Nguồn kinh phí khuyến công quốc gia giúp việc phân loại cà phê nhanh và chính xác hơn |
Sở dĩ chế biến nông sản nhận được nhiều nguồn lực hỗ trợ bởi đây là thế mạnh và là trọng tâm phát triển kinh tế của Đăk Nông. Trên địa bàn tỉnh hiện có 306,7 nghìn ha đất nông nghiệp, trong đó phần lớn là diện tích trồng cây công nghiệp lâu năm như cà phê, tiêu, điều… Những năm qua, nhờ các chính sách khuyến khích phát triển hợp lý, thiết thực của tỉnh, diện tích cây công nghiệp ngày càng mở rộng. Số lượng doanh nghiệp, cơ sở chế biến nông sản cũng tăng đáng kể.
Riêng với chương trình khuyến công, hơn 10 năm qua, khuyến công Đăk Nông đã hỗ trợ thực hiện hơn 20 đề án xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật và đầu tư ứng dụng công nghệ chế biến nông sản mới. Các đề án đều phát huy tốt hiệu quả, giúp cơ sở, doanh nghiệp tăng đáng kể doanh thu và lợi nhuận. Đáng lưu ý, tổng vốn đối ứng của các cơ sở CNNT đạt hơn 11 tỷ đồng cũng cho thấy sức hút mạnh mẽ của chương trình khuyến công.
Bên cạnh đó, các cơ sở chế biến nông sản còn được đào tạo, tập huấn trang bị thêm kiến thức về quản lý, điều hành sản xuất; tham dự hội chợ triển lãm trong nước và tham gia bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu các cấp. Ngoài ra, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh còn hỗ trợ một số cơ sở sản xuất máy chế biến nông sản; sản xuất, sửa chữa máy móc phục vụ nông nghiệp, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng thu nhập cho người lao động.
Đơn cử, sau khi được hưởng hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia năm 2017 cho ứng dụng cụm máy phân loại cà phê theo trọng lượng và kích thước trong chế biến cà phê nhân, Công ty TNHH MTV Thương mại Nga Thanh (huyện Krông Nô) đã thay đổi đáng kể năng lực sản xuất, kinh doanh. Thiết bị mới đã giúp việc phân loại cà phê nhanh và chính xác hơn; giúp tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, mang lại lợi ích tối đa trên mỗi loại sản phẩm, đáp ứng được yêu cầu của các đơn vị chế biến cà phê bột trên thị trường. Việc ứng dụng máy móc mới cũng đã giúp mở rộng quy mô sản xuất của công ty, doanh thu và lợi nhuận tăng, tạo thêm việc làm cho 10 lao động địa phương với thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/tháng.
Tương tự, tại Công ty TNHH MTV Sản xuất và Chế biến Bông lúa Việt (huyện Krông Nô), sau khi được sự tư vấn và hỗ trợ kinh phí từ khuyến công, công ty đã đầu tư máy bóc tách vỏ lụa, máy tách trấu, máy tách lúa… với tổng kinh phí 460 triệu đồng. Sau khi đưa vào sử dụng, năng suất đã tăng thêm 300 tấn gạo/năm, đạt danh thu 3,7 tỷ đồng/năm.
Theo đánh giá từ Sở Công Thương Đăk Nông, các đề án khuyến công đã kịp thời khuyến khích, hỗ trợ cơ sở chế biến nông sản trên địa bàn tỉnh đổi mới công nghệ sản xuất, nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường. Từ đó, từng bước đưa công nghiệp chế biến nông sản phát triển ổn định, góp phần tạo việc làm mới, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội của tỉnh.
Tiếp tục thực hiện định hướng ưu tiên phát triển ngành nghề thế mạnh này của tỉnh, năm 2018, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Đăk Nông tiếp tục bám sát các cơ sở được hỗ trợ thực hiện đề án, kịp thời tháo gỡ khó khăn, bảo đảm triển khai đúng tiến độ, hiệu quả. Hỗ trợ xây dựng thương hiệu và quảng bá giới thiệu nhằm tìm kiếm thị trường tiêu thụ và nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm.
Trong kế hoạch khuyến công quốc gia năm 2018, khuyến công Đăk Nông hỗ trợ thực hiện 4 đề án ứng dụng máy móc, thiết bị mới vào sản xuất nhằm tiếp tục đồng hành cùng các doanh nghiệp, cơ sở chế biến nông sản, nâng cao năng lực sản xuất và sức cạnh tranh. |