Bộ Công Thương xử lý nghiêm các hành vi găm hàng, tạo khan hiếm nguồn cung xăng dầu |
Liên quan đến những băn khoăn liệu nguồn cung xăng dầu của thị trường trong nước có bị ảnh hưởng bởi sự việc nêu trên của Nhà máy lọc hoá dầu Nghi Sơn, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng đây là việc nội tại của doanh nghiệp nên trách nhiệm giải quyết trước tiên thuộc về doanh nghiệp cũng như chủ đầu tư là Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) mặc dù PVN chỉ chiếm 25% cổ phần. Cao hơn nữa là trách nhiệm của Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, cơ quan chủ sở hữu của PVN.
NSRP là công ty liên doanh được thành lập vào tháng 4/2008, do bốn thành viên góp vốn, bao gồm Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Công ty Dầu khí quốc tế Kuwait (KPE), Công ty Idemisui Kosan Nhật Bản (IKC) và Công ty Hóa chất Mitsui Nhật Bản (MCI).
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải thông tin, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có thông báo liên quan đến vấn đề giải quyết tổng thể các vấn đề của Nhà máy lọc hoá dầu Nghi Sơn, giao rõ trách nhiệm của Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cũng như PVN phải có các bàn bạc, đàm phán liên quan đến các nội dung cần giải quyết trong nội tại của doanh nghiệp.
Liên quan đến nguồn cung bị ảnh hưởng ra sao, theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, Nhà máy lọc hoá dầu Nghi Sơn hiện cung cấp khoảng 35% lượng xăng dầu cho thị trường tại Việt Nam. Do vậy chỉ cần có việc giảm công suất cũng đã có ảnh hưởng trực tiếp. Từ đầu tháng 1/2022 Nhà máy đã có sự sụt giảm về công suất, từ 105% công suất đến ngày 18/1/2022 đã sụt giảm chỉ còn 80%.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định, trong mọi tình huống đều phải bảo đảm nguồn cung xăng dầu |
Trước tình hình đó, Bộ Công Thương đã yêu cầu Nhà máy lọc hoá dầu Nghi Sơn phải có báo cáo tình hình một cách cụ thể. Đến 15h ngày 27/1/2022, Bộ Công Thương nhận được công văn của Nhà máy lọc hoá dầu Nghi Sơn trong đó nói về sự sụt giảm công suất do vấn đề liên quan đến tài chính cũng như các vấn đề nội tại của Nhà máy, trong đó có chuyện rằng thậm chí đến ngày 13/2/2022 có thể ngừng sản xuất.
Trước tình hình đó, Bộ Công Thương đã yêu cầu trước hết việc giải quyết những vấn đề nội tại là thuộc trách nhiệm của doanh nghiệp. Song Nhà máy lọc hoá dầu Nghi Sơn phải có trách nhiệm bảo đảm những hợp đồng đã ký kết để cung cấp các mặt hàng xăng dầu thành phẩm cho các đầu mối kinh doanh về xăng dầu theo đúng như hợp đồng và theo Nghị định 95/2021/NĐ-CP (ngày 1/11/2021), nếu không sản xuất xăng dầu thì phải nhập khẩu để bù cho lượng đã ký theo các hợp đồng.
Ngày 27/1/2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã chủ trì cuộc họp gồm PVN, Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và Bộ Công Thương để bàn về vấn đề này. Sáng nay (28/1/2022) đã có thông báo từ PVN. Theo đó Hội đồng thành viên PVN đã đưa ra một số quyết định để có thể bảo đảm việc sản xuất tiếp tục của Nhà máy lọc hoá dầu Nghi Sơn trong thời gian tới, đồng thời với việc tái cơ cấu một cách tổng thể Nhà máy lọc hoá dầu Nghi Sơn về điều hành, về cơ cấu, tài chính.
“Đây là những dấu hiệu tích cực của Nhà máy lọc hoá dầu Nghi Sơn”- Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng cho biết, Bộ Công Thương trước đó đã có văn bản trực tiếp liên quan đến một số đầu mối xăng dầu, nhất là các đầu mối có thị trường lớn như Petrolimex, PV Oil để có sự phối hợp chỉ đạo là phải bảo đảm chủ động tìm nguồn cung. Việc bảo đảm an ninh năng lượng, trực tiếp là mặt hàng xăng dầu là hết sức quan trọng không chỉ cho đời sống người dân mà đây còn là đầu vào của các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh.
“Sẽ có những khả quan trong thời gian tới về nguồn cung, trong khi hiện tại vẫn bảo đảm được nguồn cung”- Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói.
Đồng thời, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định, Bộ Công Thương sẽ làm tốt nhất để có thể bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như cho người tiêu dùng.
Trong một diễn biến có liên quan, trong ngày 28/1/2022, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã có Công điện chỉ đạo Tổng cục Quản lý thị trường, Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) kịp thời ngăn chặn các hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh xăng dầu và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trước tình trạng một số đơn vị kinh doanh xăng dầu có dấu hiệu găm hàng, tạo khan hiếm hàng.
Công điện nêu rõ, có thể áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh theo quy định.