Tham dự hội nghị có Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh - Trưởng đoàn đàm phán; đại diện lãnh đạo UBND TP. Hải Phòng; các sở, ban ngành, cơ quan quản lý; đại diện các hiệp hội ngành hàng và những DN trên địa bàn các tỉnh, thành phố duyên hải miền Bắc.
Hội nghị lần này là một phần trong Chương trình phổ biến thông tin về các hiệp định thương mại tự do của Bộ Công Thương và Đoàn đàm phán Chính phủ về kinh tế và thương mại quốc tế. Hội nghị cung cấp thông tin một cách bao quát và có hệ thống tới các cơ quan quản lý và DN có liên quan trên phạm vi toàn quốc về những nội dung chủ yếu trong các hiệp định như thuế xuất nhập khẩu, dệt may, dịch vụ và đầu tư, mua sắm của các cơ quan Chính phủ, DN Nhà nước, thương mại và môi trường, thương mại và lao động…
Những thuận lợi và thách thức của các hiệp định
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết: Sau hơn 5 năm đàm phán, các nước tham gia đàm phán Hiệp định TPP đã đạt được đồng thuận về tất cả các vấn đề tồn tại và chính thức tuyên bố kết thúc Hiệp định TPP. Đây là hiệp định có phạm vi rộng, không chỉ các lĩnh vực truyền thống như hàng hóa, dịch vụ, đầu tư mà còn có cả các lĩnh vực phi truyền thống như cạnh tranh, thương mại và môi trường… Ngoài ra còn có cả những vấn đề lần đầu tiên xuất hiện trong khuôn khổ FTA như DN nhà nước, thương mại điện tử, tạo điều kiện cho các dây chuyền cung ứng…. Việt Nam đang chứng tỏ là quốc gia năng động nhất quán thi hành đường lối đổi mới nghiêm túc trong việc thực thi cam kết quốc tế, có môi trường chính trị ổn định và đang có vai trò ngày càng quan trọng trong khu vực, có thể giúp tăng ảnh hưởng của TPP. Việt Nam cũng là điểm đến được các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương rất quan tâm.
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh phát biểu tại hội nghị |
Khi Việt Nam tham gia thành công vào TPP sẽ là bằng chứng thuyết phục về việc Hiệp định TPP thực sự quan tâm đến các nước đang phát triển. Đây là yếu tố quan trọng giúp thu hút các nước có trình độ phát triển kinh tế chưa cao cùng tham gia vào TPP để TPP có thể mở rộng trong tương lai.
Cũng tại hội nghị, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh đã chỉ ra các sức ép cạnh tranh, Hiệp định Thương mại tự do cam kết mở cửa cho hàng hóa, dịch vụ, lĩnh vực đầu tư của nước ngoài đặt ra cho các DN Việt Nam nói chung phải có thời gian để ứng phó. Theo Thứ trưởng, với hành trang hội nhập 20 năm nay, các DN Việt Nam đã hiểu thế nào là sự cạnh tranh với bên ngoài nên họ biết cách để ứng phó. Sức ép hơn cả là sức ép vươn lên, chủ động hoàn thiện chính mình để các DN nắm bắt được các cơ hội.
Hiệp định đề cập đến thương mại, hàng hóa, môi trường, các dịch vụ khác
Ông Ngô Chung Khanh – Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên – Bộ Công Thương đã trao đổi tại hội nghị về tầm quan trọng của các hiệp định, trong đó đề cập đến FTA là Hiệp định thế hệ mới có nhiều thành viên tham gia nhất, đây là FTA có trình độ đa dạng nhất, có độ phủ rất cao; sự tham gia sâu của các cấp chính trị như có 30 phiên đàm phán chính thức với nhiều nguyên thủ quốc gia tham dự, có tầm quan trọng lớn. Hiệp định được coi là kì vọng chung của các nước trong khu vực, các nước muốn thiết lập một mô hình mới - đó là chất lượng tăng trưởng về môi trường; về mua sắm Chính phủ; lao động công đoàn… nên các thành viên muốn có một tổ chức để xử lý vấn đề này.
Ông Ngô Chung Khanh - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên - Bộ Công Thương phát biểu tại hội nghị |
Vì vậy TPP hình thành là con đường ngắn nhất để đạt lợi ích cao nhất. TPP là hiệp định rộng và sâu có 30 chương đàm phán như: thương mại hàng hóa, dịch vụ, thương mại điện tử, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, thương mại và lao động, dệt may, đầu tư… trong đó yếu tố cam kết bảo vệ môi trường theo các quy định của các điều ước quốc tế đã hoặc sẽ tham gia, có chế tài trong trường hợp vi phạm…
Thuế xuất nhập khẩu sẽ giảm về 0%
Ông Hà Duy Tùng - Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tài chính phát biểu tại hội nghị |
Đề cập tới các vấn đề nóng tại các Hiệp định, ông Hà Duy Tùng – Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế - Bộ Tài chính đã bày tỏ các vấn đề về thuế - liên quan trực tiếp tới lợi ích của DN. Nguyên tắc của TPP là đưa thuế nhập khẩu về 0% đối với tất cả các dòng thuế. Với một số ít dòng thuế nhạy cảm nhất, có thể áp dụng hình thức giảm thuế một phần hoặc hình thức hạn ngạch thuế quan (cho phép nhập khẩu miễn thuế một lượng hàng hóa nhất định với điều kiện là phải được 11 nước còn lại chấp nhận. Việt Nam đồng ý với nguyên tắc này. Thuế nhập khẩu của Việt Nam về cơ bản được giảm về 0% theo lộ trình. Những mặt hàng nhạy cảm nhất có lộ trình tới 10 năm hoặc hơn. Thuế xuất khẩu TPP yêu cầu các nước xóa bỏ, Việt Nam đã nỗ lực xóa bỏ gần 90% biểu thuế xuất khẩu, chỉ giữ lại hơn 70 dòng thuế có ý nghĩa trong việc thu ngân sách như dầu thô và than đá mà Việt Nam sản xuất trong nước.
Kết thúc hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh đã chỉ ra cho các DN cần tự nắm bắt các cơ hội để theo kịp với xu thế hội nhập như hiện nay. Về cơ bản thuận lợi sẽ là mặt chủ yếu, rủi ro thách thức có thể kiểm soát được nếu có sự thống nhất về nhận thức và cùng vượt qua thách thức./.