Bộ Công Thương đồng hành cùng địa phương xây dựng nông thôn mới nâng cao |
Thay đổi cơ bản diện mạo nông thôn
Thời gian qua, Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới tại huyện Đại Lộc (tỉnh Quảng Nam) đã tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, làm thay đổi cơ bản diện mạo nông thôn.
Kinh tế nông nghiệp, nông thôn có bước phát triển mới với cơ cấu và quy mô hợp lý, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế để phát triển toàn diện, bền vững. Các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế đạt nhiều kết quả tiến bộ; an ninh nông thôn được đảm bảo; đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt. Vai trò của hệ thống chính trị và chủ thể nhân dân được phát huy hiệu quả.
Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đại Lộc thông tin, toàn huyện có 13/17 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm tỷ lệ 76,47%); trong đó, xã Đại Hiệp được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; bình quân có 17,53 tiêu chí/xã đạt chuẩn nông thôn mới, không còn xã dưới 10 tiêu chí; có 16 thôn được công nhận đạt chuẩn khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu. Kế hoạch đến cuối năm 2022, huyện sẽ có thêm 9 thôn đạt chuẩn nông thôn mới kiểu chuẩn; hoàn thành công tác quy hoạch chung xây dựng nông thôn mới đối với xã; hoàn thành công tác quy hoạch vùng huyện (đang chờ tỉnh phê duyệt) và hoàn thành tiêu chí về môi trường trong xây dựng huyện nông thôn mới. Đồng thời, tập trung giải ngân các nguồn vốn năm 2022 theo quy định.
Việc xây dựng nông thôn mới đã tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, làm thay đổi cơ bản diện mạo nông thôn huyện Đại Lộc |
Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình xây dựng nông thôn mới ở huyện Đại Lộc vẫn còn một số tồn tại, hạn chế.
Công tác thông tin, tuyên truyền có lúc, có nơi chưa đồng bộ, hiệu quả. Công tác vận động nhân dân và tổ chức thực hiện xây dựng nông thôn mới chưa thật sự đi vào chiều sâu. Người dân có tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư của Nhà nước, chưa có sự tham gia vào cuộc tích cực, đồng bộ. Ngoài ra, chất lượng quy hoạch xây dựng nông thôn mới còn bất cập, việc huy động các nguồn lực đầu tư còn gặp nhiều khó khăn. Thu nhập và đời sống của một bộ phận nhân dân còn thấp và bấp bênh, ô nhiễm môi trường nông thôn vẫn còn là thách thức không nhỏ…
Ngoài ra, giai đoạn 2021 - 2024, xây dựng nông thôn mới sẽ có nhiều khó khăn do các xã còn lại là xã miền núi, xuất phát điểm thấp. Bên cạnh đó, bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 nâng cao hơn trước.
Phấn đấu năm 2024, đạt chuẩn huyện nông thôn mới
Ông Lê Văn Quang - Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc cho biết, thời gian tới huyện Đại Lộc sẽ tiếp tục thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, quá trình đô thị hóa, đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững. Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn, thúc đẩy bình đẳng giới. Đồng thời, xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ và từng bước hiện đại, bảo đảm môi trường, cảnh quan nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, giàu bản sắc văn hóa truyền thống, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. Phấn đấu đến năm 2024, huyện Đại Lộc đạt chuẩn huyện nông thôn mới.
Huyện Đại Lộc đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về mức đạt chuẩn theo Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, sẽ phấn đấu có 29 thôn đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; có thêm 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới là 17/17 xã (đạt 100%). Phấn đấu đến cuối năm 2025, có 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới 3 nâng cao, 02 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Ngoài ra, phấn đấu đến năm 2025 không còn hộ nghèo (trừ các đối tượng thuộc diện bảo trợ xã hội). Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 67%.
Huyện Đại Lộc phấn đấu năm 2024, đạt chuẩn huyện nông thôn mới |
Để làm được điều đó, huyện Đại Lộc sẽ phải hoàn thành công tác quy hoạch gắn với quản lý quy hoạch xây dựng nông thôn mới, tiếp tục phát triển hạ tầng, kinh tế xã hội để thúc đẩy nhanh quá trình xây dựng nông thôn mới. Mặt khác, thực hiện hiệu quả tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, triển khai chương trình OCOP nhằm góp phần nâng cao thu nhập người dân theo hướng bền vững. Tiếp tục phát triển các sản phẩm ngành nghề nông thôn; thực hiện hiện quả đề án Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2023 gắn với phát triển kinh tế số nhằm nâng cao giá trị gia tăng; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất; nâng cao ý thức sản xuất đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Đồng thời, nâng cao chất lượng giáo dục, văn hoá, y tế, bảo vệ môi trường, giữ vững quốc phòng, an ninh và trật tự nông thôn.
“Đến cuối năm 2024, huyện Đại Lộc rà soát, đánh giá kết quả thực hiện các tiêu chí huyện nông thôn mới và hoàn thiện hồ sơ trình UBND tỉnh Quảng Nam thẩm định, xét đề nghị công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Năm 2025 huyện Đại Lộc được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới”, Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc thông tin.
Mới đây, UBND tỉnh Quảng Nam vừa quyết định cấp bổ sung dự toán kinh phí năm 2022 cho các cơ quan, đơn vị và địa phương số tiền hơn 44,5 tỷ đồng từ nguồn kinh phí sự nghiệp ngân sách trung ương bổ sung năm 2022 để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. |