Không chỉ là Bộ trưởng Bộ Ngoại giao thực hiện cuốn sách “Tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh” – một tư liệu quan trọng để giảng dạy về nghệ thuật ngoại giao của Việt Nam hiện đại, ông Nguyễn Dy Niên còn từng là phiên dịch xuất sắc của Bác Hồ. Bên lề Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện các hoạt động tôn vinh Bác Hồ ở nước ngoài mới đây, ông đã có những chia sẻ sâu sắc về văn hóa đối ngoại Hồ Chí Minh với phong thái điềm đạm của một chính khách kỳ cựu.
Việt Nam đã chính thức trở thành Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021 |
Mở đầu câu chuyện, ông Nguyễn Dy Niên chậm rãi: Bác Hồ là nhà ngoại giao vĩ đại, từng bôn ba nước ngoài, đặt chân đến hơn 30 nước, tiếp xúc, vận động làm việc với nhiều chính khách, học giả, bác học danh tiếng thế giới. Với hành trình đi tìm đường cứu nước khắp năm châu, Bác là người đầu tiên tạo dựng nên nền ngoại giao cách mạng dân tộc. Trong những giai đoạn và thời khắc lịch sử, việc vận dụng tư tưởng ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giúp ngoại giao Việt Nam hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó, trở thành một mặt trận và binh chủng hợp thành của cách mạng Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Dy Niên, tư tưởng ngoại giao của Bác là phương pháp dự báo và nắm đúng thời cơ, ngoại giao “dĩ bất biến, ứng vạn biến” với trí tuệ, linh hoạt xuất sắc để thuyết phục đối phương, tập hợp lực lượng thế giới ủng hộ. Tinh thần, nghệ thuật ngoại giao này của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được vận dụng rõ nét tại Hội nghị Paris (1968-1971) - một đàm phán kéo dài nhất trong lịch sử ngoại giao thế giới. Ngay trên bàn hội nghị, cố vấn Lê Đức Thọ đã đưa ra nhiều lập luận khiến cho đối phương không thể bác bỏ, đến Kissinger cố vấn an ninh của Tổng thống Mỹ Nixon cũng phải khâm phục.
Nhấn mạnh thêm về tư tưởng ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Dy Niên cho hay, đó là nghệ thuật vận dụng “5 điều biết”: “Biết mình, biết người, biết diễn biến, biết thời thế, biết dừng”. Trong đó, “biết dừng” chính là một chiến lược mang tính quyết định, nhất là đối với đàm phán. “Biết dừng có nghĩa là biết tìm được điểm rơi, thời cơ để kết thúc, không gây căng thẳng, xung đột. Ký kết Hiệp định Paris chính là minh chứng cho khả năng nắm điểm dừng của Việt Nam. Sau khi hiệp định ký kết, kế hoạch giải phóng hoàn toàn miền Nam được Bộ Chính trị quyết định trong thời gian 2 năm, nhưng khi thời cơ đến chúng ta chỉ làm trong 1 năm”- ông Niên nói.
Dẫn chứng tiếp về nghệ thuật nắm thời cơ của Bác, ông Nguyễn Dy Niên cho rằng, trong Cách mạng Tháng Tám, nếu để chậm một tuần thì khó giành thắng lợi. Khi Pháp bị Nhật đẩy ra khỏi Đông Dương, Nhật đầu hàng đồng minh, chớp thời cơ từ khoảng trống quyền lực đó, Bác Hồ đã lãnh đạo nhân dân giành chính quyền, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Thực hiện một cuộc cách mạng không đổ máu, không tiếng súng chỉ trong một tuần, mang lại một chiến thắng vĩ đại của lịch sử dân tộc.
Những cống hiến, sự hy sinh to lớn cho đất nước, để lại những giá trị tư tưởng toàn diện, sâu sắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là một vĩ nhân của dân tộc, nhưng nhân dân luôn gọi Người bằng cái tên rất gần gũi “Bác Hồ” – như chính sự khiêm tốn, giản dị của Người. Ông Nguyễn Dy Niên nhận định, cuộc đời và nhân cách của Bác luôn là tấm gương để mỗi chúng ta phấn đấu và noi theo; tư tưởng của Bác là cội nguồn sức mạnh, điểm tựa và niềm tin cho chúng ta trên con đường đi vào tương lai; tư tưởng của Người chính là di sản, kho báu quý giá của dân tộc, cần phải gìn giữ cho thế hệ mai sau.
Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là kho báu của dân tộc, mà cần lan tỏa ra thế giới. Bởi, tư tưởng của Người luôn chứa đựng các giá trị vì lợi ích chung cho nhân loại. Ngay từ khi về Hà Nội vào năm 1954, Bác Hồ đã chọn ở trong nhà sàn, trồng cây, nuôi cá, tìm sự hài hòa của thiên nhiên để bảo vệ môi trường; hay công việc đầu tiên Bác thực hiện là đi thăm lớp Bình dân học vụ, vì Bác luôn quan tâm đến dân trí.