Không để thiếu than, điện trong mọi tình huống
Công Thương và công luận 06/04/2022 10:00
Thiếu than cho sản xuất điện, nguy cơ thiếu điện từ tháng 4
Tìh hình cung cấp than cho sản xuất điện vẫn đang thiếu hụt rất lớn so với hợp đồng cung cấp than đã ký. Trong quý I-2022, tổng khối lượng than cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là 4,49 triệu tấn/5,85 triệu tấn theo hợp đồng đã ký (tương ứng tỷ lệ 76,76%). Như vậy, lượng than cung cấp cho sản xuất điện thiếu hụt 1,36 triệu tấn so với khối lượng trong hợp đồng.
Kho than Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 1, Thanh Hóa |
Do lượng than cung cấp thiếu và tồn kho ở mức thấp nên đến cuối tháng 3-2022, nhiều tổ máy nhiệt điện than (NĐT) trong hệ thống đã phải dừng và giảm phát. Cụ thể: Các NMNĐ Nghi Sơn 1, Vũng Áng 1, Vĩnh Tân 2, Duyên Hải 1 hiện nay chỉ đủ than vận hành 1 tổ máy ở mức 60-70% công suất; NMNĐ Hải Phòng chỉ đủ than vận hành cho 1 trong 4 tổ máy. Thông tin từ EVN cũng cho thấy, do tình hình cung cấp than cho sản xuất điện của Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng công ty Đông Bắc chưa đủ theo Hợp đồng mua bán than đã ký nên dự báo có thể thiếu hụt khoảng 3.000MW NĐT trong năm 2022. Đặc biệt, trong thời gian tới đây, nhất là vào thời điểm nắng nóng cao điểm của mùa khô năm 2022, công tác sản xuất điện từ nhiên liệu than đóng một vai trò hết sức quan trọng cho bảo đảm cung cấp điện, đặc biệt là các tháng 4, 5, 6, 7 tại khu vực miền Bắc.
Thực tế cho thấy, trong cơ cấu huy động về sản lượng điện sản xuất trên toàn hệ thống, EVN cho biết, trong hai tháng đầu năm nay, sản lượng điện sản xuất đạt 39,59 tỷ kWh, tăng 6,1%. Trong số này, tỷ lệ huy động một số nguồn chính như NĐT đạt 17,27 tỷ kWh, chiếm đến 43,6% tổng sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống... Trong khi đó, trái ngược với nguy cơ thiếu điện từ những NMNĐ chạy than trên, các nguồn năng lượng tái tạo vào một số thời điểm đang buộc phải giảm phát để bảo đảm vận hành an toàn hệ thống điện. Đây là lý do khiến nhiều nhà máy điện gió, điện mặt trời bị buộc phải giảm phát, ngay cả vào thời điểm nắng nóng, không phải dịp thấp điểm. “Tình hình cung cấp than còn tiếp tục có nhiều khó khăn trong thời gian tới làm nguy cơ thiếu than dẫn đến thiếu điện từ tháng 4 trở đi đang hiện hữu”-thông tin từ EVN nhấn mạnh.
Lý giải nguyên nhân của việc cấp than quý I-2022 cho sản xuất điện không đạt tiến độ hợp đồng, theo TKV là bởi phụ thuộc rất nhiều vào khối lượng, chất lượng than nhập khẩu theo kế hoạch; cùng với đó còn do đến ngày 2-3-2022, EVN mới chấp thuận cơ chế giá than pha trộn TKV kê khai theo Luật Giá dẫn tới TKV phải đẩy lùi và bỏ lỡ nhiều cơ hội nhập khẩu đủ than về pha trộn theo kế hoạch.
Huy động bổ sung tối đa các nguồn điện
Tình hình thế giới đang diễn biến phức tạp, làm đứt gãy nguồn cung về năng lượng nói chung, gây khó khăn cho quá trình mua bán, thanh toán của các vật tư chiến lược bao gồm xăng dầu, khí đốt và than, điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến quá trình phục hồi kinh tế và sinh hoạt của người dân. Để có thể bảo đảm đủ nguồn than cho sản xuất điện, TKV cho biết, đã chỉ đạo các đơn vị tăng sản lượng khai thác đến mức tối đa, điều chỉnh phương án chế biến than trong nước... Song, TKV cũng đề nghị Bộ Công Thương báo cáo Chính phủ cho phép chủ đầu tư các NMNĐ BOT dùng thêm nguồn than pha trộn nhập khẩu như các NMNĐ khác, do nguồn than trong nước phải đưa vào pha trộn với than nhập khẩu mới bảo đảm đủ than cung cấp cho các NMNĐ. TKV kiến nghị Chính phủ xem xét tăng giá bán than trong nước, đặc biệt giá bán than cho các NMNĐ. Trước tình hình giá nguyên liệu, sắt thép năm 2022 tăng vọt lên mức cao nhất trong nhiều năm, cộng với chi phí chống dịch và tiền lương giữ chân lao động thợ lò tăng cao, làm giảm hiệu quả kinh doanh của TKV.
Để chủ động ứng phó với nguy cơ ảnh hưởng đến cung cấp điện từ phía người sử dụng điện, EVN kêu gọi người dân và các khách hàng sử dụng điện thực hiện những biện pháp tiết kiệm điện như: Tắt các thiết bị điện không cần thiết, tránh sử dụng nhiều thiết bị điện vào các giờ cao điểm, sử dụng hợp lý điều hòa nhiệt độ... góp phần giảm bớt những khó khăn về nguồn điện.
Với yêu cầu phải bảo đảm nguồn cung ứng than cho điện và bảo đảm đủ điện trong mọi tình huống, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên yêu cầu các tập đoàn thực hiện ngay giải pháp nhằm huy động bổ sung sản lượng phát điện từ các nguồn khác. Trước hết, các đơn vị sản xuất than (TKV và Tổng công ty Đông Bắc), khí (PVN) cần nâng cao năng lực sản xuất nhiên liệu sơ cấp trong nước; tăng cường ký kết các hợp đồng mua bán than, khí với những đối tác truyền thống và đối tác mới. Cùng với đó, nâng cao trách nhiệm trong việc hợp tác với những đối tác trong và ngoài nước để bảo đảm huy động tối đa các nguồn điện; Trung tâm điều độ Hệ thống điện quốc gia và những đơn vị truyền tải phải đặt vào trạng thái luôn sẵn sàng để thực hiện được các mục tiêu này... Về dài hạn, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu các tập đoàn phối hợp chặt chẽ để báo cáo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ Tài chính và cấp có thẩm quyền giải quyết dứt điểm các vấn đề liên quan đến giá điện, giá nhiên liệu sơ cấp, vướng mắc trong thanh quyết toán liên quan đến sản xuất điện.
Liên quan tới việc bảo đảm điện cho nền kinh tế, các tập lớn như: TKV, PVN, EVN đã báo cáo Bộ Công Thương về việc có thể huy động bổ sung khoảng 3.700MW để bù đắp vào sản lượng NĐT thiếu hụt. Trong đó: Nguồn năng lượng tái tạo khoảng 1.000MW, nguồn thủy điện khoảng 300MW, nguồn điện khí khoảng 1.200MW, nguồn NĐT khoảng 1.200MW. Như vậy, năm 2022 không thiếu điện để phục vụ sản xuất và sinh hoạt theo kế hoạch huy động và vận hành hệ thống điện quốc gia đã được Bộ Công Thương phê duyệt. |