Sắc, quận Cầu Giấy (thuộc Tổng công ty Xăng dầu Quân Đội) để sửa chữa; Cửa hàng xăng dầu Nam Trung Yên tại đường Mạc Thái Tông, Trung Hòa, Cầu Giấy xin tạm dừng hoạt động để giải quyết tranh chấp từ ngày 2/12/2021. |