Giai đoạn 3 Dự án RIICE do Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn thực hiện với sự tài trợ của SDC và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. RIICE 3 sẽ là sự tiếp nối của RIICE 1 và RIICE 2 và đây là bước cuối cùng trong hành trình dài phục vụ cho ngành lúa gạo tại Việt Nam.
Đây là dự án nằm trong dự án toàn cầu của SDC hỗ trợ một số nước sản xuất lúa gạo trong khu vực như: Campuchia, Ấn Độ, Indonesia, và Thái Lan. Tại Việt Nam, RIICE đã được các đối tác Việt Nam và quốc tế thực hiện từ năm 2013. Cụ thể, RIICE sẽ được Sarmap - một công ty có trụ sở tại Thụy sĩ, hỗ trợ kỹ thuật về xử lý dữ liệu vệ tinh, và Viện Nghiên cứu Lúa Quốc tế có trụ sở tại Philippines (IRRI) hỗ trợ kỹ thuật về dự báo năng suất lúa. Ngoài ra, công ty tái bảo hiểm Swisss Re - một tập đoàn tái bảo hiểm hàng đầu thế giới cũng đóng góp kinh nghiệm quý giá của mình về bảo hiểm nông nghiệp vào quá trình thực hiện dự án.
Khởi động giai đoạn 3 dự án RIICE Hệ thống thông tin viễn thám và bảo hiểm nông nghiệp |
Triển khai từ tháng 7/2019 đến tháng 6/2021 tại 2 tỉnh An Giang và Thái Bình, tổng kinh phí thực hiện dự án là 10,2 tỷ đồng, trong đó, vốn ODA không hoàn lại của SDC là 8,6 tỷ đồng, vốn đối ứng của Việt Nam là 1,8 tỷ đồng, Giai đoạn 3 Dự án RIICE sẽ tập trung vào 2 nội dung chính - tích hợp hoàn toàn công nghệ RIICE vào hệ thống theo dõi và quản lý rủi ro thiên tai, và hỗ trợ chương trình bảo hiểm lúa của Chính phủ. Dự án gồm 2 hợp phần. Trong đó, hợp phần 1 của dự án sẽ giúp Bộ NN&PTNT tích hợp thành công và bền vững công nghệ tân tiến vào hệ thống theo dõi lúa trên tất cả các mặt kỹ thuật, thể chế và tài chính. Dự án cũng tính đến phương án thương mại hóa, tức là thu một phần phí dịch cung cấp số liệu để qua đó giảm bớt chi ngân sách. Trong hợp phần 2, RIICE sẽ xử lý và cung cấp số liệu năng suất lúa cấp xã nhằm hỗ trợ chương trình bảo hiểm lúa tại 7 tỉnh theo quy định trong Quyết định 22/2019/QD-TTg của Thủ tướng.
Phát biểu tại hội thảo, ông Reymond Marcel - Giám đốc bộ phận phát triển của Thụy Sĩ tại Việt Nam – cho hay, được triển khai từ tháng 7/2019 đến tháng 6/2021, Cơ quan Hợp tác Phát triển Thụy Sĩ và các đối tác khác, bao gồm IRRI, Sarmap và Swiss Re, sẽ hợp tác với Bộ NN&PTNT để thể chế hóa hoàn toàn RIICE vào hệ thống giám sát lúa gạo của Chính phủ. Trong giai đoạn 3, SDC sẽ tiếp tục giám sát lúa dựa trên viễn thám, đồng thời tập trung vào các khía cạnh thể chế, để RIICE hoạt động trơn tru và bền vững. Một thành phần quan trọng khác trong RIICE Giai đoạn 3 là sự hỗ trợ của chương trình bảo hiểm nông nghiệp của chính phủ. RIICE sẽ phối hợp chặt chẽ với Phòng Hợp tác xã và Phát triển nông thôn để đào tạo bảo hiểm cho cán bộ; và RIICE sẽ cung cấp dữ liệu đánh giá mất mùa mà không mất phí ở 7 tỉnh của chương trình.
Cũng theo ông Reymond Marcel, an ninh lương thực luôn là lĩnh vực ưu tiên của Cơ quan Hợp tác và Phát triển Thụy Sĩ. Danh mục đầu tư an ninh lương thực và nông nghiệp chiếm 122 triệu CHF hoặc hơn 50% tổng số hỗ trợ song phương của SDC cho Việt Nam trong quá khứ và Bộ NN&PTNT luôn là đối tác chính của SDC tại Việt Nam.
