Hòa Bình: Tăng cường truyền thông tiết kiệm điện, chương trình DR Hòa Bình: Người phụ nữ Mường mang rau rừng về trồng, thu tiền tỷ mỗi năm |
Hỗ trợ mở rộng sản xuất, tăng doanh thu
Hòa Bình hiện có khoảng 6.600 cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, trong đó khoảng hơn 500 doanh nghiệp sản xuất. Lực lượng này đang góp phần quan trọng trong thúc đẩy tăng trưởng công nghiệp của địa phương.
Theo đánh giá từ Sở Công Thương Hòa Bình, từ đầu năm tới nay các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận vốn, lãi suất ngân hàng và chi phí đầu vào vẫn ở mức cao, đặc biệt là các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đang đối mặt nhiều thách thức do thiếu đơn hàng, khả năng hấp thụ vốn đã bắt đầu giảm. Trong khi đó, sức mua trong nước dù đã khôi phục nhưng vẫn còn yếu, chưa kích thích sản xuất, đầu tư và tiêu dùng, hoạt động mua hàng trở lại giảm.
Đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất tấm lợp tôn” triển khai tại Hộ kinh doanh Nguyễn Quốc Huy. Ảnh: Hoàng Dương |
Hiểu được những khó khăn của các cơ sở công nghiệp, từ đầu năm, Sở Công Thương Hòa Bình đã tập trung khảo sát các cơ sở có nhu cầu; tuyên truyền mạnh mẽ lợi ích của chương trình khuyến công… từ đó hỗ trợ xây dựng đề án, thụ hưởng chính sách.
Theo đó, Sở Công Thương đã tổ chức thẩm định 6 đề án khuyến công địa phương, gồm: Đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất đồ uống”; đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào chế biến nông, thủy sản”; đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào chế biến dược liệu”; đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào chế biến thảo mộc”; đề án “Thông tin tuyên truyền hoạt động khuyến công” và đề án “Tổ chức bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2024”. Các đề án được nhận xét, đánh giá cụ thể nhằm đảm bảo tính khả thi và hiệu quả như mong muốn.
Không chỉ năm 2024, nhiều năm qua khuyến công luôn được ghi nhận là chương trình hữu hiệu hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp, nhất là công nghiệp nông thôn phát triển sản xuất, tăng doanh thu và lợi nhuận.
Đơn cử năm 2023, Hòa Bình đã hỗ trợ ứng dụng máy móc tiến trong sản xuất cho 15 cơ sở, tổng kinh phí 4.350 triệu đồng. Các đề án được triển khai giúp doanh nghiệp, cơ sở ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, có những mô hình mang lại hiệu quả cao về kinh tế và xã hội. Mức doanh thu sau khi được kinh phí khuyến công hỗ trợ tăng trung bình khoảng 20%.
Tiếp tục đồng hành gỡ khó
Sang nửa cuối năm, tình hình thị trường có khởi sắc, sản xuất của các doanh nghiệp công nghiệp “dễ thở” hơn, tuy nhiên chi phí đầu vào chưa hạ nhiệt, thậm chí có khả năng tăng. Bản thân năng lực tài chính, nhân lực, quản trị của nhiều doanh nghiệp công nghiệp, nhất là doanh nghiệp công nghiệp nông thôn còn rất hạn chế, ảnh hưởng đến việc tiếp nhận chính sách hỗ trợ, cũng như khả năng tận dụng cơ hội thị trường.
Nhằm tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, Sở Công Thương Hòa Bình tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra, giám sát và kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, để các cơ sở công nghiệp sử dụng nguồn kinh phí hỗ trợ đúng mục đích, chế độ chính sách cũng như các quy định khác về quản lý hoạt động khuyến công.
Chú trọng hỗ trợ phát triển các ngành và sản phẩm công nghiệp ưu tiên làm nền tảng cho hiện đại hóa nông thôn, có giá trị gia tăng cao, giá trị xuất khẩu lớn; gắn kết sản xuất với phát triển dịch vụ công nghiệp. Hỗ trợ có hiệu quả công nghiệp chế tạo, công nghiệp phục vụ nông nghiệp, nông thôn, nhất là công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản.
Rà soát lại cơ chế, chính sách đã ban hành để điều chỉnh bổ sung hoàn thiện cho phù hợp với thực tế của địa phương và phù hợp với các văn bản hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương.
Ưu tiên hỗ trợ các cơ sở trong lĩnh vực ngành nghề có thế mạnh của địa phương như chế biến nông, lâm, thủy sản, chế biến dược liệu... Khuyến khích hỗ trợ kinh phí cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và đổi mới công nghệ vào sản xuất.
Để chính sách khuyến công tác động hiệu quả hơn nữa đến các cơ sở công nghiệp trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, Sở Công Thương tỉnh Hòa Bình kiến nghị, Bộ Công Thương đề xuất Chính phủ quy định các khoản hỗ trợ mà doanh nghiệp nhận được hỗ trợ từ ngân sách nhà nước như kinh phí hỗ trợ khuyến công là khoản thu nhập được miễn thuế.
Quan tâm ưu tiên bố trí kinh phí khuyến công quốc gia cho các tỉnh miền núi nói chung và tỉnh Hòa Bình nói riêng, phê duyệt và bổ sung thêm các đề án khuyến công hàng năm do Sở Công Thương Hòa Bình đề xuất. Xem xét tăng định mức hỗ trợ kinh phí cho phù hợp với tình hình phát triển kinh tế hiện nay để khuyến khích các cơ sở công nghiệp bỏ vốn đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.