Đầu tư hạ tầng giao thông được quan tâm
CôngThương - Kết quả thiết thực từ chính sách đúng
Theo Nghị định 108 NĐ/CP tháng 9/2006 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư thì cả nước có 260 huyện, thị xã, các đảo thuộc danh mục địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, trên địa bàn 41 địa phương. Để hỗ trợ cho khu vực này, từ năm 2005, đã có trên 20 văn bản, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư được ban hành, đồng thời, chỉ đạo tổ chức thực hiện sát sao, nghiêm túc.
Kết quả giám sát của Hội đồng Dân tộc (Quốc hội) cho thấy, từ năm 2006 đến tháng 12/2012, đã có 2.025 dự án đầu tư vào khu vực này với tổng vốn đăng ký hơn 327 nghìn tỷ đồng, số vốn đã giải ngân là trên 317.000 tỷ đồng. Đánh giá công tác thu hút đầu tư vào khu vực khó khăn thuộc
41 tỉnh nói trên, Hội đồng Dân tộc khẳng định, tạo công ăn việc làm là một trong những kết quả nổi bật. Theo đó, các dự án đầu tư đã thu hút, sử dụng 112.546 lao động, trong đó có 55.412 lao động là người địa phương với mức lương bình quân đạt 3,82 triệu đồng/người/tháng. Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện đầu tư vào khu vực này, các doanh nghiệp đã tích cực đầu tư, hỗ trợ địa phương, gồm: Hỗ trợ đào tạo 4.706 lao động là người địa phương; hỗ trợ vốn cho 1.006 hộ nghèo. Ngoài ra, còn có nhiều công trình hạ tầng khác, như: 51 dự án đường giao thông; 63 công trình điện; 02 công trình thủy lợi; 77 công trình trường học; 7 công trình văn hóa... được đầu tư. Có thể nói, việc thực hiện các chính sách nói trên không chỉ góp phần phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương mà còn góp phần làm đổi thay bộ mặt nông thôn, cải thiện đời sống, sinh hoạt của đồng bào miền núi, vùng dân tộc thiểu số.
Hỗ trợ phát triển kinh tế hộ gia đình cho bà con
Những khuyến nghị từ Hội đồng Dân tộc
Mặc dù đạt được những kết quả khả quan, song đánh giá của Hội đồng Dân tộc cũng chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế, như: Hệ thống văn bản chính sách chưa hoàn thiện, thay đổi thường xuyên; mức ưu đãi chưa hấp dẫn các nhà đầu tư; thủ tục hành chính còn rườm rà, phức tạp; một số Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các cấp chưa thực sự quan tâm tới việc thu hút đầu tư vào địa bàn; trình độ chuyên môn, ý thức trách nhiệm và năng lực quản lý của đội ngũ cán bộ còn hạn chế... Vì vậy, trong thời gian tới, để thực hiện tốt hơn các chính sách thu hút đầu tư vào vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo Nghị định 108, Hội đồng Dân tộc đã đưa ra một số khuyến nghị. Trước hết, Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội tiếp tục giám sát chặt chẽ tình hình đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, cần điều chỉnh, sửa đổi Luật Đầu tư cũng như các chính sách ưu đãi khác theo hướng tăng mức độ khuyến khích đủ mạnh để thu hút các nhà đầu tư thực hiện các dự án tại khu vực này. Đồng thời, đề nghị Chính phủ ban hành một số chính sách đặc thù, nhằm mục tiêu thu hút đầu tư vào các lĩnh vực cần thiết, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của vùng đặc biệt khó khăn. Đặc biệt, Chính phủ cần hỗ trợ, bố trí kinh phí ưu tiên phát triển mạnh kết cấu hạ tầng cho các địa phương , tiếp tục huy động nguồn lực của các thành phần kinh tế tham gia đầu tư cơ sở hạ tầng, đặc biệt là lĩnh vực giao thông, điện, phát triển dịch vụ, tạo điều kiện thông thương, giao lưu hàng hóa...
Đối với các địa phương, cần tiếp tục rà soát quy hoạch, khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương, điều chỉnh qui hoạch để tạo ra các vùng động lực thu hút đầu tư, khu vực, lĩnh vực ngành nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư phù hợp với chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Lồng ghép các nguồn vốn cho đầu tư cơ sở hạ tầng, đặc biệt là giao thông tại các địa phương khó khăn, khu vực ưu đãi đầu tư. Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực để phát triển kinh tế - xã hội, quan tâm dạy nghề, tạo việc làm phù hợp với định hướng phát triển.