Theo Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) vừa cập nhật nhanh về tình hình thiệt hại thiên tai do bão và mưa lũ đến 11h30 ngày 9/9. Tổng số có 59 người chết và mất tích do bão và mưa lũ. Trong đó, do bão người; sạt lở đất, lũ quét 44 người; do lũ cuốn 6 người.
Quảng Ninh, một trong những địa phương thiệt hại nặng nề nhất do bão Yagi quyết định không nhận hỗ trợ 100 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương để nhường cho tỉnh khác. |
Với tốc độ di chuyển nhanh và sức gió mạnh lên từng giờ, bão Yagi đã quét qua các tỉnh phía Bắc và Trung Bộ với quỹ đạo di chuyển từ Đông Nam sang Tây Bắc. Các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa hứng chịu những đợt gió giật mạnh, sóng lớn, làm hư hại nặng nề nhà cửa, cơ sở hạ tầng và gây ra thiệt hại lớn về người.
Hàng nghìn ngôi nhà bị phá hủy, cây cối đổ ngã, đường sá bị hư hỏng nặng nề. Không những vậy, siêu bão cấp 3 còn gây ra lũ lụt, sạt lở đất, cướp đi sinh mạng của nhiều người và khiến hàng nghìn người khác phải sơ tán.
Cơn bão Yagi đã biến nhiều con đường thành những bãi chiến trường với hàng loạt cây xanh đổ ngã. Những thân cây khổng lồ nằm chắn ngang đường, cản trở giao thông và gây nguy hiểm cho người đi đường. Nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng đã xảy ra do người dân không kịp tránh những cành cây đổ.
Các chiến sĩ Bộ Tư lệnh Thủ đô hỗ trợ người dân dọn dẹp cây cối sau bão - (Ảnh: Thành đoàn Hà Nội) |
Trước tình hình khó khăn do bão Yagi gây ra, tinh thần tương thân tương ái của người dân cả nước một lần nữa được thể hiện rõ nét hơn.
Điển hình trong đóp, ngày 8/9, Tỉnh đoàn Thừa Thiên Huế đã chủ động phối hợp với Đại học Huế để huy động sinh viên tình nguyện đến hỗ trợ các tỉnh thành bị thiệt hại nặng nề như Hải Phòng và Quảng Ninh.
Tại Hà Nội, đã có hơn 500 đội "Thanh niên tình nguyện xung kích" đang tham gia ứng phó, hỗ trợ khắc phục hậu quả do bão số 3 (Yagi) gây ra.
Tại Thái Bình, hơn 200 sinh viên đến từ các trường đại học, cao đẳng sẵn sàng “xắn áo lội ruộng” giúp người dân khắc phục hậu quả.
Các tình nguyện viên tham gia cứu lúa tại huyện Hưng Hà (tỉnh Thái Bình) - (Ảnh: Tỉnh đoàn Thái Bình) |
Trong tinh thần tương thân tương ái, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã có một hành động vô cùng ý nghĩa khi hỗ trợ vé tàu khứ hồi miễn phí cho các tình nguyện viên từ Thừa Thiên Huế ra các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng để tham gia công tác cứu trợ sau bão Yagi. Cụ thể, 100 tình nguyện viên đầu tiên sẽ khởi hành bằng tàu SE4 từ ga Huế đến các vùng bị ảnh hưởng. Với sự hỗ trợ này, công tác cứu trợ sẽ được đẩy nhanh, góp phần giảm nhẹ khó khăn cho người dân.
