Khách Tây trong “tua” khám phá Vườn quốc gia Tràm Chim (Đồng Tháp).
CôngThương - Như dòng Mêkông đã “hoá rồng” khi vào Việt Nam, du lịch các nước ven sông Mêkông hẳn cũng muốn “hoá rồng” khi chọn điểm hò hẹn là Việt Nam. Đó là cơ hội và cũng là trách nhiệm để du lịch Việt Nam “hoá rồng”.
Ngày 13.9, tại TPHCM, bộ trưởng du lịch 4 nước Campuchia, Lào, Myanmar, Việt Nam (CLMV) phối hợp cùng Ban Chỉ đạo Diễn đàn Hợp tác kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long (MDEC), Trung tâm Nghiên cứu đầu tư nước ngoài cùng hơn 200 đại biểu đại diện các bộ, ngành, địa phương, cơ quan ngoại giao, các chủ dự án đến từ các nước trong khu vực đã tham dự Hội nghị Xúc tiến đầu tư du lịch quốc tế “Bốn quốc gia – một điểm đến”. Hội nghị nhằm triển khai Tuyên bố chung về hợp tác du lịch giữa 4 nước, đồng thời giới thiệu các dự án phát triển du lịch và bàn giải pháp để cùng “hoá rồng” ngành du lịch của 4 quốc gia tiểu vùng sông Mêkông.
Du lịch sông nước đặc trưng ở Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Kỳ Quan |
Hợp sức khai thác tiềm năng du lịch
Theo dự báo gần đây của Tổ chức Du lịch thế giới, dòng khách du lịch trên toàn cầu đang có xu hướng thay đổi cơ bản, chuyển dần sang khu vực Đông Á - Thái Bình Dương và Đông Nam Á. Trong năm 2010, Đông Á - Thái Bình Dương đã vượt Châu Mỹ trở thành khu vực đứng thứ 2 thế giới sau Châu Âu về đón khách du lịch quốc tế với 22% thị phần. Trong đó, du lịch các nước Đông Nam Á giữ vai trò quan trọng trong khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, hiện chiếm 36% lượng khách và 38% thu nhập du lịch toàn khu vực. Dự báo đến năm 2020, Đông Nam Á đón 125 triệu du khách quốc tế, với mức tăng trưởng bình quân giai đoạn 2010 - 2020 là 6%, cao hơn mức bình quân thế giới. Bên cạnh đó, Hội đồng lữ hành và du lịch thế giới cũng đã thống kê, năm 2010 doanh thu du lịch khu vực sông Mêkông ước đạt 22,1 tỉ USD.
Theo ông Hoàng Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Việt Nam, năm 2010, 4 nước CLMV đã đón được gần 11 triệu lượt khách, tăng gần 25% so với năm trước. Với cam kết của các bộ trưởng về hợp tác du lịch 4 nước có thể khẳng định, hướng tới việc quảng bá 4 nước như là một điểm đến chung, đa dạng và có sức hấp dẫn đối với du khách sẽ là tiền đề tăng cường sự hợp tác phát triển nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh du lịch của mỗi nước thuộc Tiểu vùng sông Mêkông.
Còn ông Thong Khon - Bộ trưởng Bộ Du lịch Campuchia - cho biết, năm 2010 Campuchia đã đón 2,5 triệu lượt du khách quốc tế, tăng 16% so với năm trước, dẫn đầu là du khách từ Việt Nam. Năm 2011, Campuchia dự kiến thu hút 2,7 triệu lượt khách quốc tế và con số này sẽ tăng lên 4,5 triệu vào năm 2015.
Trong khi đó, Việt Nam đang có kế hoạch phát triển hơn 30 điểm du lịch quốc gia, 10 địa phương chuyên về hoạt động du lịch và nâng số khách vào năm 2020 lên 10 triệu lượt khách quốc tế, 47 triệu khách nội địa so với 5 triệu khách quốc tế và 28 triệu lượt khách nội địa đạt được trong năm 2010.
