CôngThương - Theo báo cáo của Cục Điều tiết điện lực, sau 5 năm thực hiện, về cơ bản Luật Điện lực đã đảm bảo được sự quản lý thống nhất của nhà nước đối với hoạt động điện lực; đồng thời khuyến khích được các thành phần kinh tế trong và ngoài nước tham gia phát triển ngành điện. Tuy nhiên, Luật Điện lực đang bộc lộ những hạn chế nhất định và đặt ra những thách thức cho ngành điện trong thời gian tới.
Cụ thể, cơ chế chính sách về giá điện chưa phù hợp với hiện tại; đầu tư phát triển điện lực chưa thực sự khuyến khích được mọi thành phần kinh tế tham gia; Luật chưa quy định cụ thể cơ chế kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quy hoạch, đầu tư các dự án điện lực, các cơ chế thưởng - phạt về tiến độ và chất lượng đầu tư xây dựng các dự án nguồn và lưới điện nên hầu hết các dự án nguồn điện bị chậm tiến độ; Quy hoạch phát triển nguồn điện sử dụng các dạng năng lượng mới, tái tạo cũng chưa quy định rõ ràng.
Mặt khác, do áp dụng cơ chế chỉ định thầu, các Chủ đầu tư không phải cam kết, không áp dụng các chế tài xử lý như trong cơ chế đấu thầu nên hầu hết không thật sự nỗ lực thu xếp vốn, hoàn thiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư, thiết kế, mua sắm, xây lắp …. Do vậy hầu hết các dự án nguồn điện bị chậm tiến độ, tổng mức đầu tư không hợp lý, có nhiều khó khăn, phức tạp trong việc kiểm soát giá trị đầu tư, chất lượng của thiết bị công nghệ.
Việc thực hiện đầu tư lưới điện cũng gặp nhiều khó khăn về vốn. Việc đấu nối lưới điện truyền tải, phân phối còn nhiều bất cập trong việc ràng buộc trách nhiệm của đơn vị quản lý vận hành lưới điện và của khách hàng sử dụng lưới điện trong việc đảm bảo tiến độ đầu tư xây dựng để đấu nối.
Chính sách giá điện chưa thể hiện được cơ chế thị trường, vẫn thể hiện sự bù chéo giữa các nhóm đối tượng khách hàng sử dụng điện và giữa các vùng; chưa đảm bảo cho đơn vị điện lực thu hồi vốn đầu tư để phát triển bền vững; chưa khuyến khích được các thành phần kinh tế đầu tư phát triển nguồn điện; chưa thúc đẩy cá nhân, doanh nghiệp, cơ quan sử dụng điện tiết kiệm.
Để Luật Điện lực ngày càng phù hợp với tình hình mới, Bộ Công Thương đề nghị bổ sung một Chương hoặc một điều về khai thác và sử dụng năng lượng mới, tái tạo để phát điện; Đề nghị quy định cụ thể về quyền hạn, trách nhiệm trong việc thực hiện chủ trương, cơ chế kêu gọi các nguồn vốn khác; Bổ sung một số cơ chế, chính sách và các chế tài có liên quan đến việc huy động vốn, cho vay vốn, hợp đồng trong khâu đấu nối lưới điện và đền bù di dân, giải phóng mặt bằng hành lang tuyến. Xây dựng cơ chế áp dụng giá điện khác nhau đối với các địa bàn, khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội khác nhau; Quy định rõ cơ chế ưu đãi, hỗ trợ, bù đắp chênh lệch giá điện cho các nhà máy điện sử dụng năng lượng mới, tái tạo. Quy định cụ thể về giá bán lẻ điện ở vùng nông thôn, miền núi, hải đảo đã nối lưới hoặc chưa nối vào lưới điện quốc gia, bảo đảm cho các doanh nghiệp kinh doanh bền vững.
Ngày 22 và 24/6 tới, Hội nghị tổng kết thi hành Luật Điện lực sẽ tiếp tục được tổ chức tại Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh.