Cuộc thi Hoa hậu Chuyển giới Việt Nam 2023 phớt lờ yêu cầu của cơ quan chức năng Quảng Nam: Liên tiếp phát hiện cá chết hàng loạt trên sông, cơ quan chức năng vào cuộc |
Thấy gì từ những con số “biết nói”?
Liên quan đến phản ánh của hàng trăm hộ dân xã An Tân, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình về việc khoảng 170ha lúa, hoa màu bị chết trắng hàng loạt, không thể cho thu hoạch, dư luận đang đặt ra câu hỏi liệu nguyên nhân có phải do đất bị nhiễm mặn hay không?
Sau khi có phản ánh của báo chí về những bức xúc của người dân trước việc chính quyền địa phương vào cuộc chậm trễ và không có giải pháp khuyến cáo cụ thể, Trung tâm Quan trắc tài nguyên và Môi trường thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Bình đã xuống thực địa, lấy 7 mẫu nước mặt (5 mẫu tại xã An Tân và 2 mẫu ở xã Hồng Dũng) để phân tích. Kết quả cho thấy, trong các thông số phân tích nổi lên chỉ số Clo có mức cao đột biến.
Trong đó, mẫu nước mặt lấy tại sông Đặc 7, thôn Tân Trường, xã An Tân có kết quả phân tích thấp nhất, nhưng chỉ số Clo cũng hơn 1.240mg/l. Còn mẫu nước mặt lấy tại sông Chung Thủy Nông, thôn Tân Dũng, xã An Tân, có kết quả phân tích cao nhất là hơn 2.481mg/l.
Theo các chuyên gia đánh giá, trong nước biển có thành phần Clo và Natri. Với những chỉ số Clo cao “bất thường” nêu trên thì khả năng cao là có một lượng muối biển nhất định trong nước.
Nhìn vào kết quả thông số phân tích Clo trong các mẫu nước nói trên, một chuyên gia thổ nhưỡng nông hóa cho biết: “Cần nghiên cứu tại sao nồng độ Clo lại cao như thế và nguồn ở đâu ra”. “Clo vượt ngưỡng là ở nước biển ra. Chỉ có nước biển mới có Clo thôi”, vị này khẳng định.
Một chuyên gia khác trong lĩnh vực đo lường chất lượng cũng tỏ ra bất ngờ, khi nhìn vào kết quả của việc phân tích mẫu nước tại xã An Tân. Vị này cho hay: “Nếu nồng độ Clo hơn 2.481mg/l, thì cái này có nước biển rồi. Bình thường Clo chỉ có hàng trăm thôi”.
Hơn trăm hec ta lúa, hoa màu của người dân xã An Tân bị chết, không được thu hoạch |
Theo phân tích, trường hợp đất canh tác bị nhiễm mặn do nước biển, thì cây lúa và hoa màu không thể sinh trưởng và phát triển được như bình thường. Trao đổi với Vuasanca , ông PGS.TS Mai Văn Trịnh – Viện trưởng Viện Môi trường nông nghiệp (Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam) cho biết: “Nếu đất bị xâm nhập mặn, tức nồng độ muối bên ngoài cao nó sẽ hút nước trong thân cây lúa ra, làm cây bị mất nước và chết. Đấy là thẩm thấu ngược”.
Theo phân tích của PGS.TS Mai Văn Trịnh, nếu rễ cây lúa có nhiều muối thì các tế bào mô, tế bào rễ không hoạt động được và chết. Bởi vậy, quá trình hút chất dinh dưỡng của cây trồng cũng không diễn ra được. “Nếu nhiễm mặn, cây trồng không hút được nước ngọt sẽ chết. Quá trình thoát hơi nước của cây lúa diễn ra cả ngày và nhu cầu nước của cây lúa rất lớn. Nếu sản xuất 1kg lúa cần phải có 3,5 khối nước, nếu không có nước thì cây lúa sẽ ngừng phát triển và chết”, PGS.TS Mai Văn Trịnh khẳng định.
Việc hơn trăm hec ta đất của người dân xã An Tân đang canh tác liệu có bị nhiễm mặn hay không, vẫn cần câu trả lời cuối cùng từ cơ quan chức năng. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là hàng nghìn hộ dân vẫn đang phải mòn mỏi chờ đợi, vì hiện không thể canh tác. Trong khi, vụ chiêm xuân đã mất mùa, còn vụ mùa đã đến.
Có thể xử lý đất nhiễm mặn bằng phương pháp thủy lợi
Trước thực trạng của người dân xã An Tân đang phản ánh việc cánh đồng hơn 100ha bị nhiễm mặn, PGS.TS Mai Văn Trịnh cho rằng, tùy thuộc mức độ nhiễm mặn của đất. Nếu nước biển vào một lần thì cũng không đáng ngại, nhưng nếu hàm lượng muối cao nó sẽ tiếp tục gây mặn.
“Bây giờ phải kiểm tra nồng độ mặn trong đất là bao nhiêu, nếu dưới ngưỡng cho phép thì mình vẫn canh tác bình thường, còn nếu trên thì phải cải tạo bằng cách thau chua rửa mặn”, ông Trịnh đưa ra nhận định.
Theo quy trình xử lý đất nhiễm mặn bằng phương pháp thủy lợi, trước hết phải lấy nước sạch vào ruộng nhiễm mặn cho ngập và ngâm trong vòng một tuần rồi rút sạch nước đi. Sau đó, tiếp tục cho nước sạch vào ngâm, rửa đến lúc nào hàm lượng muối xuống thấp đạt ngưỡng cho phép, thì có thể canh tác bình thường.
Kết quả phân tích 7 mẫu nước mặt nghi bị nhiễm mặn cho thấy, chỉ số Clo cao bất thường |
Cùng quan điểm với PGS.TS Mai Văn Trịnh, các chuyên gia đều cho rằng, nếu đất bị nhiễm mặn thì cần áp dụng mô hình, biện pháp thủy lợi để xử lý theo quy trình, còn việc cải tạo đất… “hơi khó”. Nếu rải vôi thì cũng chỉ là biện pháp làm giảm tính phèn, chua (kiềm) của đất.
Liên quan đến vụ việc trên, người dân của xã An Tân cho rằng, các cơ quan chức năng của huyện và tỉnh Thái Bình cần có những đánh giá tổng thể về thực trạng và khuyến cáo các giải pháp cụ thể để người dân yên tâm sản xuất. Đồng thời, cơ quan chức năng cần làm rõ có hay không việc cán bộ hợp tác xã “lấy nhầm” nước biển xả trực tiếp vào nội đồng.
“Bình thường trong thủy nông người ta đã có quy định luôn luôn phải kiểm tra hàm lượng muối trong nước trên bốn phần nghìn thì phải đóng cống lại, không được cho nước vào. Ngoài ra, khi thủy triều lên thì sợ nước mặn vào, bởi vậy người ta phải canh chừng thủy triều lên theo từng đợt một. Nếu để nước biển vào như vậy thì nhiễm mặn, sẽ gây hại cho cây trồng”, theo PGS.TS Mai Văn Trịnh đánh giá.
Đề nghị UBND tỉnh Thái Bình cần có những chỉ đạo quyết liệt tới các Sở ban, ngành sớm có những giải pháp cụ thể để người dân yên tâm sản xuất. Đồng thời, xử lý nghiêm cán bộ sai phạm (nếu có), không để tái diễn sự việc.