Đại sứ Vang Rattanavong - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Lào - cũng cho biết, hiện Lào có tổng cộng 1.493 điểm du lịch được quy hoạch, trong đó có 435 điểm du lịch văn hóa, 849 điểm du lịch tự nhiên và 209 điểm du lịch lịch sử.
Theo Bộ Du lịch và khách sạn Myanmar, năm 2010 du lịch nước này đạt 254 triệu USD tổng thu nhập, tăng 58 triệu USD so với năm 2009.
Tăng cường đầu tư và kết hợp điểm đến
Tuy nhiên, để “hóa rồng” ngành du lịch 4 nước, vấn đề chính sách, cơ chế phối hợp giữa các nước để tạo sự thuận lợi cho du khách thu hút ý kiến đề xuất nhiều nhất. Theo đó, cần nới lỏng chính sách visa, đặc biệt là đối với các nước có thị trường nguồn. Một trong những giải pháp hiệu quả là thực hiện việc cấp visa chung (1 visa có thể đi 4 nước) theo mô hình các nước Châu Âu trong cộng đồng Schengen. Nếu làm được điều này, khả năng thu hút khách du lịch đến 4 nước sẽ gia tăng rất khả quan.
Mặt khác, vấn đề liên kết giao thông để tăng cường khách du lịch giữa các nước cũng được đề ra. Ông Nguyễn Thượng Hoàng Hải - Trưởng ban Tiếp thị và bán sản phẩm Vietnam Airlines - cho rằng: “Các tour du lịch kết hợp các điểm đến giữa các quốc gia đã và đang là thế mạnh đặc biệt của CLMV. Phân tích gần đây của Vietnam Airlines cho thấy, cứ 10 khách quốc tế đến Việt Nam thì có 4 khách đi kết hợp điểm đến, trong đó 3 khách đi kết hợp với điểm đến Lào, Campuchia hoặc Myanmar. Xu hướng này vẫn đang tiếp tục gia tăng”.
Không chỉ phát triển liên kết giao thông đường hàng không, vấn đề đầu tư phát triển cảng biển cũng được đề cập. Ông Vương Đình Lam - Giám đốc phụ trách hàng hải Trung tâm Nghiên cứu đầu tư nước ngoài - cho biết: “Việt Nam có bờ biển dài 3.260km, có nhiều điều kiện để phát triển cảng biển - đặc biệt là phát triển các cảng tàu khách du lịch. Tuy nhiên, Việt Nam chưa có tuyến hàng hải trên biển nối giữa các vùng miền và liên kết với các nước khu vực. Nước ta cũng chưa có đội tàu khách cỡ lớn và chưa có một cảng tàu khách để tiếp nhận tàu lớn. Quy hoạch cảng tàu biển và quy hoạch phát triển du lịch chưa đề cập đến tầm quan trọng của tuyến tàu khách. Chính phủ và các ngành liên quan cần có chính sách ưu tiên cho phát triển cảng hành khách ở cả 3 miền Bắc - Trung - Nam”.
Đại sứ Vang Rattanavong - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Lào: Hiện Lào có trên 1.028 điểm du lịch đang chờ đầu tư để phát triển cơ sở hạ tầng và dịch vụ. Đầu tư trong lĩnh vực du lịch được cho phép tới 100% sở hữu trong lĩnh vực khách sạn và nhà hàng. Đầu tư nước ngoài đối với các DN du lịch tối thiểu là 30%, tối đa 70% cổ phần. Tốc độ tăng trưởng du lịch bình quân trong 20 năm qua là 29%/năm. Năm 2010, Lào đã đón 2,5 triệu khách và hy vọng đạt 3,5 triệu khách vào năm 2020. Ông Thong Khon - Bộ trưởng Bộ Du lịch Campuchia: Liên kết du lịch giữa các nước trong khu vực đang ngày càng phát triển. Chỉ riêng các chuyến bay từ Việt Nam sang Campuchia đã 13 chuyến/ngày. Năm 2010, ngành du lịch Campuchia đón hơn 470.000 du khách Việt Nam, nhưng bảy tháng đầu năm 2011 đã đón hơn 360.000 lượt. |