Hội thảo khởi động dự án lần này là cơ hội để Cục Kinh tế Hợp tác và Phát triển Nông thôn và Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp chia sẻ chương trình Bảo hiểm Nông nghiệp thực hiện theo Nghị định 58/2018/NĐ-CP và kết quả thực hiện dự án RIICE các giai đoạn trước, đồng thời trình bày kế hoạch thực hiện dự án RIICE trong thời gian sắp tới. “Chúng tôi được giao nhiệm vụ thực hiện thành công chương trình bảo hiểm nông nghiệp. Đây là một lĩnh vực rất mới đối với chúng tôi. Các công ty bảo hiểm đòi hỏi rất nhiều số liệu. Dự án RIICE hỗ trợ chúng tôi trong lĩnh vực này và cũng mở ra một cơ hội để nhân rộng chương trình của chính phủ” ông An Văn Khanh - Phó Cục trưởng Cục Kinh tế Hợp tác nói.
Tiếp nối 2 dự án RIICE - Giai đoạn I và Giai đoạn II tại Việt Nam, tháng 7/2019, Bộ NN&PTNT Việt Nam đã ký Biên bản Thỏa thuận Dự án cùng Bộ Ngoại giao Liên bang Thụy Sỹ về dự án RIICE – Giai đoạn 3, nhằm hỗ trợ thể chế hóa công nghệ RIICE vào hệ thống theo dõi lúa và bảo hiểm nông nghiệp của Bộ. |
Ngành sản xuất lúa đóng vai trò đặc biệt quan trọng tại Việt Nam trong việc đảm bảo an ninh lương thực, tạo việc làm, và thu nhập. Tuy nhiên, sản xuất lúa ở Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều rủi ro thiên tai như bão, lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn và dịch bệnh. Bảo hiểm nông nghiệp được xem là một trong những giải pháp có thể giúp nông dân đối mặt với các rủi ro trên. Trong giai đoạn 2011 - 2013, Bộ NN&PTNT cùng Bộ Tài chính đã phối hợp thực hiện chương trình thí điểm bảo hiểm nông nghiệp tại 21 tỉnh thành phố. Dựa trên kết quả của chương trình thì điểm, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị định 58/2018/NĐ-CP nhằm tiếp tục hỗ trợ cho bảo hiểm nông nghiệp giúp nông dân đối mặt với thiên tai. Áp dụng công nghệ viễn thám vào quản lý cây trồng nông nghiệp là giải pháp ưu tiên của Đề án Tái cấu trúc ngành nông nghiệp. Trong đó, dự án RIICE được xem như giải pháp sáng tạo nhằm giúp Bộ NN&PTNT thực hiện giám sát lúa, quản lý rủi ro thiên tai, bảo hiểm cây trồng minh bạch và hiệu quả hơn.
Dự án RIICE sử dụng dữ liệu vệ tinh và chạy mô hình sinh trưởng cây trồng để cung cấp thông tin về sản xuất lúa bao gồm diện tích, thời vụ, năng suất, và đánh giá thiệt hại do lũ lụt và hạn hán gây ra. Giai đoạn 1 (2012-2015) của RIICE đã được thí điểm thử nghiệm thành công tại các khu vực nhỏ ở tỉnh Nam Định và Sóc Trăng. Sau khi thực hiện thành công, Giai đoạn 2 (2015-2017), dự án được mở rộng ra tổng cộng 10 tỉnh ở đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long trong giai đoạn. Giai đoạn này tập trung vào việc cung cấp dữ liệu giám sát lúa gạo và hỗ trợ quản lý rủi ro thiên tai.
Khẳng định những nghiên cứu của dự án có thể ứng dụng vào thực tế, Giáo sư Võ Quang Minh – Giảng viên cao cấp – Trưởng bộ môn GIS/Viễn thám/Khoa học Đất - của Đại học Cần Thơ – đánh giá, thời gian qua dự án đã mô phỏng được năng suất lúa dựa trên các điều kiện về thủy văn, khí hậu, điều kiện canh tác…. Giai đoạn 2 đã bắt đầu áp dụng vào thực tế, các kết quả kiểm tra và ảnh viễn thám cho thấy có sự tương thích lẫn nhau trong năng suất, sản lượng. Đây là nền tảng cho bảo hiểm nông nghiệp. “Tuy nhiên, việc đưa bảo hiểm nông nghiệp vào áp dụng nhưng còn gặp khó khăn do sự phối hợp giữa người dân với công ty. Hiện các bên vẫn gặp khó khăn trong việc xác định ngưỡng bảo hiểm do khó xác định các yếu tố tác động như thiên tai, dịch hại, canh tác… Hi vọng trong giai đoạn 3 sẽ đưa được các kết quả trên vào bảo hiểm” ông Võ Quang Minh cho hay.