Nông dân vùng núi phía Bắc còn nhận thức yếu về tác động của biến đổi khí hậu |
Từ năm 2012, FAO và Quỹ Phát triển nông nghiệp quốc tế (IFAD) đã đồng tài trợ Dự án Thiết kế và Thực thi các tiếp cận chính sách vì người nghèo nông thôn để giải quyết các vấn đề rủi ro và dễ bị tổn thương ở cấp quốc gia cho 4 nước: Campuchia, Lào, Nepal và Việt Nam.
Trong đó, IFAD tài trợ 1,5 triệu USD, FAO tài trợ 458.000 USD, vốn đối ứng các nước là 200.000 USD/nước nhằm mục đích phát triển các giải pháp chính sách hỗ trợ người nghèo và các hộ nông dân nhỏ trong việc quản lý rủi ro và tính dễ bị tổn thương. Đặc biệt liên quan đến vấn đề rủi ro hội nhập thị trường và biến đổi khí hậu.
Tại Việt Nam, dự án tập chung nghiên cứu 3 vấn đề: Các chính sách đánh giá tác động rủi ro khí hậu và tính dễ bị tổn thương tại một số tỉnh miền núi phía Bắc; đối tác công – tư cho sự phát triển bền vững của nông nghiệp Việt Nam; nghiên cứu thí điểm về chính sách phát triển tổ hợp tác trong thương mại hóa nông nghiệp của Việt Nam – trường hợp ngành lúa gạo ở tỉnh Thái Bình.
Dự án cũng đã hỗ trợ trong việc tăng cường năng lực cho hàng trăm lượt cán bộ ở trung ương và địa phương tham dự các lớp tập huấn về phân tích, xây dựng chính sách… ở cả trong nước và tham gia các hội nghị tập huấn trong khu vực.
Tại hội nghị, nhiều khuyến nghị và thông điệp chính sách, các thông tin, kinh nghiệm và bài học từ dự án đã được chia sẻ với các bên liên quan và các đối tác phát triển.
Theo ông Trần Văn Thể - Viện Môi trường và Nông nghiệp, một số tỉnh miền núi phía Bắc có hơn 83% dân số dựa vào nông nghiệp và đang gặp phải thách thức về sinh kế, xóa đói giảm nghèo nhưng còn hạn chế về chính sách hỗ trợ cho ứng phó biến đổi khí hậu. Bởi vậy, ông Thế đề xuất cần cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, mở rộng hệ thống cung cấp nước cho nông dân ở các vùng xa và hẻo lánh.
Bên cạnh đó, cần lượng hóa thiệt hại kinh tế về sinh thái, môi trường do tác động biến đổi khí hậu, mở rộng ưu tiên triển khai các chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu cấp quốc gia cho vùng miền núi.
Đồng thời, phát triển các chương trình, dự án đặc thù cho miền núi ứng phó với các hiện tượng thời tiết đặc thù (rét hại, rét đậm, khô hạn) để đảm bảo an ninh lương thực tại chỗ, phát triển và đa dạng sinh kế cho nông dân vùng cao.
Các đại biểu tham gia hội thảo cũng đã thảo luận phương thức để đưa kết quả dự án đến với nhiều người hơn nữa; đồng thời nhân rộng các mô hình thí điểm đã thành công cũng như đưa ra các đề xuất để tiếp tục duy trì sự bền vững của dự án.