Theo đó, Sở Công Thương Hà Tĩnh tiến hành hỗ trợ xây dựng bộ nhận diện thương hiệu cho 5 doanh nghiệp chủ lực trong các lĩnh vực có thế mạnh như lâm sản, nông sản, chế biến thuỷ sản, tiểu thủ công nghiệp…
Bưởi là một trong những sản phẩm đặc sản của tỉnh Hà Tĩnh được chào bán tại địa chỉ dacsan.hatinh.vn |
Dự kiến, đến tháng 3/2020, sàn giao dịch này sẽ hoàn thành nhằm mở ra kênh quảng cáo, xúc tiến thương mại mới, nhiều tiềm năng để sản phẩm hàng hoá tiêu biểu của tỉnh đến gần hơn với khách hàng, tạo sự liên kết giữa Hà Tĩnh với các tỉnh trong khu vực và cả nước. Bên cạnh đó, đơn vị cũng đang xây dựng sàn giao dịch thương mại nông sản kết nối với các tỉnh khu vực Bắc Trung bộ và cả nước.
Hiện, các đơn vị đang trong quá trình xem xét hồ sơ và hoạt động của các doanh nghiệp để lựa chọn và có hướng dẫn cụ thể trong thời gian tới. Trong đó, Sở sẽ ưu tiên các doanh nghiệp tham gia chương trình OCOP tại các địa phương trên địa bàn tỉnh.
Cùng với đó sẽ xây dựng bộ truy xuất nguồn gốc bằng thiết bị thông minh cho 1 loại sản phẩm chủ lực của tỉnh bao gồm (tên miền, mã QR code, tem nhãn, quy cách đóng gói…) để từng bước đưa sản phẩm đến gần hơn với khách hàng, tăng độ nhận diện trên thị trường.
Cũng theo Sở Công Thương Hà Tĩnh, tổng kinh phí chi cho hoạt động ứng dụng TMĐT năm 2019 là gần 1 tỷ đồng. Các hoạt động trên có ý nghĩa quan trọng, góp phần đưa Hà Tĩnh tiến xa hơn trong việc phát triển TMĐT; xây dựng hệ thống nhận diện đầy đủ, cụ thể cho các sản phẩm chủ lực, tăng tính cạnh tranh cho doanh nghiệp trên thị trường; góp phần hoàn thiện kế hoạch phát triển TMĐT tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2016 - 2020.