Nhiều khu kinh tế không có số liệu chính xác về diện tích đất đã sử dụng.
CôngThương - Đây là những yếu tố thuộc về nguyên nhân chủ quan của những yếu kém, hạn chế trong báo cáo về việc thực hiện chính sách, pháp luật về môi trường đã được Chính phủ gửi đến Quốc hội tại kỳ họp thứ hai.
Kết quả giám sát nội dung này của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ là nội dung được Quốc hội thảo luận tại hội trường trong cả ngày hôm nay (7/11).
Tại báo cáo, Chính phủ cho biết, với 3 khu kinh tế được bổ sung vào quy hoạch hồi đầu năm 2011, cả nước sẽ có 18 khu kinh tế ven biển với tổng diện tích mặt đất và mặt nước là 765.275,27 ha trong quy hoạch phát triển các khu kinh tế đến 2020.
Ở 15 khu kinh tế ven biển mới đã được Thủ tướng phê duyệt thành lập đến cuối năm 2010, hầu hết tỷ lệ hoạt động của các dự án sản xuất kinh doanh mới đạt từ 20 – 30%, thậm chí có nơi chỉ đạt 10% - 20% như các Khu kinh tế Nhơn Hội, Vân Phong, Nam Phú Yên, Nghi Sơn…, báo cáo nêu rõ.
Mở phụ lục báo cáo để tìm hiểu cụ thể hơn về hiện trạng các khu kinh tế mà tên tuổi đã khá quen thuộc, điều bất ngờ là khá nhiều mục được ghi dòng chữ “không có số liệu chính xác trong báo cáo”.
Đởn cử, Khu kinh tế mở Chu Lai được thành lập từ ngày 5/6/2003 với 27.040 ha đất được phê duyệt, song ở phần diện tích đất đã sử dụng, tổng số vốn đầu tư theo giấy phép, số dự án đã đi vào hoạt động đều không có số liệu chính xác.
Lạ hơn là có đến 10/15 khu kinh tế không có số liệu chính xác về diện tích đất đã sử dụng.
Trong khi thời gian qua, tỷ lệ lấp đầy quá thấp tại các khu kinh tế, bên cạnh tỷ lệ lấp đầy tại các khu công nghiệp cũng chỉ trên 40% (theo báo cáo) đã được xem là lãng phí lớn trong đầu tư công.
Bên cạnh đó, là các con số về doanh thu, lợi nhuận và nộp ngân sách cũng vẫn rất nhỏ nhoi không khỏi khiến nhiều người đặt câu hỏi về sự tồn tại của các khu kinh tế này.
Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên kể rằng, ông đã từng nói với Bộ trưởng mới của Bộ Kế hoạch và Đầu tư rằng, có thể kết luận là nền kinh tế và các địa phương đang nuôi khu kinh tế và khu công nghiệp chứ không phải các khu này đang dẫn dắt nền kinh tế phát triển, và đây là “tình huống nguy hiểm”.
Tại bản báo cáo, quá trình phát triển các khu kinh tế được Chính phủ đánh giá là “tương đối chậm” so với định hướng chung. Bên cạnh đó nhiều khu kinh tế còn vướng mắc trong việc hoàn thiện các thủ tục quy hoạch, xây dựng hạ tầng hoặc kêu gọi đầu tư.
Chính phủ cũng cho biết, hiện có trên 800 dự án với tổng vốn đầu tư gần 35 tỷ USD và 330.000 tỷ đồng.
Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2010 các doanh nghiệp trong khu kinh tế đã đạt tổng doanh thu 10.000 tỷ đồng và 560 triệu USD, giá trị nhập khẩu và xuất khẩu lần lượt là 572.5 triệu USD và 370 triệu USD, nộp ngân sách nhà nước 1.100 tỷ đồng.
Báo cáo giám sát được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét trong kỳ họp thứ hai vào cuối tháng 9 vừa qua cũng cung cấp thêm một số thông tin. Như kế hoạch đến 2020, các khu kinh tế sẽ thu hút được khoảng 1.500 – 2.000 dự án (trong đó khoảng 60% là dự án đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đăng ký đạt khoảng 70 -80 tỷ USD và 320 – 350 nghìn tỷ đồng Việt Nam.
Và, theo đề án Quy hoạch phát triển các khu kinh tế ven biển của Việt Nam đến 2020, mục tiêu phấn đấu tại thời điểm này là các khu kinh tế ven biển đóng góp vào tổng GDP của cả nước khoảng 15 -20% và tạo ra việc làm phi nông nghiệp cho khoảng 1,3 – 1,5 triệu người.
Đánh giá về vai trò động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, vùng, miền cả nước, Chính phủ cho rằng “sự hình thành các khu kinh tế đã khẳng định được vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế chung của đất nước, đóng góp đáng kể vảo tăng trưởng GDP và tạo việc làm, góp phần thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.
Tuy nhiên, sau khi dẫn các số liệu như ở trên, báo cáo lại viết “số lượng các dự án hoạt động trong khu kinh tế đến thời điểm này chưa nhiều, doanh thu và mức đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của đất nước từ các hoạt động của khu kinh tế còn rất khiêm tốn, chưa tương xứng với quy mô và kỳ vọng đặt ra”.
Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhìn nhận, để tập trung nguồn lực cho đất nước phát triển một cách có chiều sâu và bền vững thì số lượng các khu kinh tế được hình thành như vậy là tương đối nhiều, chưa thực sự phù hợp với điều kiện kinh tế của các địa phương cũng như cả nước.
Liên quan đến nội dung chính yếu của cuộc giám sát là môi trường, báo cáo của cả Chính phủ và của đoàn giám sát đều đã chỉ ra không ít tác động tiêu cực của các khu kinh tế đến môi trường. Trong khi ban quản lý khu kinh tế là cơ quan chịu trách nhiệm quản lý môi trường trong khu kinh tế lại chưa làm tròn trách nhiệm này.
Đoàn giám sát cũng chỉ ra rằng, phần lớn các khu kinh tế chưa xây dựng được hệ thống xử lý nước thải tập trung hoặc có nhưng vận hành không thường xuyên, vẫn còn không ít cơ sở chưa tuân thủ nghiêm túc các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
Nhấn mạnh sự nóng vội trong quá trình triển khai xây dựng các khu kinh tế, đoàn giám sát hơn một lần lưu ý thực trạng số lượng các khu kinh tế được hình thành vượt quá khả năng kinh tế của các nước. Do vậy, cần có những nhìn nhận một cách khách quan để rút ra những bài học kinh nghiệm.