Hệ thống phòng không quân sự được nâng cấp sâu này đã trở thành mối nguy thực sự đối với các máy bay không người lái hiện đại và cỡ nhỏ, cũng như đối với những tên lửa hệ thống phóng loạt. Đây là những mục tiêu khó phát hiện và bắn trúng kịp thời nhất.
Phiên bản đầu tiên của tổ hợp Pantsir-SM được hoàn thành chế tạo vào năm 1994. Năm 2012, nó được đưa vào biên chế trong quân đội với tên gọi là “Pantsir-S1”. Vậy tổ hợp này có các tính năng và thế mạnh gì?
Thế hệ mới của tổ hợp Pantsir-SM phát hiện tất cả các máy bay tàng hình đang bay và có khả năng tiêu diệt bất kỳ máy bay không người lái nào. Ảnh do Bộ Quốc phòng Nga công bố |
Trước hết, đây là loại vũ khí trang bị tên lửa và pháo kết hợp. Nó tạo ra một vùng hủy diệt hoàn toàn ở khoảng cách lên đến 20km và độ cao lên đến 15km. Hơn nữa, tổ hợp bắt đầu tiêu diệt các mục tiêu thực tế từ mặt đất và trong phạm vi 200m. Điều này giúp nó có thể bắn phá không chỉ các mục tiêu trên không, mà còn cả những mục tiêu nằm trên mặt đất và nổi trên mặt nước.
Vũ khí trang bị pháo bao gồm 4 khẩu pháo bắn nhanh tự động 2A38M cỡ nòng 30mm, được coi là tốt nhất thế giới trong cùng chủng loại. Tốc độ bắn đạt 5.000 quả đạn mỗi phút, cơ số đạn là 1.400 quả.
Theo các chuyên gia, tên lửa siêu thanh dẫn đường phòng không cũng là một trong những loại tên lửa cùng hạng tốt nhất trên thế giới. Nó có khả năng cơ động cao, tốc độ bay đạt 1.300 m/giây. Tầng trên cỡ nòng lớn được bắn đi ngay sau khi phóng, cỡ nòng tên lửa được làm nhỏ đi đáng kể giúp giảm bớt tổn thất do lực cản khí động học, đảm bảo duy trì tốc độ cao trong suốt quá trình bay. Khối lượng của đầu đạn là 16kg. Tất cả các biến thể của tổ hợp Pantsir-SM đều được lắp đặt 12 tên lửa trong các thùng chứa vận chuyển và phóng.
Hệ thống điều khiển hỏa lực bao gồm một radar phát hiện hiện đại, được xây dựng trên cơ sở mảng ăng ten phân kỳ, và một radar theo dõi. Các radar này vừa theo dõi mục tiêu cần đánh chặn, vừa giám sát tên lửa do tổ hợp phóng đi. Ngoài những radar, hệ thống điều khiển hỏa lực còn có một tổ hợp quang – điện tử.
Khoảng thời gian giữa các lần phóng tên lửa và đánh chặn những mục tiêu mới của Pantsir chỉ trong 1,5 giây. Đây được coi là kỷ lục thế giới có một không hai.
Kíp điều khiển tổ hợp phức tạp nhất này chỉ có 3 người, trong khi thời gian triển khai tổ hợp là 5 phút.
Tổ hợp cơ động tên lửa - pháo phòng không Pantsir-SM lần đầu tiên được giới thiệu tại Diễn đàn kỹ thuật quân sự quốc tế “Army-2019”. Ảnh: Ilya Maksimov / RG |
Các mô đun pháo – tên lửa có thể được lắp đặt trên hầu hết mọi khung gầm của phương tiện di chuyển, bao gồm bánh lốp, bánh xích, khung gầm được thiết kế đặc biệt, cũng như trên boong tàu nổi và trên mái của các tòa nhà.
Có thể khẳng định rằng, hiện nay hầu như chưa có phương tiện tấn công đường không nào có thể xuyên thủng hệ thống phòng thủ của Pantsir.
Những bức ảnh do Bộ Quốc phòng Nga công bố cho thấy rõ các hệ thống radar mới. Chính chúng đã giúp cho tổ hợp Pantsir-SM có những đặc tính mới về chất lượng. Ngoài ra, Nga còn có kế hoạch cải tiến thành phần tên lửa của tổ hợp này.
Các nguồn tin cho biết, tổ hợp Pantsir-SM có khả năng phát hiện và tiêu diệt thậm chí tất cả các loại phương tiện tấn công đường không trong tương lai, trước hết là vũ khí chính xác cao với tốc độ bay lên đến 1.000 m/giây.
Các radar độ nhạy cao nhìn thấy những vật thể bay có bề mặt phản xạ hiệu quả tối thiểu, chỉ 0,03m2 ở khoảng cách hàng chục km. Xác suất tiêu diệt máy bay không người lái tàng hình nhất hoặc tên lửa cỡ lớn, giả định như hệ thống Smerch chẳng hạn, là 0,7 cho một quả tên lửa. Trong khi đó, mục tiêu như đầu đạn tên lửa Tochka-U được coi là “con mồi” khá dễ dàng đối với Pantsir-SM.
Tại Diễn đàn kỹ thuật quân sự “Army” mới đây, các nhà chế tạo tổ hợp Pantsir-SM cho biết, họ đã phát triển một biến thể tăng cường khả năng phòng thủ tên lửa ở tầm ngắn.
Những biến thể mới nhất của tổ hợp Pantsir-SM sẽ được trang bị đầy đủ các loại tên lửa nhỏ có tầm bắn lên tới 7km. Chúng được thiết kế để chống lại máy bay không người lái cảm tử kích thước nhỏ, trong đó có máy bay không người lái tốc độ thấp và bay do thám.
Trong trường hợp có nguy cơ sử dụng ồ ạt các máy bay không người lái gây nguy hiểm như vậy, cơ số tên lửa của một bệ phóng tổ hợp Pantsir-SM có thể tăng lên đến 48 quả.