Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc để phát triển doanh nghiệp nhà nước |
Hội nghị của Thủ tướng Chính phủ lần với doanh nghiệp toàn quốc lần này có chủ đề “Chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững”.
Để chuẩn bị Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chuẩn bị Báo cáo đánh giá tác động của tình hình kinh tế thế giới đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; khó khăn, thách thức, cơ hội và giải pháp của Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển bền vững; Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ để gửi cho Hội nghị tham gia; tổng hợp ý kiến, kiến nghị để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sau Hội nghị.
Đặc biệt Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ phương án tổ chức Hội nghị của Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp nước ngoài trước ngày 11/8/2022.
Thủ tướng cũng giao các bộ Tài chính, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Giao thông vận tải, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Công an, Quốc phòng; Ngân hàng Nhà nước; Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Ngân hàng Chính sách xã hội tham dự, chuẩn bị các nội dung phát biểu và giải đáp các kiến nghị của doanh nghiệp, Hiệp hội doanh nghiệp tại Hội nghị.
Đây là lần thứ ba trong vòng 1 năm qua Thủ tướng Chính phủ tổ chức hội nghị với cộng đồng doanh nghiệp cả nước.
Trước đó, ngày 26/9/2021, hội nghị của Thủ tướng với doanh nghiệp đã được tổ chức với chủ đề “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19”. Ngày 24/3/2022 cũng đã diễn ra hội nghị trực tuyến toàn quốc của Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp.
Theo Tổng cục Thống kê, cùng với sự phục hồi của nền kinh tế và những nỗ lực của Chính phủ trong việc ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tình hình đăng ký doanh nghiệp trong 7 tháng năm 2022 tiếp tục ghi nhận nhiều tín hiệu khởi sắc. Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong 7 tháng năm nay đạt 133,7 nghìn doanh nghiệp, tăng 26,8% so với cùng kỳ năm 2021 (vượt mốc 105,4 nghìn doanh nghiệp của năm 2021).
Hội nghị của Thủ tướng Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp tổ chức tháng 3/2021 |
Tuy nhiên, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tập trung chủ yếu là doanh nghiệp có quy mô nhỏ (từ 0-10 tỷ đồng) với 80,1 nghìn doanh nghiệp, chiếm 89,6% tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 20,2% so với cùng kỳ năm trước.
Sự gia tăng số lượng các doanh nghiệp có quy mô vốn nhỏ, một phần để tránh và giảm thiểu mức rủi ro thiệt hại do những hệ lụy từ dịch Covid-19 và từ cuộc khủng hoảng Nga – Ukraine. Mặt khác, việc huy động vốn vào thời điểm này là rất khó khăn.
Với nền kinh tế có độ mở lớn, những tác động từ tình hình kinh tế, chính trị thế giới đã và đang ảnh hưởng không nhỏ tới nền kinh tế Việt Nam. Các doanh nghiệp nước ta đang phải tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức như chuỗi cung ứng nguyên, nhiên, vật liệu dùng cho sản xuất gặp khó khăn; giá cả một số nguyên vật liệu, giá cước vận tải trên thị trường thế giới tăng sẽ ảnh hưởng lớn đến nhu cầu nguyên vật liệu trong nước; nguồn cung lao động bị ảnh hưởng nặng nề và có khả năng thiếu hụt tạm thời; doanh nghiệp cần có thời gian để phục hồi, kết nối các nguồn cung, cầu hàng hóa, dịch vụ, vốn, lao động, thị trường trở lại; nguy cơ lưu thông hàng hóa bị hạn chế do giãn cách xã hội, đặc biệt luồng thương mại quốc tế bị thu hẹp khi dịch Covid-19 với biến thể mới đang tái bùng phát diện rộng trên toàn thế giới.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên và lãnh đạo các Bộ, ngành thăm dây chuyển chế biến tại Trung tâm chế biến rau quả Doveco Sơn La của Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (Doveco) tại huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La |
Do đó, để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, Chính phủ cần có giải pháp trọng tâm kiên định với mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, nhưng không làm suy yếu các động lực tăng trưởng. Đồng thời tập trung một số giải pháp trọng tâm để hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp như bảo đam hoạt động lưu thông hàng hóa diễn ra bình thường, không bị đứt gãy, gián đoạn; tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu, hỗ trợ thuế, phí xuất khẩu.
Tiếp tục vận động người lao động quay lại làm việc góp phần vào quá trình phục hồi của kinh tế. Có các chính sách phù hợp để các tổ chức tín dụng tập trung vốn và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận vốn, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận gói hỗ trợ cho vay ưu đãi lãi suất 2% của nhà nước;
Triển khai nhanh các gói hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động trong “Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế” theo Nghị quyết 11/NĐ-CP của Chính phủ kịp thời và hiệu quả.