Nguồn lợi hải sản trên vùng biển của Việt Nam vô cùng phong phu
CôngThương - Việt Nam làm chủ một vùng biển rộng lớn, gấp 3 lần diện tích đất liền. Trải dọc chiều dài bờ biển có trên 50% số đô thị lớn của cả nước, 3 vùng kinh tế trọng điểm, gần 30 khu chế xuất, khu công nghiệp tập trung, hơn 80 cảng biển lớn nhỏ.
Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khoảng 80% lượng cá đánh bắt hàng năm là ở vùng biển nông gần bờ, khoảng 90% sản lượng tôm nuôi từ vùng nước lợ ven biển. Quy mô kinh tế biển và vùng ven biển Việt Nam đóng góp lớn vào GPD của đất nước.
Tại Diễn đàn thương hiệu biển Việt Nam lần thứ 6, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Chu Phạm Ngọc Hiển khẳng định: Việt Nam luôn đặt kinh tế biển vào vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế đất nước, phấn đấu đến năm 2020 kinh tế biển đóng góp khoảng 53- 55% GDP, cải thiện một bước đáng kể đời sống của nhân dân vùng biển và ven biển.
Tiềm năng và lợi thế kinh tế biển chưa được khai thác đúng mức
Tiến sĩ Đỗ Cẩm Thơ- Viện Nghiên cứu phát triển du lịch (Tổng cục Du lịch): Du lịch các tỉnh ven biển đóng góp quan trọng phát triển kinh tế, chiếm hơn 60% tổng thu từ du lịch cả nước. Tốc độ tăng trưởng thu nhập từ du lịch trong 15 năm trở lại đây luôn giữ mức 24%/năm. |
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, nguồn tài nguyên biển Việt Nam vô cùng phong phú. Về tài nguyên khoáng sản, chỉ tính riêng dầu mỏ và khí đốt, trữ lượng dự báo tại vùng biển thềm lục địa Việt Nam khoảng 10 tỷ tấn dầu quy đổi, trữ lượng khí dự báo khoảng 1.000 tỷ m3. Về tài nguyên hải sản, theo các điều tra về nguồn lợi hải sản, trong vùng biển Việt Nam có 11.000 loài sinh vật cư trú, với 6.000 loài động vật đáy, 2.400 loài cá, 225 loài tôm biển có giá trị kinh tế cao… Đó là chưa kể tài nguyên du lịch, với khoảng 125 bãi biển lớn nhỏ, 2.773 đảo ven bờ...
Tiềm năng và những lợi thế đó không phải quốc gia nào trên thế giới cũng có được. Kinh tế biển của Việt Nam có triển vọng và tương lai khá sáng sủa. Song, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, tiềm năng và lợi thế kinh tế biển của Việt Nam vẫn chưa được khai thác đúng mức. Nếu so sánh với một số nước trong khu vực thì giá trị kinh tế biển Việt Nam còn thấp.
Ông Nguyễn Hoàn - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Quảng Trị - cho rằng, Việt Nam cần xây dựng và đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế biển, chú trọng phát triển khoa học công nghệ, xây dựng và hoàn thiện các thể chế, luật pháp trong nước, các cơ chế hợp tác song phương và đa phương, định hướng về quảng bá hình ảnh vùng biển… Đặc biệt, chúng ta cần phải tạo ra các sản phẩm- thương hiệu biển có chất lượng, uy tín, gia tăng giá trị của các sản phẩm, giúp sản phẩm biển đứng vững trên thị trường...
Rõ ràng, nếu biết cách làm và có hướng đi đúng, trong tương lai không xa, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia phát triển mạnh về kinh tế biển.