Nhiều nhóm tình nguyện viên đến từ các trường đại học trên cả nước, các tổ chức phi chính phủ đã không quản ngại khó khăn, đường sá xa xôi để trực tiếp tham gia vào công tác cứu trợ. Các hoạt động cứu trợ diễn ra sôi nổi với nhiều hình thức đa dạng. Từ việc quyên góp quần áo, thực phẩm, tiền mặt đã được phát động rộng rãi. Nhiều điểm quyên góp được lập ra tại các trường học, bệnh viện, chợ, siêu thị…
Hình ảnh những đoàn xe chở hàng cứu trợ nối đuôi nhau vào các vùng bị ảnh hưởng, những nhóm tình nguyện viên miệt mài thu dọn hậu quả do bão dưới tình hình thời tiết nguy hiểm, những em học sinh quyên góp tiền ăn sáng để giúp đỡ bạn bè... sẽ góp phần làm ấm lòng người dân vùng bão.
Ngay sáng nay, ngày 9/9, đoàn tiền trạm 20 thành viên của nhóm Hội phản ứng nhanh PUN75 của Huế đã tới TP. Hải Phòng. Khi đến nơi, đoàn họp nhanh với Thành Đoàn Hải Phòng để triển khai các công việc tại hiện trường. Từ hơn 10h ngày 9/9, các thành viên của PNU75 đã bắt tay ngay vào xử lý các hậu quả sau bão tại sân vận động Đồ Sơn. Nơi đây đang vô cùng nhếch nhác, cây cối đổ tứ tung. Dự kiến 15h30, 50 tình nguyện viên khác của nhóm sẽ lên tàu từ Huế ra Hải Phòng.
Cùng sáng ngày 9/9, hơn 35 thành viên nhóm Jungle Boss ở Quảng Bình lên đường thẳng tiến Hải Phòng để chung tay khắc phục hậu quả sau bão Yagi. Nhóm tập hợp người địa phương ở Phong Nha, Quảng Bình, làm trong công ty được đào tạo bài bản kỹ năng cứu hộ cứu nạn qua quá trình thám hiểm hang động. Họ mang theo trang thiết bị an toàn và leo trèo chuyên dụng trong trường hợp cần dùng đến.
Anh Dũng, thành viên của nhóm cho biết, nhiệm vụ của nhóm các ngày tới chủ yếu là dọn dẹp cây cối, sửa chữa lại các trường học hoặc bệnh viện bị bão làm hư hỏng. "Hỗ trợ bà con miền Bắc cũng là tinh thần tương trợ và cũng là nghĩa tình lúc hoạn nạn có nhau", anh Dũng nói.
Xe tiền trạm của Hội phản ứng nhanh PUN75 đã đến Hải Phòng sáng 9/9. Ảnh: Hội phản ứng nhanh PUN75 |
Bên cạnh các hoạt động tự phát, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã lên tiếng kêu gọi người dân, doanh nghiệp, cơ quan, địa phương không bị thiệt hại hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, cơ quan, địa phương bị thiệt hại, ảnh hưởng bởi bão số 3, trên tinh thần "Lá lành đùm lá rách, lá rách đùm lá rách hơn".
Tại TP. Hồ Chí Minh, Công ty TNHH Công viên cây xanh đã thành lập đội ngũ 48 người bao gồm 46 công nhân leo và 2 cán bộ được chia làm hai mũi gồm 20 người đến Hà Nội và 28 người đến Hải Phòng để tiếp sức khắc phục, giải tỏa cây đổ, cành gãy sau cơn bão số 3.
Ngoài ra, dù bị bão số 3 tàn phá nặng nề, tuy nhiên lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đã đề nghị không nhận hỗ trợ 100 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương để nhường cho tỉnh khác khó khăn và thiệt hại hơn.
Trước những khó khăn chung cho cơn bão Yagi gây ra, cả nước như một khối đoàn kết, cùng hướng về các vùng bị ảnh hưởng.
Từ các tổ chức, doanh nghiệp lớn đến những cá nhân nhỏ bé, tất cả đều chung tay góp sức hướng về vùng tâm bão đã thể hiện rõ tinh thần tương thân tương ái của người Việt. Những việc làm nghĩa tình ấy thể hiện tinh thần đoàn kết, lòng nhân ái, tình yêu thương con người gắn với yêu quê hương, đất nước.