Hội Nhôm thanh định hình Việt Nam đại hội nhiệm kỳ 2024-2029
Kết quả tích cực
Ngành công nghiệp nhôm Việt Nam là một ngành công nghiệp cơ bản nhưng khá non trẻ với hơn 20 năm hình thành và phát triển. Trong 7 năm trở lại đây, ngành nhôm đã có những bước phát triển vượt bậc, số lượng nhà máy, quy mô và tổng sản lượng tăng gấp 2 lần với tổng sản lượng toàn ngành là 1,3 triệu tấn nhôm các loại.
Toàn cảnh hội nghị |
Đối với nhóm sản xuất nhôm định hình, có nhiều doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa 100% vốn trong nước được thành lập, dần hình thành nhóm doanh nghiệp có khả năng dẫn dắt thị trường. Sản phẩm được đầu tư cải tiến, chiếm lĩnh được thị trường trong nước, nhiều thương hiệu nhôm Việt đã khẳng định được uy tín thương hiệu với đối tác và người tiêu dùng. Các thương hiệu nhôm trẻ đang tiếp cận thị trường thế giới, khẳng định tên tuổi, vị thế vươn tầm quốc tế.
Theo đánh giá của Hội Nhôm thanh định hình Việt Nam, mặc dù được đánh giá là nước có trữ lượng bauxite lớn thứ 2 thế giới nhưng Việt Nam vẫn chưa sản xuất được nhôm nguyên liệu. Khoảng hơn 80% nguyên liệu của ngành nhôm trong nước vẫn đang phụ thuộc vào thị trường nhôm thế giới, một phần đến từ nhôm phế liệu trong quá trình sản xuất tiêu dùng ở thị trường trong nước.
Bên cạnh đó, chi phí đầu vào cho sản xuất liên tục tăng, trong khi mức tăng giá sản phẩm trên thị trường không đủ bù đắp chi phí đầu vào, gây khó khăn cho các nhà sản xuất. Các thị trường lớn như Mỹ, EU… liên tục dựng lên các rào cản thuế quan, phi thuế quan khiến doanh nghiệp Việt gặp nhiều khó khăn khi mở rộng thị trường xuất khẩu. Điển hình là 2 năm qua 2023 - 2024, Mỹ đã khởi xướng nhiều cuộc điều tra phòng vệ thương mại với ngành nhôm Việt Nam và khu vực châu Á. Chính sách bảo vệ môi trường, hạn chế phát thải khí nhà kính và giảm diện tích rừng liên tục được bổ sung, hàng loạt các tiêu chuẩn, sắc thuế được thiết lập khiến con đường xuất khẩu của nhôm Việt Nam bị co hẹp lại.
Mặc dù vậy, theo ông Nguyễn Minh Kế- Chủ tịch Hội Nhôm thanh định hình Việt Nam, trong nhiệm kỳ 2019-2024, Hội Nhôm thanh định hình Việt Nam đã được những kết quả tích cực, duy trì hoạt động ổn định của Văn phòng Hội tại Hà Nội; thành lập Văn phòng đại diện của Hội tại Thành phố Hồ Chí Minh. Công tác tuyên truyền chính sách pháp luật, triển khai xây dựng ngành nhôm phát triển, tuân thủ pháp luật, tạo dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, ổn định và đảm bảo lợi ích cho các nhà sản xuất chân chính.
Bên cạnh việc tham gia ý kiến góp ý cho các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, công tác kiến nghị đề xuất xây dựng các chính sách cho ngành nhôm được Hội quan tâm thực hiện, chủ yếu là các chính sách về phòng vệ thương mại: Chống bán phá giá đối với nhôm định hình xuất xứ từ Công hoà nhân dân Trung Hoa giai đoạn 2024-2029; phối hợp với Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) để hướng dẫn doanh nghiệp tham gia các vụ điều tra phòng vệ thương mại của Hoa Kỳ và nước ngoài đối với hàng hoá của Việt Nam.
Phát triển và xây dựng thương hiệu nhôm Việt Nam
Theo Hội Nhôm thanh định hình Việt Nam, mục tiêu nhiệm kỳ 2024-2029 là xây dựng và phát triển ngành nhôm thanh định hình Việt Nam nói riêng và nhôm Việt Nam nói chung, hướng đến mục tiêu các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh ổn định, hiệu quả, lành mạnh và tuân thủ pháp luật.
Đẩy mạnh phát triển và xây dựng thương hiệu nhôm Việt Nam. Ảnh: Nhôm Đô Thành |
Đẩy mạnh việc cải tiến sản xuất, đổi mới công nghệ, thúc đẩy mô hình quản lý số trong sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, gia tăng sức cạnh tranh của hàng hoá trên thị trường trong nước và xuất khẩu. Đồng thời, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hội đem lại các giá trị thiết thực cho hội viên, góp phần ổn định thị trường trong nước, hỗ trợ doanh nghiệp vươn ra mạnh mẽ trên thị trường quốc tế, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Ngoài ra, Hội tiếp tục tham gia đóng góp ý kiến xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, hiến kế cho Chính phủ, các bộ, ban, ngành để phát triển kinh tế - xã hội; kiến nghị những chính sách phù hợp với tình hình thực tiễn ngành nhôm nhằm bảo vệ nền sản xuất trong nước, ổn định thị trường, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, Hội cũng kiến nghị cấp có thẩm quyền giảm thuế xuất khẩu nhôm định hình từ 5% về 0% nhằm tạo sự thuận lợi, tăng sức cạnh tranh cho nhôm Việt Nam trên thị trường xuất khẩu. Đồng thời, theo dõi tình hình xuất nhập khẩu, tình hình thị trường trong nước, đặc biệt là các dấu hiệu trốn thuế, gian lận thương mại, lẩn tránh thuế chống bán phá giá nhôm để thông tin với các cơ quan chức năng có biện pháp ngăn chặn các hành vi gian lận nói trên, đảm bảo nguyên tắc vì lợi ích chung của doanh nghiệp và thị trường trong nước.
Một giải pháp quan trong được Hội tập trung triển khai là phát triển thị trường trong nước. Cụ thể, duy trì việc nghiên cứu, theo dõi diễn biến thị trường trong nước và biến động nguồn cung nguyên liệu để tổ chức các phiên thảo luận, trao đổi thông tin và định hướng thị trường cho các nhà sản xuất. Tăng cường kết nối các hội viên nhằm tạo dựng chuỗi liên kết các doanh nghiệp trong Hội và trong ngành nhôm để hợp tác sản xuất các sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường xuất khẩu.
Ông Nguyễn Minh Kế cho hay, Hội sẽ định hướng và hỗ trợ doanh nghiệp thành viên xúc tiến thương mại tìm kiếm thị trường xuất khẩu thông qua các tham tán thương mại của Việt Nam ở nước ngoài để thông tin cho các Hội viên về các chương trình xúc tiến thương mại, các triển lãm, hội chợ, hội nghị, hội thảo có liên quan đến ngành nhôm. Tăng cường cơ hội mở rộng thị trường, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm sản xuất.
Phối hợp với Cục Phòng vệ thương mại, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) tổ chức các chương trình nhằm nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp để ứng phó với các vụ việc phòng vệ thương mại trong bối cảnh ngành nhôm liên tiếp chịu sức ép từ các chính sách bảo hộ của các nước.